A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Những đứa trẻ trở về

10:52 | 26/04/2018

Thời gian gần đây, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của một số gia đình người dân tộc thiểu số ở vùng sâu của huyện Krông Bông (Đắk Lắk), một số kẻ xấu đã dụ dỗ, lừa rất nhiều trẻ em vị thành niên đi lao động tại các thành phố.

Điều đáng nói là mặc dù chính quyền địa phương đã rất nỗ lực, nhưng do hoàn cảnh gia đình các em khó khăn nên những đứa trẻ đang tuổi đi học vẫn dễ dàng bị lừa gạt.

UBND xã gặp gỡ, động viên gia đình và 2 em mới từ xa trở về.

Hai em nhỏ người dân tộc Mông tên là Sùng A Sinh (sinh năm 2007) và Thào Văn Dơ (sinh năm 2007) ở xã Cư Pui (Krông Bông) sau khi xuống TP Hồ Chí Minh đi lao động, do còn nhỏ, chưa thạo công việc nên luôn bị chủ cơ sở đánh mắng. Vì không chịu được những trận đòn roi, hai em đã bỏ trốn và đi lang thang. Được lực lượng dân phòng ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) đi tuần phát hiện và liên lạc với địa phương. 

Sau khi xác minh thông tin chính xác, chính quyền xã Cư Pui đã cử cán bộ cùng với người nhà 2 gia đình xuống tận nơi đưa các em về. Sáng 6/4/2018 hai em đã về đến nhà an toàn.

Em Sinh là học sinh lớp 3, trường Tiểu học Cư Pui 2, em Dơ thì chưa đi học. Gia đình của 2 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chị Hoàng Thị Dợ (mẹ của em Dơ), chồng chết đã hơn 6 năm, một mình lo bươn chải để nuôi 6 đứa con. Cả 6 em đều không được đi học. Ngoài em Dơ, hiện nay gia đình chị Dợ còn 2 đứa con cũng đang đi làm ở TP Hồ Chí Minh. 

Chị Dợ cho biết: “Gia đình nghèo lắm, không có đất sản xuất. Không có sổ hộ khẩu nên cả 6 đứa con không có đứa nào được đi học. Năm ngoái có người đến xin đưa 2 đứa xuống đi làm. Vì khó khăn nên đành phải để cho chúng đi. Cách đây 1 tháng có người muốn đưa Dơ đi. Vì ở nhà nó cũng không làm được gì nên mình cũng đồng ý cho đi. Mới đi được một thời gian thì xảy ra việc này”.

Hoàn cảnh gia đình của chị Hoàng Thị Tống (mẹ của em Sinh) còn bi đát hơn. 7 đứa con nhưng chỉ trông chờ vào tiền đi làm thuê của chị Tống. Mới sinh được mấy tháng nhưng ai thuê gì làm nấy, miễn là có tiền về mua gạo. Chồng thì suốt ngày rượu chè chẳng làm gì, có 7 sào đất trồng sắn cũng bán để trả nợ nên giờ chẳng có đất để làm. 

Chị Tống buồn rầu: “Gia đình mình khó khăn lắm, chồng suốt ngày uống rượu rồi la mắng mấy mẹ con. Gia đình chỉ còn một mình mình đi làm thuê. Nếu không làm thì không có tiền để mua gạo. Mỗi ngày đi đào sắn, làm cỏ họ trả cho 130 nghìn. Nhà nghèo quá không có tiền mua quần áo nên cho Sinh nghỉ học để đi làm. Hiện nay gia đình mình vẫn còn 1 đứa con trai sinh năm 2004 đang đi làm ở TP Hồ Chí Minh”.

Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn, thiếu đất sản xuất, trình độ nhận thức hạn chế nên hàng chục trẻ em là người dân tộc thiểu số ở các thôn, buôn vùng sâu của huyện Krông Bông vẫn tiếp tục bị dụ dỗ, bỏ học đi lao động ở các tỉnh phía Nam từ sau tết Nguyên đán. 

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: “Việc hạn chế trẻ em ở đây đi lao động ở các tỉnh xa rất nan giải vì điều kiện của người dân quá khó khăn. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục chỉ đạo cho các ban, ngành, đoàn thể của xã và các thôn, buôn tuyên truyền, vận động các gia đình không cho trẻ em đi lao động ở ngoài tỉnh; vận động những gia đình có con em còn quá nhỏ, bỏ học đi lao động quay trở về để tiếp tục học tập; chỉ đạo các trường trên địa bàn xã rà soát, tìm hiểu nguyên nhân số học sinh bỏ học, để có giải pháp vận động các em đi học lại; xử lý nghiêm một số đối tượng ở địa phương tiếp tay cho kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo trẻ em ở các thôn, buôn đi lao động ở các tỉnh xa”.    

Tùng Lâm

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ