Từ năm 2017 đến 2019, học sinh thi tốt nghiệp THPT với 5 bài thi, 9 môn thi; trong đó các môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và chọn 1 trong số 2 bài thi hoặc cả 2 bài tổ hợp khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân). Nếu thí sinh đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp thì điểm bài thi nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Từ năm 2020 đến 2024, học sinh thi tốt nghiệp THPT với 4 bài thi, 6 môn thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và tổ hợp khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc tổ hợp khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân). Thí sinh không được phép thi cả hai bài tổ hợp như trước đó. Trên cơ sở đó, các trường đại học (ĐH) có đến hàng chục phương thức tuyển sinh và hàng trăm tổ hợp xét tuyển.
Thí sinh làm thủ tục dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Điểm thi Trường THPT Buôn Ma Thuột. Ảnh minh họa: Thanh Hường
Tuy nhiên, từ năm 2025 trở đi, theo Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2023 về việc phê duyệt “phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025”, học sinh thi tốt nghiệp THPT gồm 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 là Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Với quy định này sẽ có 36 cách chọn tổ hợp 4 môn thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, từ 36 cách chọn các môn thi tốt nghiệp THPT đó, có những cách không thể dẫn đến một tổ hợp 3 môn thi xét tuyển đại học truyền thống, chẳng hạn như các thí sinh thi 4 môn Toán, Ngữ văn, Tin học, Công nghệ.
Có thể nói, chọn môn thi tốt nghiệp THPT thực sự là một bài toán “cân não” đối với học sinh lớp 12. Việc chọn môn thi tốt nghiệp để đồng thời dùng cho việc xét tuyển ĐH bây giờ không chỉ đợi đến năm lớp 12 mà ngay từ khi học sinh vào lớp 10 đã phải chọn tổ hợp môn học và sự lựa chọn này sẽ được cố định trong suốt 3 năm THPT, việc thay đổi là vô cùng khó khăn, thậm chí có nơi là không thể. Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đối với học sinh THPT, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Các môn học lựa chọn: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Học sinh chọn 4 môn học từ các môn học lựa chọn. Vì vậy, nếu ngay từ lớp 10, học sinh không chọn môn Hóa học thì cũng đồng nghĩa với việc sau này các em không được chọn môn này để thi tốt nghiệp THPT.
Vì số môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 ít hơn và tổ hợp cả 4 môn thi của một học sinh có thể không phủ hết một tổ hợp 3 môn xét tuyển ĐH truyền thống trước đây, và có các môn thi tốt nghiệp mới xuất hiện lần đầu nên nếu các trường ĐH vẫn chỉ tiếp tục sử dụng các tổ hợp môn xét tuyển truyền thống như trước đây sẽ không còn phù hợp. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các cơ sở giáo dục ĐH đã phải xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và bảo đảm tính ổn định của phương án này ít nhất là trong 4 năm. Bởi chính từ phương án tuyển sinh ĐH này, lứa học sinh lớp 9 hiện nay mới có cơ sở để lựa chọn các môn học tự chọn của cấp THPT. Do đó, Bộ GD-ĐT cần sớm có những định hướng rõ ràng cho các cơ sở đào tạo về xây dựng phương thức xét tuyển và tổ hợp xét tuyển trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Nhiều người cho rằng, sự thay đổi số môn thi tốt nghiệp ít hơn và thêm các môn mới so với trước đây có khả năng khiến cho nhiều trường ĐH sẽ giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT, tăng chỉ tiêu cho kết quả các kỳ thi riêng. Việc này lại đi ngược với tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học!
Ngọc Hạnh
Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/xa-hoi/202410/can-som-cong-bo-de-an-tuyen-sinh-dai-hoc-ea20ae1/
BÌNH LUẬN