A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nới hạn chế mức sinh

09:07 | 19/10/2017

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế về công tác dân số trong tình hình mới, Việt Nam sẽ không thực hiện giảm sinh mà duy trì mức sinh thay thế để đảm bảo tới năm 2030, quy mô dân số đạt 104 triệu người.

Lần đầu tiên sau hơn 50 năm, Việt Nam thay đổi chính sách dân số, từ sinh đẻ có kế hoạch sang “nới” mức sinh.

Cần chú trọng hơn tới chất lượng dân số.

Người dân tự quyết định số con 

“Sinh bao nhiêu con là quyền của người dân, Nhà nước không có quy định pháp luật nào yêu cầu người dân phải sinh bao nhiêu” - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế).

Theo đó, đại diện Bộ Y tế cho hay: Việt Nam đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu đề ra trong Nghị quyết TƯ 4 khóa VII năm 1993 và tiếp tục duy trì cho đến nay. Quy mô dân số năm 2016 gần 93 triệu người, hạn chế tăng thêm hàng chục triệu người. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Hiện có hai điểm mới cơ bản trong công tác dân số trong tình hình mới (theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân).

Đầu tiên là việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề dân số về quy mô, cơ cấu, phân bố chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế, xã hội. Tiếp đó là vấn đề duy trì mức sinh thay thế, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số. Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ không đặt vấn đề tiếp tục giảm sinh. Thay vào đó trước mắt duy trì mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ, vận động giảm sinh ở vùng có mức sinh cao và vận động sinh đủ 2 con ở nơi có mức sinh thấp, đảm bảo quy mô dân số năm 2030 ở mức 104 triệu người, năm 2049 đạt 113-115 triệu người.

Ông Nguyễn Văn Tân cho biết thêm, kể từ Nghị quyết về dân số năm 1993 đến nay, về mặt luật pháp, Nhà nước không có quy định khống chế người dân được sinh bao nhiêu con, trừ nhóm đối tượng đảng viên. Trước 2008, từng địa phương ra quy định cụ thể với nhóm đảng viên. Nhưng từ 2008, Trung ương đã có Quy định 94, thống nhất hình thức kỷ luật, cụ thể nếu đảng viên sinh con thứ 3 bị cảnh cáo, thứ 4 bị khai trừ. Đến 2013, quy định này tiếp tục được nới lỏng, sinh con thứ 5 mới bị khai trừ. Được biết, hiện nay Bộ Y tế ghi nhận có 7 tỉnh có quy định là cấm người dân sinh con thứ 3, xử phạt khi người dân vi phạm. 

Trước những ý kiến băn khoăn về việc tỷ lệ sinh tại Việt Nam sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới như trường hợp của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…. ông Tân bày tỏ lạc quan với lý do chúng ta không để đến khi tỷ lệ sinh giảm tới quá thấp mới điều chỉnh. Đồng thời, khảo sát mới nhất của ngành dân số trên 700.000 người dân cho thấy: 73% trả lời muốn sinh hai con; 8,3% mong muốn đẻ một con. 


Trẻ em vùng cao.

Khó giải quyết triệt để 

Theo thống kê của Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2016 là 115/100, điều đáng nói là không chỉ tập trung ở một vùng mà lan rộng ra nhiều tỉnh thành. Vùng mất cân bằng nhiều nhất là đồng bằng sông Hồng (khoảng 70-100 km từ trung tâm Hà Nội) với tỉ lệ từ 115 - 122 bé trai/100 bé gái, trong đó, 10 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Ngãi. Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng “thừa nam, thiếu nữ” trong tương lai, làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học, tác động đến cuộc sống của cá nhân, gia đình và toàn xã hội. 

Theo đánh giá của chuyên gia thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, việc mất cân bằng giới tính đưa đến tình trạng thừa nam thiếu nữ đặc biệt nghiêm trọng ở độ tuổi kết hôn, nam giới khó lấy vợ, một bộ phận có thể kết hôn muộn, hoặc không thể kết hôn. Tình trạng này cũng làm thay đổi cấu trúc dân số; tan vỡ cấu trúc gia đình cũng như nhiều hệ lụy khác: phụ nữ kết hôn sớm; tỷ lệ ly hôn, tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao; tăng bất bình đẳng giới. Thậm chí sẽ thiếu hụt lao động tại nhiều ngành nghề như: giáo viên mầm non và tiểu học, hộ lý, y tá nữ... Nguy cơ gia tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em. Các chuyên gia dân số ước tính, nếu không can thiệp vào tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh thì đến 2050 VN sẽ dư 2,3 - 4 triệu nam giới.

 Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tân cho rằng, nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính như hiện nay là do tập quán mong có con nối dõi, đồng thời chính sách an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc người cao tuổi, bố mẹ khi về già. Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân do hạn chế mức sinh. Theo đó, để khắc phục tình trạng này,  nếu chỉ  một mình ngành dân số giải quyết thì không xuể.     

GS Nguyễn Đình Cử: Áp lực dân số của Việt Nam quá lớn 

Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, GS Nguyễn Đình Cử- nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội cho hay:

Mới đây Bộ Y tế có trình 3 phương án: Phương án 1 sinh 1-2 con. Phương án 2 tiếp tục áp dụng mức sinh thấp và phương án 3 là nới lỏng tỷ lệ sinh. Chúng ta cũng thấy rằng, quy mô dân số Việt Nam lớn, mật độ dân số chúng ta là 280 người /km2, trong khi tỷ lệ của thế giới là 57 người/ km2. Như vậy chúng ta cao gấp 5 lần thế giới, áp lực dân số của chúng ta rất lớn. Do vậy trong 3 phương án mà Bộ Y tế đưa ra thì tôi cho rằng phương án 1 vẫn được ưu tiên, hợp lý nhất tránh được tình trạng già hóa dân số. Nhưng liệu cho phép sinh con thứ 3 có gia tăng mất cân bằng giới tính?.

Theo ông Cử nếu cho rằng sinh thêm con làm mất cân bằng giới tính là không đúng. Vì đẻ 1 con thì tỷ lệ sinh con trai là 50/50, sinh 2 con thì tỷ lệ giảm đi và sinh đến con  thứ 3 là tỷ lệ sinh nam là 25%. Càng sinh nhiều con thì các cặp vợ chồng càng tăng cơ hội lựa chọn.

Dẫu thế Pháp lệnh Dân số năm 2008 cũng nói rằng chỉ nên sinh từ 1-2 con, và hiện nay chưa có văn bản nào khẳng định cho phép sinh con thứ 3. 

Đức Trân (ghi)

 

Đề nghị bỏ quy định về hộ khẩu

Cùng với chính sách dân số, chính sách về hộ khẩu cũng đang được người dân đặc biệt quan tâm. Trước những chia sẻ xuất phát từ thực tế như “trẻ em không có hộ khẩu thường trú gặp khó khăn khi đăng ký học trường công, do đó, trẻ em tạm trú thường phải học ở các trường tư với chi phí cao hơn rất nhiều so với trường công mà có thể chất lượng không bằng”;  hay những rào cản từ chính sách này khiến người dân phải chịu thêm nhiều phí tổn hơn để được sử dụng dịch vụ y tế, ông Tân bày tỏ: “Quan điểm của Bộ Y tế là quy định nào gây cản trở đến quyền của công dân đều cần phải bỏ, trong đó có quy định về hộ khẩu”. Theo ông Tân, hiện nay chỉ còn rất ít nước trên thế giới vẫn duy trì chính sách về hộ khẩu như nước ta coi sổ hộ khẩu là giấy tờ căn cứ để xét duyệt chuyện học hành, xin việc… Vì thế cá nhân ông không tán thành việc duy trì những quy định về sổ hộ khẩu.

    Dương Toàn

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ