A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hại mình, hại người

09:25 | 14/01/2016

Trước thông tin Đài Loan (Trung Quốc) phát hiện chất độc hại trong mẫu đũa dùng một lần từ Việt Nam xuất khẩu sang nước này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đang vào cuộc điều tra, xác minh....

... Điều mà dư luận quan tâm ở đây không phải là Bộ Y tế sẽ phát hiện và xử phạt doanh nghiệp như thế nào, mà vấn đề ở chỗ các doanh nghiệp Việt Nam đã tự ý thức được hệ lụy của việc làm ăn gian dối, chộp giật không còn phù hợp trong xu thế phát triển chung khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới hay chưa.

Nhiều mẫu đũa dùng một lần bị phát hiện có chất độc.

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (Bộ Y tế Đài Loan) đã khẳng định với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế Việt Nam) thông tin phát hiện 3 mẫu đũa dùng một lần đều có xuất xứ Việt Nam lưu hành tại Đài Loan còn tồn dư chất hydrogen peroxide (H2O2). Đây là chất có tác dụng kháng khuẩn, khử mùi, nhưng có nguy cơ gây ung thư, tổn thương mô nếu sử dụng nhiều lần và quá hàm lượng cho phép. Tuy nhiên, hiện Đài Loan vẫn chưa thông báo sản phẩm còn tồn dư H2O2 là của công ty nào.

Theo quy định hiện hành do Bộ Y tế ban hành, đũa dùng một lần có thể dùng chất chống mốc, kháng khuẩn để bảo quản, song hóa chất phải nằm trong danh mục và hàm lượng cho phép. Vậy nhưng vẫn có những doanh nghiệp bất chấp quy định sử dụng những loại hóa chất bị cấm, hoặc không có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế. Nếu như trước đây, khi Việt Nam chưa hội nhập với kinh tế thế giới, cách làm ăn gian dối, cẩu thả này còn có “đất dung thân”, thì nay không thể làm thế.

Nói như vậy không có nghĩa là Cục An toàn thực phẩm của ta không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng. Song, có một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận với nhau là các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa thực sự làm tròn trách nhiệm, bởi có không ít các vụ thực phẩm bẩn bị cơ quan quản lý thị trường, công an phát hiện xử lý chứ không phải là thanh tra Bộ Y tế, sở y tế các tỉnh thành phố hay cơ quan chuyên trách là Cục An toàn thực phẩm.

Tuy nhiên vấn đề người viết muốn bàn không phải là trách nhiệm của Bộ Y tế, mà là thái độ của các doanh nghiệp trong sân chơi quốc tế. Hiện,Việt Nam đã ký hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tới đây khi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) được chính thức ký kết và có hiệu lực thi hành thì các sản phẩm của nhiều nước sẽ ùa vào Việt Nam với thuế suất bằng 0, lúc đó làm ăn nghiêm chỉnh còn khó tồn tại, nói gì đến gian dối, chộp giật.

Vậy nên các doanh nghiệp nên tự ý thức được xu hướng toàn cầu hóa thương mại sắp tới để có cách nghĩ lành mạnh, cách làm ăn đứng đắn mới “trụ” được trong sân chơi chung thế giới. Đừng để tư duy tiểu nông, manh mún làm mất uy tín trên trường quốc tế để tự hại mình và hại người.    

    Hải Phong

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ