A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trao cơ hội cải thiện sinh kế cho gia đình người khuyết tật nghèo

14:38 | 17/06/2016

Với mong muốn những gia đình người khuyết tật có cơ hội cải thiện cuộc sống, tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng, những năm qua, ...

Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi (NTT-TMC) tỉnh đã triển khai Đề án hỗ trợ sinh kế tại các xã xây dựng nông thôn mới. Đề án ngày càng mở rộng quy mô và đem lại hiệu quả thiết thực.

Trao “cần câu”

Cuộc sống của gia đình anh Y Điếu Mlô (buôn Ea Joh, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) vốn đã khó khăn lại càng túng quẫn hơn khi đứa con trai đầu lòng sau khi sinh được 4 tháng bị viêm phổi nặng, biến chứng dẫn đến mù cả hai mắt. Vợ chồng anh đã vay mượn, đưa con đi chạy chữa khắp nơi nhưng không có kết quả gì, gia cảnh càng thêm nghèo khó. Một niềm vui bất ngờ đã đến vào cuối năm 2014 khi gia đình anh được Hội Bảo trợ NTT-TMC tỉnh và thị xã Buôn Hồ trao tặng 1 con bò giống trị giá 15 triệu đồng. Đồng thời, gia đình anh còn được tập huấn, hướng dẫn cách chăn nuôi, làm chuồng trại, chế biến thức ăn, chăm sóc bò sinh sản, biện pháp vệ sinh phòng bệnh… nên bò sinh trưởng tốt, đến nay đã có thêm 1 bê con. Anh Y Điếu vui mừng: “Được các cấp Hội hỗ trợ phát triển chăn nuôi đã giúp gia đình mình có cơ hội cải thiện cuộc sống và chăm lo cho con cái sau này”.

           Người khuyết tật  và gia đình  có người khuyết tật nhận  heo giống do Hội  Bảo trợ NTT-TMC tỉnh  trao tặng.

Người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật nhận heo giống do Hội Bảo trợ NTT-TMC tỉnh trao tặng.

Năm 2010, chồng chị H’Binh Đắk Cắk (buôn Dumăh, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) bỏ đi lấy vợ khác, để lại mọi lo toan, gánh nặng mưu sinh cho chị. Không có nương rẫy, mình chị bươn chải làm thuê trang trải cuộc sống và chăm sóc  2 con, trong đó cháu H’Hoa Đắk Cắt (sinh năm 2004) bị bại liệt bẩm sinh. Căn nhà cũ rộng chừng 20 m2 được che bằng phên nứa sau bao năm đã xiêu vẹo, mục nát nhưng chị chưa có điều kiện sửa chữa lại. Cảm thương trước tình cảnh khó khăn đó, cuối năm 2015, Hội Bảo trợ NTT-TMC tỉnh đã hỗ trợ 45 triệu đồng xây dựng căn nhà tình thương rộng 24 m2; đồng thời trao tặng chăn màn, đồ dùng, nhu yếu phẩm giúp mẹ con chị có nơi an cư kiên cố hơn.

Nhiều năm nay, gia đình bà Lê Thị Xoan (thôn 4, xã Cư Kty, huyện Krông Bông) là hộ nghèo của xã. Bản thân bà bị khoèo tay trái, sức khỏe yếu, không có việc làm ổn định lại phải chăm lo cho mẹ già trên 100 tuổi, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Qua rà soát, tháng 5-2016, Hội Bảo trợ NTT-TMC tỉnh đã quyết định hỗ trợ gia đình bà cặp heo giống trị giá 1,5 triệu đồng. “Khi nghe tin được hỗ trợ con giống tôi đã đi hỏi thăm mấy quán ăn gần nhà xin được nước cơm thừa về cho heo. Nay nhận được cặp heo giống này rồi tôi sẽ cố gắng chăm sóc tốt để có thêm thu nhập”, bà Xoan chia sẻ.

Trên đây chỉ là 3 trong số hàng trăm người khuyết tật và gia đình họ được hỗ trợ sinh kế từ Đề án hỗ trợ sinh kế tại các xã xây dựng nông thôn mới. Chính nhờ sự động viên, hỗ trợ kịp thời đã tạo sự phấn khởi giúp họ có thêm cơ hội vươn lên.

Nỗ lực tạo sự lan tỏa

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 100.000 người khuyết tật, trong đó có khoảng 25.000 người khuyết tật nặng. Phần lớn gia đình người khuyết tật đều thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, không việc làm ổn định. Bản thân người khuyết tật ít có cơ hội học văn hóa, học nghề và tìm việc làm, chủ yếu sống dựa vào gia đình, người thân, trợ cấp xã hội. Vì vậy, việc tạo sinh kế cho gia đình và bản thân người khuyết tật là một vấn đề nan giải. Trước thực trạng đó, trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Hội Bảo trợ NTT-TMC Việt Nam, từ năm 2011 đến nay, Tỉnh Hội đã triển khai thực hiện 15 đề án hỗ trợ sinh kế tại 20 xã xây dựng nông thôn mới gồm: Ea Kly (huyện Krông Pắc), Ea Bar, Cuôr Knia (huyện Buôn Đôn), Ea Bung, Ea Lê, Ea Rốk, Ia Jlơi (huyện Ea Súp), Cư Kbô (huyện Krông Búk), Ea Trang, Ea H’Mlây (huyện M’Đrắk), Đắk Phơi, Bông Krang (huyện Lắk), Ea Phê (huyện Krông Pắc), Ea Tul (Cư M’gar), Hòa Phong, Cư Kty, Dang Kang, Yang Mao, Yang Reh (huyện Krông Bông), Ea Drông (thị xã Buôn Hồ).

Tại các xã tham gia đề án, các cấp Hội tập trung vào những gia đình có người khuyết tật, thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu vốn làm ăn để triển khai các hoạt động: hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sinh sản, heo thịt, trồng rau, xây dựng công trình vệ sinh, nhà tình thương, trao tặng xe lăn, xe đạp, học bổng... Được thụ hưởng đề án, gia đình người khuyết tật đã chủ động tham gia nên các mô hình phát huy hiệu quả, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập. Sau gần 6 năm triển khai đề án, đã có 678 trường hợp được hỗ trợ vốn với tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng. Dù nguồn vốn hỗ trợ chưa nhiều nhưng đã tạo thêm nguồn lực để người khuyết tật và gia đình họ vươn lên trong cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT-TMC tỉnh cho biết: “Nếu hỗ trợ người khuyết tật một khoản tiền thì chỉ có thể giải quyết nhu cầu trước mắt. Trao cơ hội để giúp họ có công việc phù hợp với khả năng sẽ góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn sinh kế bền vững, lâu dài”. Vì vậy, ngoài nguồn vốn của Trung ương Hội (115 triệu đồng), Hội Bảo trợ NTT- TMC tỉnh đã tích cực vận động nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh cùng đồng hành, sẻ chia thực hiện đề án nhằm tạo chiếc “cần câu” cho gia đình người khuyết tật. Và hơn thế nữa, đề án còn góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức của cộng đồng trong việc giúp đỡ, động viên người khuyết tật vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng. 

Nguyễn Xuân

 

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ