A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phát huy hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh

08:47 | 27/12/2023

Với mục tiêu phát triển kinh tế, đô thị bền vững, đảm bảo hiệu quả hoạt động quản lý và phục vụ tốt nhất cho người dân; đặc biệt, giúp người dân và doanh nghiệp chủ động tiếp cận các thông tin chính xác,...

... tương tác với chính quyền một cách thuận tiện, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai một số dịch vụ về đô thị thông minh và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Đa đạng ứng dụng thông minh

Đầu tháng 9/2021, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk (IOC Dak Lak) triển khai chính thức 5 dịch vụ đô thị thông minh tại TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Cư M'gar, Ea Kar, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ. Theo đó, tại TP. Buôn Ma Thuột, các dịch vụ được triển khai gồm: giám sát, điều hành kinh tế và xã hội; an ninh trật tự đô thị và điều hành giao thông; dịch vụ phản ánh hiện trường; giám sát an toàn thông tin mạng; giám sát hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Các địa phương còn lại triển khai dịch vụ phản ánh hiện trường.

Đến nay, sau hơn 2 năm thành lập và đi vào hoạt động, IOC Dak Lak đã hoàn thiện và đưa vào vận hành phần mềm lõi cho trung tâm IOC; công nghệ trí tuệ nhân tạo được tích hợp trong hệ thống phần mềm Tổng đài 1022 và 10 dịch vụ giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế xã hội; dịch vụ công; hoạt động chính quyền; lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, phản ánh hiện trường, an ninh trật tự và an toàn giao thông, tài nguyên môi trường, an toàn thông tin mạng. Các dịch vụ này đã bước đầu trở thành hệ thống nền tảng phục vụ cho sự hình thành đô thị thông minh; nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành của chính quyền và đời sống người dân.

Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk.

Trong đó, dịch vụ phản ánh hiện trường đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân; cán bộ các xã, phường đã tích cực xử lý các phản ánh và nhận được sự hài lòng từ người dân. Qua việc tiếp nhận, xử lý phản ánh của tổ chức, công dân trên nhiều lĩnh vực của đời sống như trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, giao thông, hạ tầng đô thị, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội… đã dần trở thành một kênh thông tin quan trọng, tạo sự kết nối người dân với chính quyền địa phương, giúp chính quyền địa phương nắm bắt thông tin nhanh, kịp thời, đa chiều hơn.

Hay với dịch vụ giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội , số liệu thu thập được từ các đơn vị sẽ được tự động phân tích, đánh giá, cảnh báo và chuyển đến tài khoản của các đơn vị có liên quan, nhằm phát hiện các chỉ tiêu bất cập giúp lãnh đạo của các cấp điều hành kinh tế - xã hội phát triển một cách khoa học và đồng bộ. Với dịch vụ này, cơ quan chức năng có thể theo dõi chi tiết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng tháng toàn tỉnh, các nhóm chỉ tiêu về vốn đầu tư; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; các hoạt động bán lẻ hàng hóa, thương mại dịch vụ, du lịch; tình hình về giao thông vận tải hàng hóa, hành khách; an ninh trật tự, an toàn xã hội và các chỉ số: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (ICT INDEX)...

Việc triển khai dịch vụ đô thị thông minh đã trở thành nơi kết nối toàn bộ dữ liệu các ngành, tạo sự tương tác của người dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp, từ đó hình thành kho dữ liệu số; hỗ trợ đắc lực trong công tác dự báo, xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả và toàn diện.

Tăng tương tác giữa người dân và chính quyền

Với việc triển khai và đưa vào sử dụng các ứng dụng thông minh, người dân đã chủ động thực hiện và tương tác dịch vụ mà không gặp những rào cản về thời gian, khoảng cách.

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Với các ứng dụng công nghệ thông minh, việc quản lý, thực hiện các công việc của địa phương đã tiện ích hơn rất nhiều. Bây giờ, chỉ ngồi trong phòng làm việc tôi cũng có thể nắm được tình hình, thái độ, trách nhiệm làm việc của cán bộ địa phương trong việc giải quyết công việc cho người dân để kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Qua đó, tạo sự hài lòng cũng như sự thân thiện cho người dân và phục vụ người dân được tốt hơn”.

Người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột.

Ở huyện Cư M’gar, trước đây người dân địa phương muốn phản ánh bất cứ vấn đề gì đều phải làm đơn hoặc trực tiếp đến đơn vị, cơ quan chức năng để giải quyết; điều này vừa mất nhiều thời gian, vừa tốn chi phí đi lại. Thế nhưng, từ khi các dịch vụ công trực tuyến; hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông được triển khai và đưa vào hoạt động, đặc biệt với ứng dụng “Đắk Lắk trực tuyến” thì người dân có thể thực hiện các thủ tục, ý kiến ở các lĩnh vực một cách dễ dàng, nhanh chóng chỉ bằng một thao tác đơn giản thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính. Anh Lê Văn Bằng (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) phấn khởi nói: "Từ khi biết đến ứng dụng “Đắk Lắk trực tuyến” tôi đã tải về và cài trong điện thoại để có thể phản ánh các vấn đề về ô nhiễm môi trường hay an ninh trật tự nhanh chóng mà không phải tốn thời gian ngồi làm đơn rồi gửi đi như trước. Không chỉ thế, những nội dung phản ánh được thể hiện trực tiếp trên hệ thống từ ngày giờ tiếp nhận đến quá trình, kết quả xử lý của cơ quan chức năng... để mình giám sát, phản hồi".

Ngoài ra, các dịch vụ, ứng dụng với nhiều tiện ích phục vụ cho nhu cầu sống, làm việc của các cá nhân, doanh nghiệp đều được cung cấp trên môi trường mạng, tạo sự tiện lợi, thân thiện. Việc sử dụng và đánh giá chất lượng dịch vụ của người dân sẽ hỗ trợ lại cho công tác quản lý nhà nước tốt hơn, là cơ sở để thúc đẩy hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp.

Theo ông Võ Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc phụ trách IOC Dak Lak, để nâng cao chất lượng, hiệu quả các ứng dụng đô thị thông minh, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng tiện ích số của các dịch vụ đô thị thông minh; đồng thời, khai thác, sử dụng hiệu quả các hệ thống, phần mềm công nghệ thông tin đã được đầu tư...

Thúy Hồng

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/xa-hoi/202312/phat-huy-hieu-qua-cac-dich-vu-do-thi-thong-minh-fd900b1/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ