A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Người dân biên giới thoát nghèo nhờ học lớp xóa mù của Bộ đội Biên phòng

10:01 | 22/02/2023

Từ chỗ không biết đọc, biết viết, nhờ thầy giáo quân hàm xanh, nhiều người dân ở xã Ia Lốp (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) đã biết tính toán đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Chị Vi Thị Thương đang khoe viết chữ đẹp cho thầy giáo cũ xem.

Trong chuyến công tác ở vùng biên của tỉnh Đắk Lắk, theo chân anh em tổ vận động quần chúng của Đồn biên phòng Ea H’leo thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng Đắk Lắk, chúng tôi đến thăm bà con ở xã Ia Lốp huyện Ea Súp. Đây là xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc sinh sống, cũng là xã có tỷ lệ người dân mù chữ và tái mù chữ còn cao, chiếm hơn 70% số dân toàn xã.

Khó ai có thể tin, chị Vi Thị Thương, 38 tuổi người dân tộc Thái ở thôn Đừng Nhạp, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp 5 năm trước còn nằm trong danh sách xóa mù chữ. Từ chỗ bán mấy bó rau, mấy gói mì tôm tính toán mãi không ra, nay đã biết mở cửa hàng tạp hóa lớn để kinh doanh.

Chị Thương chia sẻ quê ở xã Xuân Khao, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. 5 tuổi chị mồ côi cha, một mình mẹ vất vả kiếm sống để nuôi 3 người con. Là con gái lớn trong gia đình nên chị không được đi học phải ở nhà giúp mẹ làm việc nhà và trông em. Năm 2004 chị vào xã Ia Lốp lập nghiệp, thời gian đầu cuộc sống gia đình rất khó khăn. Hàng ngày chị ở nhà trồng đậu xanh, đậu đen và nuôi đàn con nhỏ, chồng đi làm thuê lấy tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.

Chị Vi Thị Thương cho biết, cửa hàng tạp hóa mấy năm gần đây thu nhập tốt nên gia đình không còn cảnh chạy ăn từng bữa như trước nữa.

Chị Vi Thị Thương đang cân thịt bán cho khách mua hàng.

“Trước đây không biết chữ, mỗi lần đi mua đồ ăn, tôi chỉ biết đưa tiền, họ thối cho bao nhiêu thì biết bấy nhiêu. Tôi biết mặt tiền, nhưng không biết con số. Không biết chữ nên không biết tính toán làm ăn thế nào. May nhờ bộ đội biên phòng mở lớp xóa mù dạy chữ cho bà con nên tôi mới biết đọc biết viết và biết tính toán làm ăn. Từ ngày biết chữ tôi mạnh dạn vay mượn đầu tư mở cửa hàng tạp hóa buôn bán lương thực, thực phẩm... Cửa hàng tạp hóa mấy năm gần đây thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng”, chị Thương phấn khởi.

Thượng úy Phùng Văn Hai (thầy giáo cũ) đang kiểm tra bài của học trò cũ.

Bà Lang Thị Ứng 50 tuổi hàng ngày vẫn say sưa miệt mài nắn nót từng con chữ

Lớp xóa mù dù đã kết thúc hơn 5 năm, nhưng hễ rảnh lúc nào thì bà Lang Thị Ứng 50 tuổi (cùng ở thôn Đừng Nhạp) lại mang sách, báo ra để đọc và say sưa miệt mài nắn nót luyện từng con chữ.

Bà Ứng bộc bạch: “Tôi rất sợ bị tái mù vì mãi đến năm 45 tuổi tôi mới biết đọc, biết viết. Hồi nhỏ, tôi ở xã Xuân Khao, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2004 tôi đi theo bà con vào đây để lập nghiệp. Lúc nhỏ gia đình nghèo không được đi học. Nhà cách trường một con sông, muốn đi học phải có người chèo bè đưa qua sông, bố mẹ nghèo phải đi làm kiếm cái ăn, không có ai đưa đón đi học nên tôi bị mù chữ.

45 năm sống trong cảnh mù chữ khổ lắm, mỗi lần đi chợ mua thịt, mua cá, người ta cân cho bao nhiêu biết bấy nhiêu, gặp người tốt thì họ cân đủ lạng, tính tiền đúng cho mình, gặp người tham thì họ lừa gạt mình cũng không biết. Khổ nhất những lần đi vay mượn hay ký giấy tờ gì trên ủy ban xã chồng cũng phải chở đi, họ yêu cầu ký giấy tờ thì tôi chỉ biết điểm chỉ bằng ngón tay. Có lần tôi bị ốm đi bệnh viện, người ta gọi tên vào phòng số 1 để khám, tôi cũng không biết số 1 ở đâu để vào. Nhiều lúc tôi buồn, tủi cho bản thân mình, sao người ta biết chữ mình lại ko biết; không biết chữ đi đâu làm gì cũng gặp khó khăn.

Năm 2017 tôi tham gia học lớp xóa mù, mới đầu nghe bộ đội vận động đi học xóa mù chữ tôi cũng ngại vì tuổi lớn rồi, học không dễ. Ban ngày đi làm vất vả, tối đến chỉ muốn nghỉ ngơi nên không muốn đi. Nhưng rồi nghĩ đến chuyện lâu nay chỉ vì không biết chữ, phải chịu nhiều thua thiệt, nên khi thấy nhiều người trong thôn đi học, mình cũng quyết tâm ra lớp.

“Bây giờ đi đâu tôi cũng rất tự tin, không cần chồng đi theo nữa. Đi chợ mua cá, mua thịt, tôi đã biết cân biết lạng nên không ai lừa gạt được; tôi đã biết tính toán trong chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình. Tôi cảm ơn bộ đội biên phòng nhiều lắm. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng tôi đã xây dựng được nhà cửa khang trang, quyết tâm nuôi dạy các con học hành đến nơi, đến chốn, bà Lang Thị Ứng chia sẻ.

Chị Hà Thị Hiền sinh năm 1982 ở thôn Đừng Nhạp cũng cho hay: quê chị ở Thanh Hoá mẹ mất sớm, bố tục huyền, lúc nhỏ chị phải đi ở cho người bà con nên không được đi học. Vào Ia Lốp lập nghiệp, ban đầu chị cũng rất khó khăn, vất vả vì mù chữ. Nhưng từ khi được tham gia lớp xoá mù chữ do đồn Biên phòng Ea H’Leo tổ chức chị đã biết tính toán làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Số lượng đàn trâu và heo của gia đình chị không ngừng tăng lên; có thời điểm chị nuôi 18 con trâu và gần 10 con heo. Ngoài ra, chị còn trồng thêm 2 ha mì. Mấy năm gần đây nhờ sản xuất, chăn nuôi thuận lợi nên vợ chồng chị đã tích cóp xây dựng được căn nhà to nhất thôn

Ngôi nhà chị Hà Thị Hiền mới được xây dựng to nhất thôn.

Nhắc lại ngày đi vận động bà con xóa mù, Thượng úy Phùng Văn Hai, nhân viên Trinh sát, (trước đây nhân viên đội vận động quần chúng) đồn Biên phòng Ea H’leo kể: lớp học ngày đó có 32 người từ 16 đến 50 tuổi. Mới đầu, khi nói đến chuyện đi học xóa mù chữ, bà con đều có tâm lý mặc cảm, tự ti, thậm chí xấu hổ vì hầu hết họ đã lên chức bố, mẹ, ông, bà. Cán bộ các đội công tác địa bàn phải kiên trì vận động, thuyết phục mãi để bà con thấy được lợi ích khi biết đọc, biết viết thì bà con mới chịu ra lớp.

“Ngày ấy, thời gian học chỉ tranh thủ từ 7 đến 9h tối, có nhiều hôm bà con đi làm về mệt, nhiều khi quên không đến lớp, anh em chạy đến từng nhà để chở đến lớp; bà con ở rải rác, thôn này cách thôn kia hàng chục km; người cao tuổi tiếp thu rất chậm, trí nhớ kém, nên 1 người đứng trên bục giảng, 4 anh em đứng dưới kèm. Tuy anh em có mệt và vất vả chút nhưng thấy bà con biết tính toán làm ăn, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế gia đình, phấn đấu vươn lên thoát nghèo, nuôi dạy con cái ăn học đến nơi đến chốn là anh em chúng tôi vui lắm rồi”, Thượng úy Phùng Văn Hai chia sẻ.

Ông Hoàng Ngọc Ân, Phó Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Ia Lốp là xã biên giới của huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) có 12 thôn, dân số 1.835 hộ /6.648 khẩu, với 16 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 52,44%. Xã được thành lập từ năm 2006 theo chủ trương Dự án di dân phát triển kinh tế mới của Binh đoàn 16 - Bộ Quốc phòng (nay là Đoàn kinh tế Quốc phòng 737 Quân khu V) và Dự án giãn dân vùng lòng hồ thuỷ điện Cửa Đạt (huyện Thường Xuân, Thanh Hoá). Khí hậu ở biên giới khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, người dân trên địa bàn sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm 72,03%). Đặc biệt là tỷ lệ người dân mù chữ và tái mù chữ khá cao, chiếm hơn 70% số dân toàn xã.

Hiện tại trên địa bàn xã Ia lốp hiện vẫn còn 420 người từ 15 đến 60 tuổi mù chữ, sắp tới Đội công tác vận động quân chúng tại địa bàn xã Ia Lốp sẽ tiếp tục tham mưu Ban Chỉ huy Đồn đề xuất cấp trên thành lập lớp xóa mù giúp cho bà con vùng biên vươn lên thoát nghèo.

“Lớp học xoá mù do đồn Biên phòng Ea H’leo tổ chức không những giúp người dân xóa được nạn mù chữ, biết cách tính toán làm ăn phát triển kinh tế gia đình mà còn nâng cao dân trí, ý thức chấp hành pháp luật…; hưởng ứng phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới được tốt hơn.

THANH NGA

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/nguoi-dan-bien-gioi-thoat-ngheo-nho-hoc-lop-xoa-mu-cua-bo-doi-bien-phong-5710410.html

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ