A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thi mới, cảnh giác lòng tham cũ

09:47 | 27/03/2014

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ và thi tốt nghiệp THPT năm nay đều có nhiều điểm mới chóng mặt cả về quy chế và kỹ thuật, 62 trường ĐH, CĐ sẽ tự chủ tuyển sinh. Đổi mới thi cử chỉ đem thuận lợi thực sự cho người học,...

các cơ sở đào tạo và cả xã hội khi cơ chế kiểm soát đảm bảo tiết chế được lòng tham của các cơ sở, cá nhân liên quan.  

 
Trao đổi kết quả sau kỳ thi   
Ảnh: T.L
 
Lòng tham, sự vụ lợi trong đào tạo, giáo dục có rất nhiều màu sắc và ngóc ngách, nhưng lộ rõ nhất ở mỗi kỳ thi phổ thông và ĐH, các kỳ thi tuyển học sinh giỏi, thi đầu cấp… Tham danh, thích thành tích tỷ lệ đỗ cao, tham nhiều chỉ tiêu vì tuyển càng nhiều càng… lãi khủng. Và cơ chế xin - cho… cũng là lạm quyền thỏa lòng tham.
 
Thi cử chứ đâu phải trình diễn
 
Năm nay giảm số môn thi tốt nghiệp THPT, việc tổ chức ôn thi, áp lực ôn tập của học sinh (HS) giảm xuống nhiều. Nhưng chỉ đạo của Sở GD&ĐT về tổ chức ôn thi hầu như không khác. Trong khi chờ Bộ có hướng dẫn chính thức công tác này, từ đầu tháng 3, các trường đã rốt ráo lên kế hoạch và không thể thiếu tiết mục thi thử trong trường ca ôn thi. Thi thử thường bắt đầu vào tháng 4, lý do là tạo điều kiện cho HS cọ xát không khí trường thi, quen với đề thi.
 
Năm nay Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trương không tổ chức thi thử nhưng phân cấp mạnh cho các trường THPT chủ động tự tổ chức thi và lựa chọn đề… Một số địa phương khác khuyến khích các trường tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT, Sở GD&ĐT chỉ đạo cụ thể về thời gian. 
 
Tổ chức thi thử lần một chưa đạt yêu cầu đề ra, sẽ được tổ chức thi thử tiếp lần thứ hai. Nếu tính thêm đợt kiểm tra cuối kỳ hai tổ chức giống như thi tốt nghiệp chính thức, HS được "tập dượt” tới 3 lần thi. Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho biết như vậy. Điều này "được hiệu trưởng các trường THPT ủng hộ”.
 
Thi chứ đâu phải trình diễn. Nếu các Sở, các trường lạm dụng thi thử, "tham” tỷ lệ đỗ cao, người khổ nhất chính là HS. Từ tâm lí chán ngán những kỳ thi thử, dễ dẫn tới chán ngán việc học, việc ôn tập. Hoặc thi thử cho có, tâm lý thụ động, chủ quan, hờ hững, vì dù sao cũng "thử thôi mà”. Ý thức học thật mất dần, chưa kể nhiều trò vì kết quả thi thử không cao, tâm lý không vững khiến mất tự tin.
 
Đề thi năm nay, lãnh đạo Bộ cho biết HS không phải học tủ, học thuộc lòng mà cần phải học hiểu. Khi đề thi ra theo hướng mở như vậy, cả với thi ĐH, ôn thi không nên chỉ học trên ghế nhà trường mà nên học trong cộng đồng, xã hội. Thầy cô nên giúp HS rèn thói quen lập thời gian biểu chi tiết mùa thi này, thay vì chỉ lo tập dượt thi.  
 
Vả lại thi thử phỏng ích gì ở một kỳ thi 90 đến 95% đều đỗ. Chưa kể sức tiếp thu mỗi người một khác. Có nhiều người thành công với phương pháp ôn luyện này nhưng người khác lại không. Thi thử vì vậy phản tác dụng. 
 
Thi trường học, hiểu trường đời
 
Ôn thi chính là cơ hội rèn nhân cách trước ngã rẽ cuộc đời - giã từ phổ thông nhìn về tương lai "lập nghiệp”. Tham thuộc lòng, học vẹt có thể đỗ, không vào trường công thì tới trường tư, nhưng lâu dài có nghề, có nghiệp không? 
 
Ôn thi là khi thầy cô hướng nghiệp cho người trẻ chọn đúng đích cần tới, cách học hỏi suốt đời. Nếu chọn sai phương pháp học, ôn luyện, chọn sai nghề thì có nghĩa ta đã bị chệch hướng, thậm chí không bao giờ tới đích. Ví như học môn nào cũng chỉ chăm chăm thuộc làu bài mẫu thì ra đời làm nghề gì cũng "nhai lại” không xong. 
 
Chia sẻ với đoàn viên thanh niên dầu khí nhân Ngày thành lập Đoàn TNCS HCM 26-3 mới đây, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan căn dặn: Hãy học làm người tử tế trước đã. "Thanh niên rất cần có hoài bão nhưng trước tiên, hãy làm được 3 việc này: "Nói chứ đừng chửi thề, Trồng cây chứ đừng chặt cây, Nhặt rác chứ đừng xả rác”. Nếu chúng ta không thể trở thành người tử tế, thì không thể làm được cái gì khác. 
 
Luyện thi là rèn cách tự học. HS có thể cùng thầy cô, bạn bè tham khảo một số đề thi gần đây và làm bài nghiêm túc. Kết quả thực chất bài thi đủ đánh giá phần nào sức học. Học trò phải được khuyến khích, chia sẻ những kiến thức đã học được, mỗi lần chia sẻ như vậy sẽ thêm một lần nhớ. Nghĩa là ngoài chăm chỉ còn phải cần thông minh và hiệu quả. 
 
Các em phải tự giác gạt "sóng nhiễu” - quá nhiều thông tin vô bổ, để tập trung ôn luyện những môn học cụ thể, có thói quen ghi chép thông tin bổ ích ngoài SGK, phục vụ cho các môn thi và mở tầm hiểu biết. 
 
Quan trọng hơn cả, người học biết nhìn ra "lòng tham” của chính mình, ý thức và vô thức, của cả người thân, người đời, tránh sa bẫy thành tích, bẫy kỳ vọng viển vông… Bởi lẽ đời "đi nhanh hay đi chậm không quan trọng, quan trọng là đi đúng đường”. 
 
Đừng nhẹ dạ…
 
Cảnh báo thực trạng nhiều trường có thể quảng cáo rùm beng chất lượng đào tạo kiểu thùng rỗng kêu to để "lừa” cho được nhiều HS vào học, có bài báo vừa gửi thông điệp "trường lừa, bộ ngơ, thí sinh đừng nhẹ dạ”…
 
Quả là có sự lúng túng, chậm trễ của ngành chủ quản công bố tiêu chí mới thay thế điểm sàn cũ cho tuyển sinh ĐH. Lợi dụng điều này và cả cơ chế tự chủ ĐH khá mới mẻ, không ít "chuyên gia” mong muốn tự chủ tuyển sinh thì Bộ GD&ĐT nên đẩy "bóng đầu vào” cho các trường tự xác định điểm sàn và "thả sức tuyển”. Nhưng trong hội chứng "tụt dốc không phanh” chất lượng đào tạo hiện nay, đầu ra hầu hết là phế phẩm hoặc phải đào tạo lại, vai trò quản lý Nhà nước không thể "ngơ’, không thể buông lỏng được.
 
Có người lý giải, trường kém sẽ tự đào thải khi không có SV vào học hoặc SV ra trường sẽ không xin được việc làm. Hoặc, nên sử dụng một công cụ bảo đảm chất lượng đào tạo là thắt chặt đầu ra. Hay, sau một năm "sẽ biết ngay lưới trường nào thủng”. Tiếc là thủng xong, xử lý xong, cũng đã hỏng một vài lứa ĐH. Gỡ bao giờ cho nổi?
 
"Công tác hậu kiểm sau khi thành lập trường thiếu kiên quyết, chưa xử lý dứt điểm các sai phạm, chưa có những cảnh báo về đình chỉ hoạt động với các trường ĐH, CĐ ngoài công lập vi phạm cam kết thành lập trường theo NQ 50/2010 của Quốc hội” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga tại hội nghị tổng kết 20 năm ĐH, CĐ ngoài công lập mới đây cảnh báo. Nhiều trường, vì lòng tham đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu, sai đối tượng, đào tạo liên thông, liên kết sai quy định, mở lớp đào tạo chính quy ngoài cơ sở đào tạo… 
 
Vẫn theo Bộ GD&ĐT, thông tin về chất lượng đào tạo, về các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập chưa rõ ràng, chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm và kiểm định thông tin. Những điều này khiến cho xã hội, người học khó nhận diện và đánh giá. Thực tế cho thấy đâu chỉ các trường ngoài công lập mà ngay ĐH, CĐ công cũng vẫn "tung hỏa mù” với Bộ chủ quản nhiều phen. 
 
Đổi mới thi cử là đột phá cần thiết, nhưng để lòng tham cũ không sinh tiếp ra đủ kiểu lừa, lừa người học và lừa xã hội, vấn đề vẫn là phải siết lại tổ chức và cơ chế!
 
Thanh Như

    Nguồn :Nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ