A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

“Cầu nối” những tấm lòng nhân ái

14:04 | 17/03/2022

Thời gian qua, bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, Hội Chữ thập đỏ huyện M’Drắk đã vận động nguồn lực hỗ trợ nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, làm tốt vai trò “cầu nối” của những tấm lòng nhân ái.

Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” được Hội Chữ thập đỏ huyện triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân tham gia, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái chung tay chăm lo đời sống vật chất và động viên về tinh thần đối với những người yếu thế trong xã hội. Trong 5 năm qua (2016 - 2021), các cấp hội phối hợp cùng các ngành, đoàn thể đã vận động các mạnh thường quân trao tặng 14.997 suất quà với tổng trị giá hơn 5,1 tỷ đồng cho các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Song song với đó, Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” được các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện hưởng ứng tích cực và hỗ trợ thường xuyên. Theo đó, đã có 134 hoàn cảnh khó khăn được 61 tổ chức và cá nhân nhận đỡ đầu, trợ giúp hằng tháng, với tổng kinh phí trợ giúp gần 772 triệu đồng.

Cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện M'Drắk trao quà hỗ trợ "Địa chỉ nhân đạo" tặng trẻ mồ côi ở xã Ea Lai.

Bên cạnh đó, các cấp hội còn thường xuyên phối hợp tiếp nhận và tổ chức trao quà cho trên 19.000 lượt hộ gia đình bị hoạn nạn, thiệt hại do thiên tai, dịch họa với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng... Trong 5 năm qua, Hội Chữ thập đỏ huyện phối hợp tổ chức nhiều đợt hiến máu, qua đó tiếp nhận được 3.451 đơn vị máu, vượt chỉ tiêu tỉnh giao hằng năm; duy trì “Ngân hàng máu sống” và 14 đội thanh niên hiến máu tình nguyện dự bị cấp huyện và cấp xã với 200 thành viên.

Đặc biệt, Hội Chữ thập đỏ huyện M’Drắk còn chú trọng lồng ghép công tác cứu trợ xã hội và trợ giúp nhân đạo với xóa đói giảm nghèo thông qua thực hiện các dự án: "Ngân hàng bò", "Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Tây Ninh", mô hình sinh kế "Chăn nuôi bò sinh sản" của Trung ương Hội…

Đến nay, các cấp hội đã duy trì và phát triển đàn bò sinh sản trên 150 con để hỗ trợ và luân chuyển cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình có người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Hoạt động hỗ trợ sinh kế đã giúp nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống. Điển hình như gia đình anh Lương Nhân Thịnh (ở thôn 9, xã Cư Prao) có hai người con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Năm 2014, gia đình anh được Dự án “Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Tây Ninh” hỗ trợ một con bò sinh sản.

Từ đó đến nay gia đình anh đã nhân đàn bò lên chục con, đời sống được cải thiện đáng kể. Hay như gia đình chị Bàn Thị Huệ (ở thôn 6, xã Cư San) thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống rất chật vật. Năm 2014, gia đình chị được Hội Chữ thập đỏ xã tạo cơ hội nhận bò về nuôi từ Dự án “Ngân hàng bò”. Sau hơn một năm được chăm sóc, bò mẹ đã sinh một bê con, và sau 6 tháng chăm sóc bê con được gia đình chị Huệ bàn giao lại cho Hội Chữ thập đỏ xã để tiếp tục luân chuyển cho hộ khó khăn khác chăm sóc. Đến nay gia đình chị Huệ đã có vốn xoay vòng nhờ nuôi bò và vươn lên thoát nghèo.

Mỹ Sự

Bài viết gốc: https://baodaklak.vn/xa-hoi/202203/cau-noi-nhung-tam-long-nhan-ai-bf85b5d/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ