A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ly kỳ "Võ Tòng" vùng biên đả hổ cứu người

10:02 | 14/01/2019

Về huyện biên giới Ea Súp, chúng tôi có cơ hội gặp ông Phương Văn Lần (SN 1947), người được mệnh danh là “Võ Tòng” đả hổ cứu người hơn 30 năm trước, hiện đang sinh sống tại thôn 3, thị trấn Ea Súp.

Đã ở độ tuổi thất thập, nhưng ông Phương Văn Lần vẫn còn khá nhanh nhẹn, minh mẫn. Làm rẫy ở xã Ia Jlơi nên ông gắn bó với miền đất nắng gió này còn nhiều hơn ở nhà. Vùng đất này cũng chính là nơi mà hơn 30 trước, người đàn ông gầy ốm này từng dùng cuốc đả hổ, cứu sống một cô gái trong tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”.

Thời điểm đó, huyện biên giới Ea Súp còn núi đồi hoang vu với rất nhiều loài thú dữ. Người dân và công nhân của Lâm trường Ia Lốp, Lâm trường Ia Mơ càng nơm nớp sợ hãi khi biết khu vực họ sinh sống, làm việc xuất hiện một con hổ dữ to lớn, chuyên ăn thịt người. Ông Phương Văn Lần nhớ lại: “Có ít nhất 3 người đã từng bị hổ vồ, trong đó có một công nhân đang mang bầu bị tử vong. Hổ thường xuất hiện vào lúc chiều tối”. Người dân trong vùng đã nhiều lần tìm kiếm, săn lùng con thú này, nhưng do núi rừng rậm rạp, địa bàn lại rộng nên không có kết quả.

Ông Phương Văn Lần diễn tả động tác đánh hổ cứu người

Khoảng 4 giờ chiều ngày 26-3-1987, bà Bùi Thị Hướng (công nhân Lâm trường Ia Lốp) xuống suối Ea H’leo để tắm. Khi vừa tới suối, bà Hướng có cảm giác không ổn nên quay lại thì đã thấy con hổ đang tiến về phía mình. Quá hoảng sợ, bà nhảy xuống nước, đồng thời la hét lớn với hy vọng mong manh sẽ được cứu khỏi nanh hổ.

 

“Việc ông Phương Văn Lần đánh hổ cứu người là có thật. Sự việc đã xảy ra hàng chục năm trước, hầu hết người dân địa phương đều biết đến và rất ngưỡng mộ hành động dũng cảm của ông”.

 

 
Ông Phạm Thanh Long, Chủ tịch UBND xã Ia Jlơi

Nhà ông Lần ở gần suối (cách hiện trường tầm 300 mét), cậu con trai ông là Phương Khánh Trường (10 tuổi) nghe tiếng kêu thất thanh lập tức báo tin cho bố. Ông Lần tức tốc cầm theo cây cuốc chạy ra suối, thấy con hổ đang tha người về phía bên kia bờ liền đuổi theo sát nút. Thấy nạn nhân bị rách toác một mảng da đầu, máu chảy đầm đìa, ông Lần cố giữ bình tĩnh, hét to hướng dẫn nạn nhân thúc đầu mình vào bụng hổ để tránh bị ông đánh trúng. Rồi ông dùng cuốc phang ba nhát liên tục lên trán, mang tai và gáy hổ khiến con thú loạng choạng ngã xuống. Để chắc chắn, ông tiếp tục bồi thêm nhiều nhát chí tử lên mình con vật khiến nó gầm vang cả khu rừng rồi gục hẳn.

Từng là y sĩ của Bệnh viện Quân y 110, ông Lần nhanh chóng đưa nạn nhân về sơ cứu rồi chuyển đến bệnh viện điều trị.

Tiếng lành đồn xa, sau sự việc này, ông Lần được nhiều người biết đến với biệt danh “Võ Tòng”. Khách phương xa đến gặp “Võ Tòng” không khỏi ngạc nhiên, thú vị khi thấy người từng đánh chết hổ không phải là thanh niên lực lưỡng, võ nghệ cao cường như lời đồn đoán mà chỉ là một trung niên gầy gò khắc khổ. “Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến việc phải làm sao để cứu người, nên cố gắng hết sức thôi, chứ bản thân chẳng có võ nghệ gì. Bởi thời điểm đó, chỉ cần chậm chân thêm một chút nữa, chắc sự việc đã hoàn toàn khác…”, ông Lần bộc bạch.

Ông Phương Văn Lần cùng con trai Phương Khánh Trường kể lại câu chuyện đả hổ

Nhiều năm nay, ông Lần có nguyện vọng xin lại bộ da hổ (từ Lâm trường Ia Lốp, nay là Công ty TNHH Cao su và Lâm nghiệp Phước Hòa) để tặng lại cho Bảo tàng tỉnh trưng bày. Tuy nhiên bộ da hổ để lâu quá đã bị vỡ, gãy nham nhở nên ông muốn Công ty khôi phục lại, nhưng chưa được toại nguyện.

Quỳnh Anh

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ