A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

“Bình thường hóa” với dịch COVID-19

15:21 | 15/04/2022

Cùng với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, việc kết hợp hài hòa, hợp lý, linh hoạt giữa điều trị COVID-19 tại cơ sở y tế và tại nhà tạo nên sự chủ động thích ứng từ việc phòng bệnh đến điều trị COVID-19 ngay từ mỗi gia đình.

Để tiến tới “bình thường hóa” với dịch COVID-19, chính quyền địa phương các cấp đã triển khai nhiều biện pháp thích ứng, tăng cường hơn nữa ý thức tự bảo vệ sức khỏe của người dân an toàn, hiệu quả nhất.

Thay đổi tư duy và hành động

Từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn huyện Ea Kar liên tục tăng và trở thành địa bàn có mức nguy cơ cao. Để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống của người dân trong điều kiện “bình thường mới”, hướng đến “bình thường hóa” mọi hoạt động, huyện đã có sự chuẩn bị về mọi mặt, chủ động thích ứng linh hoạt và chung sống an toàn giữa đại dịch.

Theo Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và chỉ đạo của tỉnh, vận dụng vào điều kiện cụ thể của địa phương, huyện xác định rõ, trong giai đoạn hiện nay cần tiến hành đồng thời cả nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo an sinh. Mỗi nhiệm vụ đều có giải pháp cụ thể, phù hợp, không để ách tắc, chậm trễ vì dịch bệnh nhằm đạt mục tiêu đề ra trong năm 2022.

Người lao động huyện Ea Kar tìm kiếm cơ hội việc làm tại Phiên giao dịch việc làm lưu động trên địa bàn huyện năm 2022. Ảnh: N. Xuân

Ban Chỉ đạo và Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 huyện đã chỉ đạo các phòng, ban và các xã, thị trấn chủ động rà soát, nắm, dự báo tình hình và xây dựng phương án phòng, chống dịch tương ứng với cấp độ dịch. Huyện đã triển khai điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà, thành lập 16 trạm y tế lưu động và các tổ chăm sóc y tế lưu động, phát huy vai trò tổ COVID-19 cộng đồng hỗ trợ người dân; thành lập khu cách ly tập trung tạm thời dành cho F0 mới phát hiện nhằm phân loại, hướng dẫn điều trị theo quy định. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn bố trí một số hội trường và huy động thêm lực lượng tình nguyện viên tham gia cùng các trạm y tế lưu động hỗ trợ những trường hợp F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ nhưng không đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo huyện, việc tăng trách nhiệm, thẩm quyền của lực lượng y tế tuyến dưới và từng gia đình, địa phương đã giảm áp lực cho tuyến trên, tăng hiệu quả trong công tác cách ly, điều trị.

Huyện cũng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện hoạt động theo mô hình “bệnh viện chia đôi”, vừa bảo đảm khám chữa bệnh thông thường, vừa điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Đồng thời, trưng dụng trụ sở công an cũ để thành lập khu điều trị cho bệnh nhân COVID-19, cùng với Bệnh viện Đa khoa Khu vực 333 bảo đảm công tác điều trị theo mô hình tầng 1 và tầng 2. Nhờ vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện chỉ có 33 bệnh nhân COVID-19 phải chuyển tuyến lên tỉnh.

Nhằm bảo đảm các hoạt động diễn ra bình thường, huyện chỉ đạo các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, lao động là F1 vẫn làm việc bình thường, bảo đảm nguyên tắc 5K; F0 làm việc trực tuyến tại nhà; tăng cường làm việc, họp trực tuyến, trao đổi văn bản trên môi trường mạng giữa các phòng, ban, địa phương. Tùy theo cấp độ dịch cụ thể, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường linh hoạt thực hiện hình thức dạy học. Ngoài 7 trường tổ chức dạy học trực tiếp, còn lại 74 trường dạy học trực tuyến.

Chủ động phòng, chống dịch và tư duy chỉ đạo, điều hành linh hoạt đã giúp huyện Ea Kar bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, vận tải diễn ra bình thường.

Sẵn sàng thích ứng nhanh

Khi ra mắt thương hiệu vào cuối năm 2019, Công ty TNHH TMDV Nông Trại EDE xây dựng thị trường chủ yếu ở TP. Nha Trang, nhắm vào phân khúc khách du lịch nước ngoài cho các sản phẩm sôcôla, cà phê mang nhãn hiệu MISS EDE. Tuy nhiên, vừa sang đầu năm 2020 thì ca nhiễm COVID-19 đầu tiên cũng xuất hiện tại đây khiến doanh thu của đơn vị ngay lập tức chựng lại do cả 37 điểm bán hàng phải đóng cửa. Để thích ứng với tình hình, doanh nghiệp nhanh chóng chuyển dịch thị trường, tập trung phát triển bán lẻ nội địa, đặc biệt là tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Một buổi livestream bán hàng qua các sàn thương mại điện tử của cửa hàng trực tuyến MISS EDE. Ảnh: Đ.Nga

Tuy nhiên, dịch lại tiếp tục bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh phía Nam khiến hoạt động kinh doanh bị đình trệ. Một lần nữa, công ty phải chuyển đối sách kinh doanh, đẩy mạnh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử. Điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm chính của công ty tại TP. Buôn Ma Thuột trở thành nơi doanh nghiệp tổ chức các buổi livestream giới thiệu sản phẩm và bán hàng trực tuyến qua Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok shop. Cả giám đốc và nhân viên cùng tham gia livestream, sử dụng phần mềm hỗ trợ, tạo các chương trình minigames, đầu tư chuyên nghiệp hơn, đa dạng hơn về hình ảnh sản phẩm nhằm thu hút lượt tương tác trên các sàn thương mại điện tử. Nhờ cách tiếp cận khéo léo, chất lượng sản phẩm chỉn chu về mọi mặt, đến nay cửa hàng “MISS EDE” đã có hàng nghìn lượt theo dõi và phản hồi tích cực, chẳng hạn như đạt 9,2 nghìn người theo dõi trên LAZADA với 99% đánh giá tích cực, 2,3 nghìn người theo dõi trên Shopee với đánh giá 5/5… Những nỗ lực ấy đã giúp công ty duy trì doanh thu đủ chi trả những chi phí cơ bản trong suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, sức mạnh về thương hiệu, độ bao phủ của sôcôla, cà phê MISS EDE cũng liên tục phát triển.

Đến cuối tháng 8/2021, Công ty TNHH TMDV Nông Trại EDE đã đàm phán thành công với chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh và trở thành thương hiệu thứ hai trong khu vực Tây Nguyên có mặt trên kệ của hệ thống bán lẻ này. Ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc công ty chia sẻ, dịch bệnh đã đặt ra cho doanh nghiệp quá nhiều thách thức nhưng cũng tạo ra cơ hội để chuyển mình, tiếp cận và phát triển hình thức kinh doanh mới. Hiện nay, khi các địa phương chuyển dần sang những giải pháp thích nghi, “bình thường hóa” đối với dịch COVID-19, doanh nghiệp cũng nắm bắt cơ hội để tái mở rộng thị trường bán lẻ truyền thống song song với phát triển thương mại điện tử. Khi thói quen tiêu dùng ngày càng trẻ hóa, người tiêu dùng sẽ mua sắm nhiều hơn, sử dụng các dịch vụ mua sắm trực tuyến nhiều hơn thì cũng sẽ yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm cũng như chất lượng phục vụ. Chính vì vậy, MISS EDE đang nỗ lực để khách hàng luôn có những trải nghiệm thật tốt về sản phẩm từ khâu tư vấn, phản hồi cho đến khâu đóng gói, giao hàng, phải làm sao để khách hàng Việt nhận được không chỉ là một sản phẩm nông sản “ngon” từ cảm quan đến hương vị mà còn cả thái độ phục vụ tận tình, chuyên nghiệp và tôn trọng nhất.

Vẫn phương châm “Linh hoạt, an toàn, hiệu quả”

Quá trình chống dịch, Đắk Lắk cùng với cả nước đã đi từ áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt như: Truy vết triệt để, phong tỏa chặt, cách ly tập trung… đến việc thích ứng với dịch bệnh một cách an toàn, linh hoạt và hiệu quả. Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” là cơ sở quan trọng để bước vào cuộc sống “bình thường mới”. Mặc dù số ca mắc tăng nhưng hệ thống y tế vẫn bảo đảm, năng lực hồi sức và điều trị các ca nặng được tăng cường, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp vào các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương.

Cùng với việc không ngừng nỗ lực bao phủ tỷ lệ tiêm vắc xin, việc kết hợp hài hòa, hợp lý, linh hoạt giữa điều trị COVID-19 tại cơ sở y tế và tại nhà đã tạo nên sự chủ động thích ứng từ việc phòng bệnh đến điều trị COVID-19 ngay từ mỗi gia đình. Nhờ vậy, việc phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cũng tiếp tục đạt kết quả tích cực. 

Theo đánh giá tại Hội nghị định kỳ (lần thứ 36) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong tháng 2/2022, ngành du dịch đã đón khoảng 197.800 lượt khách, tổng doanh thu toàn ngành ước đạt 85,5 tỷ đồng, tăng 14,2 lần so với tháng trước; thu ngân sách trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 1.530 tỷ đồng, bằng 18,66% kế hoạch năm của tỉnh. Cũng trong 2 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 76 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 589,6 tỷ đồng… Đây là những tín hiệu tích cực khi nền kinh tế của tỉnh đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung khẳng định, nhiệm vụ quan trọng là phải tiếp tục lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực trong phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, để bảo đảm thích ứng nhanh, đồng chí yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp phải thực hiện đồng bộ công tác phòng, chống dịch gắn với chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tiến tới “bình thường hóa” với dịch bệnh, thực hiện đa mục tiêu như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 được tổ chức vào ngày 5/3 vừa qua.

Lê Hương – Nguyễn Xuân – Đinh Nga

Bài viết gốc: https://baodaklak.vn/kinh-te/202203/binh-thuong-hoa-voi-dich-covid-19-4834652/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ