A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chặn ‘ngòi nổ’ dịch bệnh

13:34 | 27/01/2021

Dịch bệnh Covid-19 vẫn diến biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Chỉ trong 24 giờ (tính tới 6h sáng ngày 26/1/2021), thế giới đã ghi nhận thêm 383.073 trường hợp mắc Covid-19 và 8.374 ca tử vong.

Như vậy, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt con số 100 triệu, với hơn 2,1 triệu người đã tử vong do Covid-19.

Một chốt dã chiến trên tuyến biên giới tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Duy Thái.

Mỹ, Brazil, Ấn Độ vẫn là 3 quốc gia chịu nhiều hậu họa nhất từ đại dịch. Châu Âu tiếp tục căng thẳng. Với châu Á, nhiều quốc gia vẫn chưa kiểm soát được dịch, số ca lây nhiễm mới trong cộng đồng vẫn xuất hiện. Một số quốc gia gần Việt Nam ta vẫn phải áp dụng những biện pháp khẩn cấp để khoanh vùng dịch.

Tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã yêu cầu tăng cường kiểm tra phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà ăn tập thể; khuyến khích người lao động tại các khu vực xung quanh Bắc Kinh làm việc tại nhà. Giới chức Trung Quốc xác định công tác phòng chống dịch đang trong thời kỳ then chốt. Trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang tới gần, với hàng trăm triệu người dự kiến sẽ về thăm nhà, chính quyền đang nỗ lực không để dịch bùng phát tại thủ đô Bắc Kinh.

Tại Nhật Bản, Chủ tịch Hội Y học nước này, ông Toshio Nakagawa, đã cảnh báo hệ thống y tế có khả năng sụp đổ ở nhiều khu vực do số ca nhiễm mới gia tăng. Hiện dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp bất chấp việc chính phủ nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 11 trong tổng số 47 tỉnh, thành. Chính phủ cũng đã thông qua các dự thảo luật nhằm tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19, theo đó sẽ tăng mức phạt, thậm chí bỏ tù 1 năm nếu người có kết quả dương tính với Covid-19 từ chối nhập viện. Các quán bar và nhà hàng hoạt động trái với hướng dẫn sẽ phải chịu mức phạt lên đến 4.800USD.

Ở Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận tỉ lệ mắc Covid-19 tăng lên mức cao chưa từng thấy, là 33,24% số người được xét nghiệm, vượt mốc cũ 32,82% ghi nhận vào ngày 17/1 vừa qua. Đây là tỉ lệ xét nghiệm dương tính trong ngày cao gấp 6 lần mức tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Đáng chú ý, nhiều quốc gia châu Á lo ngại những cuộc “đại di cư” vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Lo ngại cuộc “đại di cư” mùa xuân lên tới hàng tỷ lượt người, chính quyền Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc) đã kêu gọi người dân đón Tết tại chỗ. Còn trên phạm vi cả nước, với những trường hợp về quê ăn Tết, người dân phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong 1 tuần và chịu sự giám sát chặt chẽ tại địa phương trong suốt 14 ngày.

Còn Ủy ban Liên bộ phòng, chống dịch Covid-19 của Singapore (MTF) quy định, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, người dân tới các trung tâm, nhà hàng phải đeo khẩu trang, trừ khi ăn uống. Trước thời điểm Tết, vào các ngày 8 và 9/2, Singapore sẽ tiến hành xét nghiệm miễn phí cho tất cả các chủ cửa hàng, người bán hàng ăn uống, thực phẩm, người giao hàng quanh khu vực China Town.

Tình thế ấy buộc chúng ta phải nêu cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan, cho dù suốt hơn 1 năm qua Việt Nam đã làm rất tốt công tác phòng chống Covid-19, với số người nhiễm cũng như số ca tử vong đã hạn chế được ở mức thấp nhất. Tính tới 18 giờ ngày 25/1, nước ta có tổng số 1.549 ca mắc SARS-CoV-2, trong đó có 1.425 người khỏi bệnh; số ca tử vong là 35.

Theo các chuyên gia y tế thì mối lo lớn nhất của chúng ta trong thời điểm này là các ca xâm nhập từ bên ngoài và đợt nghỉ Tết kéo dài sắp tới.

Về xâm nhập từ bên ngoài, có thể xảy ra ở đường bộ, đường không, đường thủy; trong đó đường bộ với các tuyến biên giới là nguy cơ cao nhất. Càng gần Tết, số người nhập cảnh (cả hợp pháp và bất hợp pháp) ngày một nhiều. Có ngày, lực lượng chức năng phát hiện tới 500 người nhập cảnh. Không chỉ ở biên giới phía Bắc, mà ở cả miền Trung - Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ cũng có nhiều người nhập cảnh không dễ kiểm soát. Đó là nỗi lo lớn nhất, mà nói như PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng thì nếu không kiểm soát được người nhập cảnh, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam sẽ rất lớn. Ông Phu lo ngại người nhập cảnh trái phép nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng, đi lại trong cộng đồng sẽ trở thành “ngòi nổ” khiến dịch lan ra cộng đồng.

Còn theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, hiện nay nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào là cơ bản. Vì thế, cùng với việc tăng cường lực lượng biên phòng thì cần huy động người dân cung cấp thông tin, phản ảnh những người có dấu hiệu nhập cư, di chuyển vào trong nước.

Tết càng đến gần lại càng phải cảnh giác với dịch bệnh. Tới thời điểm này, chúng ta đã có gần 60 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Kết quả ấy có được từ sự chung sức chung lòng, nêu cao cảnh giác, ý thức tự bảo vệ bản thân cũng là bảo vệ cộng đồng.

Tuy nhiên, xin được nhắc lại, nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài vẫn rất lớn. 

BẮC PHONG

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/chan-ngoi-no-dich-benh-551238.html

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ