A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Một số lưu ý khi xây dựng thang bảng lương từ tháng 7/2022

13:41 | 28/07/2022

Theo Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp phải xây dựng thang lương, bảng lương làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

Doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương. Thang lương, bảng lương phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.

Khi xây dựng thang lương, bảng lương thì doanh nghiệp cần lưu ý các nội dung sau đây:

Thứ nhất, tùy vào tình hình thực tế mà doanh nghiệp được quyền quyết định thang lương, bảng lương với nhiều bậc lương, nhóm, vị trí công việc khác nhau; tuy nhiên, bậc lương thấp nhất (bậc 1) thì mức lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, từ ngày 01/7/2022, mức lương tối thiểu theo tháng tại vùng I, II, III, IV lần lượt là 4.680.000 đồng, 4.160.000 đồng, 3.640.000 đồng, 3.250.000 đồng.

Một số lưu ý khi xây dựng thang bảng lương từ tháng 7/2022 - Ảnh 1.

Nghị định 38/2022/NĐ-CP về lương tối thiểu vùng 2022 trên website ThuVienPhapLuat.vn

Thứ hai, Bộ luật Lao động 2019 không còn bắt buộc khoảng cách giữa hai bậc lương liền kề nhau tối thiểu là 5%. Do đó, doanh nghiệp được quyền tự quyết định khoảng cách giữa các bậc lương cho phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp mình.

Thứ ba, Nghị định 38/2022 không còn quy định mức lương của người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Do đó, cần lưu ý nội dung sau:

- Đối với các doanh nghiệp thành lập mới từ ngày 01/7/2022 trở đi khi xây dựng thang lương, bảng lương thì không cần cộng thêm tối thiểu 7% đối với công việc đã qua học nghề, đào tạo nghề.

- Đối với các doanh nghiệp thành lập trước ngày 01/7/2022, nếu trước đó trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận khác có nội dung "người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề thì lương cao hơn mức tối thiểu vùng ít nhất 7%" thì doanh nghiệp tiếp tục thực hiện (trừ các bên có thỏa thuận khác).

Bộ luật Lao động 2019 không còn quy định Chính phủ ban hành các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương như Bộ luật Lao động 2012, mà để các bên tự thương lượng, quyết định, trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động. Vì thế, tại Nghị định 38/2022 chỉ còn quy định lương tối thiểu là mức sàn thấp để bảo vệ lao động làm công việc giản đơn. Với các mức lương khác cao hơn, như lao động đã qua đào tạo nghề thì do hai bên thương lượng, thỏa thuận với nhau. Như vậy, quy định mới của Nghị định 38/2022 hoàn toàn đúng với Bộ luật Lao động 2019 và phù hợp với thực tiễn. – Theo Luật sư Nguyễn Thụy Hân (THƯ VIỆN PHÁP LUẬT).

Một số lưu ý khi xây dựng thang bảng lương từ tháng 7/2022 - Ảnh 2.

Một số lưu ý khi xây dựng thang bảng lương từ tháng 7/2022

Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 6 và điểm a, b, c khoản 1 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện: thang lương, bảng lương; mức lao động.

- Không xây dựng thang lương, bảng lương hoặc định mức lao động; không áp dụng thử mức lao động trước khi ban hành chính thức.

- Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương; định mức lao động.

Phụng Đài

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ