A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Không chủ quan với virus Zika

13:02 | 02/11/2016

Hiện nay tình hình dịch sốt xuất huyết và Zika diễn biến phức tạp, nhất là khi TP.HCM đã công bố dịch do virus Zika...

Một trẻ nhỏ ở Đăk Lăk mắc chứng đầu nhỏ nghi liên quan đến virus Zika
 

Hiện nay tình hình dịch sốt xuất huyết và Zika diễn biến phức tạp, nhất là khi TP.HCM đã công bố dịch do virus Zika khi địa phương này đã ghi nhận 17 ca mắc; một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên cũng có nguy cơ mắc rất cao. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã yêu cầu đẩy mạnh công tác tư vấn, phòng chống virus Zika, bảo vệ phụ nữ chuẩn bị mang thai.
 

TP.HCM ghi nhận 17 ca mắc

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 17 ca mắc Zika. Các ca bệnh đều được phát hiện thông qua hệ thống giám sát dịch bệnh mà Sở Y tế TP HCM đã và đang triển khai. Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 23 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó có 17 trường hợp ở TP.HCM; các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương, Long An, Trà Vinh, Đăk Lăk, mỗi tỉnh có 1 trường hợp nhiễm virus Zika.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền virus Zika. Dịch bệnh lưu hành rộng tại các nước khu vực Nam Mỹ và Caribe; 22 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo chứng đầu nhỏ có liên quan đến nhiễm virus Zika.

Tại khu vực Đông Nam Á, cũng đã ghi nhận 8/12 quốc gia có sự lưu hành virus Zika. Riêng ở Singapore, từ cuối tháng 8/2016 đến nay đã ghi nhận đợt bùng phát dịch do virus Zika với trên 400 trường hợp mắc; ở Thái Lan ghi nhận trên 200 trường hợp; những nước còn lại, các trường hợp mắc chủ yếu mang tính đơn lẻ không bùng phát thành dịch lớn.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nhận định do TP HCM có mật độ dân số đông nhưng vấn đề vệ sinh môi trường, nhà ở, ý thức phòng bệnh chưa cao nên dễ xảy ra dịch. Ngoài ra, TP cũng đang trong mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết, có cùng một phương thức truyền bệnh chính là qua muỗi vằn nên việc phát sinh thêm trường hợp nhiễm virus Zika là khó tránh khỏi.

Các nhà khoa học hiện vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ cơ chế gây ảnh hưởng đến não của virus Zika. Giả thuyết Zika gây ra bệnh đầu nhỏ (microcephaly) với biểu hiện là đầu nhỏ hơn bình thường và não bị tổn thương đã nổi lên vào tháng 10 năm ngoái, khi các bác sỹ ở Brazil phát hiện số lượng trẻ em mắc bệnh này tăng bất thường.

Các nhà chuyên môn cũng chỉ ra rằng cả Zika và sốt xuất huyết đều do cùng một loài muỗi truyền bệnh. Nguyên nhân do gia tăng di biến động dân cư, giao lưu đi lại giữa các vùng miền, tốc độ đô thị hóa cao, chu kỳ dịch, vệ sinh môi trường, biến đổi khí hậu tạo điều kiện cho véc tơ truyền bệnh phát triển.
 

Phòng bệnh bằng cách nào?

Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng yêu cầu đẩy mạnh công tác tư vấn, bảo vệ phụ nữ chuẩn bị mang thai.

Thai phụ cần phải siêu âm tầm soát Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ. Ngoài ra, để chủ động phòng chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, Bộ Y tế (Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh - EOC) đã nâng mức cảnh báo và đáp ứng hoạt động của Văn phòng EOC và khuyến cáo người dân thực hiện tốt một số nội dung sau:

Phụ nữ có thai, phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền virus Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày.

Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn. Chủ động phòng chống dịch bệnh một cách tích cực, tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại các hộ gia đình; kiểm tra, loại bỏ vật phế thải không để muỗi sinh sản và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Virus Zika làm teo tinh hoàn của chuột thí nghiệm

Theo nghiên cứu mới của nhà khoa học Michael Diamond thuộc Đại học Y Washington ở St. Louis (Mỹ), virus Zika, gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, có khả năng làm teo tinh hoàn của chuột đực thí nghiệm, làm giảm mạnh số lượng tinh trùng và khả năng sinh sản. |

Cụ thể, tinh hoàn của chuột bị nhiễm Zika teo nhỏ khoảng 90% về trọng lượng trong khi lượng tinh trùng trung bình giảm 3/4, thậm chí còn cao hơn nữa và nhiều khả năng đây có thể tổn thương vĩnh viễn.

Nhà khoa học Diamond khẳng định sẽ căn cứ kết quả trên để nghiên cứu sâu hơn nhằm xác định liệu Zika có gây tác động tiêu cực tương tự ở nam giới hay không khi mà một số thông tin liên quan cho thấy loại virus này có thể thâm nhập vào hệ thống sinh sản của nam giới và tồn tại được trong tinh dịch, cũng như tinh trùng.

Cho tới nay các nhà khoa học vẫn chưa bào chế được vắcxin hay thuốc đặc trị phòng chống virus Zika, chủ yếu lây nhiễm qua muỗi Aedes aegypti...

 

HUYỀN ANH

 
 

 

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ