A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đồng bộ để chống dịch

14:07 | 16/11/2020

Bắt đầu từ hôm qua, ngày 15/11, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành xử phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng với người không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Đây là động thái cứng rắn của hai thành phố đông dân nhất cả nước, cho dù tình hình Covid-19 ở ta trong chiều hướng lắng xuống khi đã qua 74 ngày không phát hiện ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.

Đeo khẩu trang là biện pháp cần thiết để phòng chống dịch.

Vậy thì vì sao tình hình đã lắng xuống nhưng mức xử phạt với hành vi không đeo khẩu trang phòng dịch lại tăng lên?

Câu trả lời rất rõ ràng là đại dịch vẫn đang hoành hành dữ dội nhiều nơi trên thế giới, thì Việt Nam cũng không thể đứng biệt lập, trong khi việc hội nhập của đất nước là rất sâu rộng. Người ra người vào ngày một nhiều hơn thì nguy cơ cũng nhiều hơn, không có gì bảo đảm chắc chắn là dịch bệnh không tái phát.

Còn nhớ, ở đợt dịch thứ nhất, Việt Nam từng có khoảng thời gian dài tới 99 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Nhưng rồi thật bất ngờ, đến ngày 25/7, ca lây nhiễm mới đầu tiên xuất hiện ở Đà Nẵng và tiếp ngay sau đó là bùng phát đợt dịch thứ hai.

Cả nước lại căng mình chống dịch. Nền kinh tế mới hồi sức chút ít thì lại lâm vào khó khăn. Cũng chỉ do bất cẩn, chủ quan mà ra thế. Nay, nếu chỉ chủ quan một chút thôi thì hậu quả rất khó lường.

Nhưng, thật đáng lo ngại là đã xuất hiện tâm lý chủ quan trong số đông. Các biện pháp phòng chống dịch dù thường xuyên được Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, Bộ Y tế cảnh báo, nhưng có vẻ như ngày càng chủ quan hơn.

Tại thời điểm này, trên đường phố, kể cả bến xe, ga tàu, sân bay, các khu chợ  nhiều người cũng đã “quên” khẩu trang, cũng ít bị nhắc nhở.

Với sự “nêu gương” của Hà Nội và TP HCM trong việc xử phạt nặng (về tiền) đối với những người không đeo khẩu trang nơi công cộng, cho thấy không thể vì mình mà gây họa cho cộng đồng được nữa. Trước đó, Bộ Y tế đã hoàn tất và ký ban hành dự thảo hướng dẫn đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng.

Theo đó, sau khi có quy định này, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 đến 3 triệu đồng, theo hướng dẫn mới Nghị định 117 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế của Chính phủ có hiệu lực thực hiện từ tháng 11/2020 (mức phạt cũ là 100.000 đến 300.000 đồng).

Với Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố đã quy định tại 5 điểm: Bệnh viện, bến bãi đỗ xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị và chợ bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Ủng hộ việc tăng nặng mức phạt (gấp 10 lần so với quy định cũ), nhưng cũng có chuyện cần bàn. Trước hết, đó là nếu chỉ Hà Nội và TPHCM thực hiện thì làm sao có thể ngăn được nguồn lây nhiễm.

Hai thành phố này dù có làm nghiêm đến mấy thì cũng không thể tự mình đề phòng  dịch cho mình, vì hàng ngày cả triệu người ra vào nườm nượp, tình thế khó lường. Vì thế, chính sách cần phải được áp dụng đồng loạt, đồng bộ chứ không thể nơi làm nơi không.

Một việc nữa cũng không thể không lo ngại, đó là nạn thiết bị y tế giả, trong đó có khẩu trang. Còn nhớ, giữa tháng 8 vừa rồi, hơn 1 triệu chiếc găng tay, gần 3,3 triệu chiếc khẩu trang không rõ nguồn gốc đã bị Quản lý thị trường TP HCM tạm giữ sau khi kiểm tra đột xuất 5 cơ sở sản xuất.

Khi mà nhu cầu tăng cao thì đòi hỏi năng lực sản xuất cũng phải đáp ứng, nếu không kẻ gian sẽ luồn vào kiếm lợi. Đeo khẩu trang nhưng khẩu trang chỉ là miếng vải không có tác dụng phòng virus thì cũng vô nghĩa.

Nhân đây, cũng vẫn phải đặt vấn đề về những tồn tại xấu của chính cơ sở y tế trong công tác phòng chống Coivid-19.

Ngày 9/11, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.

Đồng thời truy tố các bị can: Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh - Trưởng phòng Tài chính kế toán; Lê Xuân Tuấn - nhân viên Phòng Tài chính kế toán, cùng 7 bị can khác. Lý do: Từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19.

Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Lợi dụng tình thế, kẻ gian đã nâng giá thiết bị từ 2,3 tỉ đồng lên 7 tỉ đồng.

Vậy nên mới nói, chống dịch phải chống đồng bộ, người nào cũng phải chống, địa phương nào cũng phải chống. Nếu người không đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt nặng thì những kẻ lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cũng cần phải bị xử theo khung hình phạt tăng nặng. Có như thế thành quả của đất nước trong phòng, chống Covid-19 mới không bị phá hỏng.           

Bắc Phong

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/dong-bo-de-chong-dich-523805.html

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ