A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

LUẬT VIỆC LÀM (SỬA ĐỔI): Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động mất việc

08:03 | 16/10/2024

Khi sửa đổi Luật Việc làm, cần bảo đảm sự đồng nhất với các quy định pháp luật và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Tại các buổi góp ý kiến cho dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) và giám sát việc thực hiện Luật Việc làm, nhiều ý kiến cho rằng hiện còn một số quy định chưa có sự đồng nhất giữa các luật. Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý cần tăng mức trợ cấp thất nghiệp (TCTN), đồng thời không nên khống chế thời gian hưởng tối đa…

Thời gian nghỉ thai sản là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp?

Đại diện một số doanh nghiệp (DN) cho rằng đang có sự không đồng nhất các chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Cụ thể, người lao động (NLĐ) trong thời gian hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian tham gia BHXH và BHYT (do BHXH đóng) nhưng lại không được tính là thời gian tham gia BHTN.

Bà Đào Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Bộ phận Đối ngoại và trách nhiệm xã hội Công ty TNHH Canon Việt Nam, cho rằng điều này không bảo đảm sự đồng nhất về chế độ của 3 loại hình bảo hiểm bắt buộc (BHXH, BHYT, BHTN). Ngoài ra, thời gian nghỉ thai sản được tính là thời gian làm việc thực tế tại DN để tính trả trợ cấp thôi việc. Do vậy, DN phát sinh chi phí để trả trợ cấp cho thời gian nghỉ thai sản của NLĐ. Để bảo vệ quyền lợi NLĐ, bà Huyền đề xuất thời gian nghỉ thai sản là thời gian đóng BHTN cho NLĐ.

Người lao động tại TP HCM làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Đồng tình với đề xuất trên, cán bộ nhân sự tại một DN may mặc ở TP HCM cho biết thời điểm dịch bệnh, do tình hình DN khó khăn dẫn đến phải thu hẹp sản xuất, nhiều công nhân phải nghỉ việc, một số thì tự xin nghỉ để tìm việc làm có thu nhập khá hơn. Thời điểm đó, DN quá khó khăn, đứt đơn hàng nhiều tháng nên chế độ cho NLĐ không thể bảo đảm, trong đó có việc chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc. 

Hiểu tình trạng DN đã đứng trước nguy cơ giải thể nên NLĐ cũng chấp nhận. "Trong trường hợp này, nếu thời gian nghỉ thai sản được tính là thời gian tham gia BHTN thì họ sẽ được hưởng TCTN, quyền lợi sẽ tốt hơn. Từ thực tế ấy, tôi cho rằng nên quy định thời gian nghỉ thai sản là thời gian tham gia BHTN giống như BHXH, BHYT" - cán bộ nhân sự này đề xuất.

Còn ông Nguyễn Thái Dương, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, cho rằng quỹ BHTN hiện còn dư khá lớn, điều này cho thấy mức chi trả còn thấp, chưa tập trung nhiều vào người tham gia và việc tiếp cận hưởng các chế độ có thể còn nhiều hạn chế. Do đó, cần xem xét lại điều kiện, mức hưởng TCTN, đồng thời ông cũng đề nghị làm rõ căn cứ khống chế thời gian hưởng TCTN tối đa 12 tháng.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số vấn đề trong dự thảo Luật Việc làm, trong đó có ý kiến đề nghị bổ sung thêm quy định về quyền, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong thực hiện chính sách BHTN đối với các trường hợp thu hồi TCTN để làm căn cứ trong tổ chức thực hiện.

Nâng mức hưởng

Tại buổi giám sát công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn huyện Củ Chi (TP HCM) mới đây, nhiều đại biểu cho rằng mức hưởng TCTN hiện còn thấp, cần tăng mức hưởng để cuộc sống của NLĐ mất việc đỡ vất vả, giúp họ sớm quay lại thị trường lao động.

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc BHXH huyện Củ Chi, cho biết trong dự thảo Luật Việc làm, mức hưởng TCTN hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng đã đóng BHTN gần nhất trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng BHTN. Thời gian hưởng TCTN được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng TCTN, sau đó cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Quy định này về cơ bản giống với quy định trong luật hiện hành nên cần sửa đổi theo hướng tăng thêm ít nhất ở mốc 75% như nhiều chuyên gia góp ý. "Lý do là mức thu nhập của NLĐ hiện nay thấp, tỉ lệ đóng BHTN không cao nên khi hưởng TCTN thì chẳng được bao nhiêu. Điều này ảnh hưởng đến mục tiêu đào tạo cho NLĐ khi hưởng TCTN vì họ không đủ sống sao đi học được?" - ông Kiệt đánh giá.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Củ Chi, cũng mong muốn các chính sách về đào tạo, giải quyết việc làm cần theo sát thực tế với mức sống của NLĐ. Bà Tuyết cho rằng dù có ở vị trí nào, NLĐ cũng đều mong muốn công việc ổn định, thu nhập tốt và có cơ hội để phát triển bản thân.

Do đó, các chính sách an sinh xã hội, các luật liên quan đến đời sống, việc làm của NLĐ cần đi từ thực tiễn trên cơ sở đánh giá khoa học sẽ đi vào cuộc sống tốt hơn. Chẳng hạn, chính sách đào tạo nghề cho người mất việc, lao động nông thôn, lao động thuộc diện thu hồi đất... cần khảo sát nhu cầu và khả năng của NLĐ. 

Các ngành nghề cũng cần được điều chỉnh linh hoạt về cấu trúc đào tạo, thời gian và cả chi phí để làm sao NLĐ thu xếp được và yên tâm học tập. Hiện luật quy định về đào tạo khá cứng nhắc và nhiều ngành nghề không còn phù hợp với thị trường lao động. Điều đó vô tình gây lãng phí trong khi nhu cầu thật của NLĐ thì lại không được đáp ứng

Ông NGỌ DUY HIỂU, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:

Cải thiện kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp

Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới các công việc như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… thì vấn đề quan tâm nhất hiện nay là chuyển đổi việc làm. Do vậy, lực lượng lao động, chủ yếu là trong lĩnh vực thâm dụng lao động, đang làm ở DN có công nghệ lạc hậu cần được học tập nâng cao trình độ, tạo điều kiện để họ có được cơ hội việc làm tốt hơn.

Một vấn đề khác cần quan tâm là phải tính toán gia tăng quyền lợi của NLĐ tham gia BHTN khi họ thất nghiệp, làm sao để họ có thể duy trì cuộc sống.

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ