A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hồ tiêu rớt giá: Vườn ươm ế ẩm!

07:52 | 03/07/2017

Các năm trước, thời điểm này rất đông người dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh “rồng rắn” kéo nhau đi Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Nông để săn tiêu giống về trồng do các vườn ươm trong tỉnh không cung ứng đủ....

...Nhưng năm nay, hầu hết các chủ vườn ươm tiêu giống như ngồi trên đống lửa vì không có khách mua.

Thưa thớt người mua

Đến thời điểm này, hầu hết chủ các vườn ươm trên địa bàn tỉnh “đứng ngồi không yên” vì tiêu giống không có ai mua, nhất là những vườn lỡ “vung tay” đầu tư quá lớn vào tiêu giống (từ 70 – 130 vạn cây) vì nghĩ sức mua vẫn ổn định như năm ngoái. Anh Văn Bá Xuân, chủ vườn ươm Bá Xuân (thôn 8, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) buồn rầu, không chỉ vườn ươm gia đình anh mà hầu hết các vườn ươm khác tại Hòa Thắng đều đứng ngồi không yên vì tiêu giống chưa biết bán cho ai. Cuối năm 2016, anh vào Đồng Nai mua 5 tấn giống tiêu lươn về ươm bầu, với giá khoảng 100 triệu đồng, chưa kể công cán cắt giống, tiền vận chuyển. Dự đoán tiêu giống sẽ bán chạy như năm trước, anh thuê nhân công thời vụ đóng hơn 100.000 bầu, sau mấy tháng, tiêu phát triển nhanh, đến mùa mưa những tưởng bán chạy hàng, ai ngờ mới chỉ được vài nghìn bầu. Tương tự, tại vườn ươm Ngọc Duân (thôn 11, xã Hòa Thắng) năm nay đầu tư 50.000 bầu tiêu, hiện mới chỉ bán được khoảng 2.000 bầu, chủ yếu chỉ bán rộ trong tháng đầu mùa mưa; còn nay đã vào giữa mùa mưa mà hầu như không ai đến hỏi. Chị Phan Thị Ngọc, chủ vườn ươm cho hay, năm ngoái, chưa đến mùa mưa đã có hàng chục khách đến đặt cọc tiền trước để mua giống, còn năm nay, lượng người hỏi mua giống chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vắng khách mua, kéo theo giá tiêu giống rớt thê thảm, đầu mùa mưa chủ vườn còn bán được mỗi bầu từ 4.000 – 5.000 đồng, thì nay chỉ dao động từ 1.500 – 2.000 đồng/bầu.

Gần 50.000 bầu tiêu tại vườn ươm Ngọc Duân (thôn 11, xã Hòa Thắng) vắng bóng khách mua.

Theo các chủ vườn ở xã Hòa Thắng, do không dự đoán được tình hình nên đa số vườn ươm năm nay đầu tư nhiều cho tiêu giống nhưng lại không bán được, hiện có nhiều vườn đã phải thuê người nhổ bỏ toàn bộ vì không còn vốn để nuôi và nếu không bán được, đến cuối mùa mưa tiêu giống phát triển cao cũng không ai mua…

 Chuyển hướng đầu tư

Trái ngược với sự ế ẩm của tiêu giống thì cà  phê giống lại “cháy” hàng, không vườn ươm nào có đủ hàng để bán. Theo chủ vườn ươm Huệ Phú (thôn 11, xã Hòa Thắng), trong khi 30.000 bầu tiêu chỉ bán được có 10.000 thì 70.000 cây cà phê giống đã bán hết từ lâu, thậm chí cây mới 3 cặp lá đã được khách hàng hỏi mua (bình thường phải đến 5 – 6 cặp lá khách mới mua). Do vậy nên giá cà phê giống cũng tăng gấp đôi so với năm ngoái (giá bán hiện từ 3.000 – 4.000 đồng/cây). Vườn ươm Ngọc Duân năm nay chỉ ươm 30.000 cây cà phê giống đã bán hết từ đầu vụ, với giá 3.000 đồng/cây. Hiện có rất nhiều khách hàng hỏi mua nhưng không còn để bán.

Theo thông tin từ các khách hàng mua cây giống, do giá tiêu giảm sâu khiến nhiều nông dân e ngại phát triển diện tích, thậm chí có không ít hộ đã đào hố trồng tiêu nhưng thấy giá tiêu không ổn lại chuyển sang trồng cà phê. Chị Nguyễn Thị Hồng, xã Ea Toh (huyện Krông Năng) cho hay, trước mùa mưa gia đình đã chặt 3 sào cà phê để trồng thuần tiêu, tuy nhiên, thấy giá tiêu giảm sâu nên gia đình lại chuyển hướng trồng xen cà phê với tiêu và một số loại cây ăn quả. Để tiết kiệm chi phí, gia đình chị chỉ mua trụ gỗ bạch đàn làm trụ chứ không dùng trụ xi măng như những năm trước.

 Phòng NN – PTNT huyện Ea Kar cho biết, diện tích cà phê trên địa bàn đang có dấu hiệu tăng, hiện đã lên 8.000/7.000 ha kế hoạch, trong đó diện tích trồng mới tái canh khoảng 350 ha. Nguyên nhân là do giá tiêu giảm mạnh cộng với nhiều diện tích tiêu trên địa bàn bị chết do ngập úng và sâu bệnh hại, trong khi giá cà phê hiện khá ổn (trên 40.000 đồng/kg) nên nông dân chuyển hướng đầu tư vào cà phê hoặc trồng xen cà phê với tiêu...

Theo số liệu của Sở NN-PTNT, diện tích cà phê năm 2016 là 203.737 ha, trong đó trồng mới 4.578 ha, tăng 380 ha so với năm 2015. Sở khuyến cáo nông dân không nên chạy theo vòng xoáy “chặt, trồng”, mà nên sản xuất theo hướng bền vững, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để tiếp cận với những thị trường khó tính đem lại giá trị gia tăng cao.

Minh Thuận – Hoàng Tuyết

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ