Di tích lịch sử và khu du lịch đang xuống cấp nghiêm trọng
14:48 | 23/10/2019
Việc bảo tồn, gìn giữ các di tích lịch sử và đầu tư phát triển các điểm, khu du lịch được sự quan tâm của tỉnh Đắk Nông và chính quyền các cấp.
Tuy nhiên, hầu hết các di tích, điểm và khu du lịch không những không khai thác được tiềm năng mà còn đang xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đã được đầu tư kinh phí để xây dựng, bảo tồn, tôn tạo.
Di tích lịch sử xuống cấp
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 11 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được Nhà nước xếp hạng (9 di tích lịch sử và 2 danh lam thắng cảnh). Trong 9 di tích lịch sử có 5 di tích cấp Quốc gia, 3 di tích cấp tỉnh.
Di tích lịch sử về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo đang được phục dựng nhưng nhiều hạng mục cũng xuống cấp
Hiện nay, 2/9 di tích đã được Nhà nước đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo, chính thức đi vào hoạt động là Di tích lịch sử Ngục Đắk Mil mở cửa đón khách tham quan vào năm 2010 và Căn cứ kháng chiến B4-Liên tỉnh IV đã hoàn tất các hạng mục xây dựng từ năm 2013. Một di tích đang được xây dựng, tôn tạo, phục dựng là Di tích về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo.
Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát mới đây của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh cho thấy, hầu hết các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được xếp hạng đều đã xuống cấp trầm trọng. Điển hình như Di tích lịch sử Ngục Đắk Mil đã được đầu tư tôn tạo, phục dựng với tổng diện tích 4.159 m2, tổng kinh phí trên 9,9 tỷ đồng. Các hạng mục được tôn tạo như nhà trưng bày, nhà ngục, bia tưởng niệm, chòi canh, hàng rào, cổng, bến nước... Thế nhưng, hiện nay một số hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng như: tường nhà trưng bày bị bong tróc, thấm dột; đường ra bến nước bị người dân lấn chiếm và làm rào chắn để làm nương rẫy...
Tương tự, công trình Căn cứ kháng chiến B4-Liên tỉnh IV hiện cũng đã xuống cấp trầm trọng. Hiện tại công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được phê duyệt, quyết toán, trong khi công tác bảo vệ, quản lý chưa hiệu quả. Tường nhà dột thấm, cửa kính không có khung sắt, không bảo đảm cho việc trưng bày các hiện vật, nhất là các hiện vật vũ khí.
Nền móng tượng đài hiện đã sụt lún, thân tượng và lư hương nứt nẻ, xiêu vẹo, không có tính trang nghiêm. Tổng thể công trình đã hoang hóa, cỏ mọc rậm rạp. Đường giao thông và các phân khu phần lớn xuống cấp trầm trọng. Cầu bắc qua suối đã đổ gãy và bị nước cuốn trôi. Các lán trại phục dựng không có người quản lý, bảo vệ nên hư hỏng, dột nát, chỉ còn phần nền lán trại.
Các khu, điểm du lịch hoang tàn
Không chỉ các di tích, danh lam thắng cảnh mà các khu, điểm du lịch hiện nay cũng trong tình trạng lãng phí vì xuống cấp, không khai thác hoặc khai thác không hiệu quả. Toàn tỉnh có 7 khu, điểm du lịch có chủ trương đầu tư, trong đó có 4 dự án đang triển khai hoạt động đón tiếp khách. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác và sử dụng thấp, rất lãng phí so với tiềm năng. Điển hình như Khu du lịch thác Lưu Ly (Đắk Song) hiện nay các công trình, hạng mục trong điểm du lịch đã hư hỏng. Cảnh quan bị bỏ hoang, không có người chăm sóc, quản lý.
Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly (Đắk Song) có cảnh quan đẹp nhưng hiện vẫn chưa được khai thác
Điểm du lịch sinh thái thác Đắk G'lun do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Liên Thành Đắk Nông thực hiện với tổng vốn đầu tư trên 423 tỷ đồng. Dự án được đưa vào khai thác, kinh doanh từ năm 2012. Nhiều hạng mục đã được đầu tư nhưng không đạt tiến độ đề ra. Khu vực dự án rất hoang sơ, ít được khai thác, sử dụng, nhiều hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng. Người được giao quản lý thường xuyên thay đổi, không nắm được thực trạng, không tâm huyết với nhiệm vụ của dự án.
Các hạng mục tại điểm du lịch thác Lưu Ly đã xuống cấp, bỏ hoang
Do nhiều nguyên nhân
Qua khảo sát của Ban Văn Hóa-Xã hội HĐND tỉnh cho thấy, hầu hết các dự án đầu tư đều chậm tiến độ đề ra. Những hạng mục đã hoàn thành lại xuống cấp nghiêm trọng, chậm quyết toán. Nhiều hạng mục đầu tư chưa thực hiện phần lớn do tranh chấp đất đai hoặc thiếu nguồn vốn...
Điểm du lịch sinh thái thác Đắk G'lun (Tuy Đức) chưa được đầu tư đáng kể
Một thực tế là tại các điểm du lịch sinh thái, phần lớn các dự án trọng điểm đều được ngân sách Nhà nước đầu tư hạ tầng như điện, đường, hệ thống thoát nước... Thế nhưng, hầu hết các dự án du lịch đều đầu tư cầm chừng, chậm tiến độ. Nhiều hạng mục trong dự án không đúng quy mô đã được phê duyệt, thậm chí không triển khai thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư có nguồn vốn ngoài ngân sách chưa kịp thời tháo gỡ.
Một số nhà đầu tư chưa phối hợp tốt với chính quyền địa phương để giải quyết vướng mắc, khó khăn, làm kéo dài tiến độ thực hiện dự án. Sự phối hợp giữa ngành văn hóa với các sở, ban ngành không chặt chẽ, thiếu thông tin trong thực hiện nhiệm vụ nên khó thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển.
Đường xuống điểm du lịch thác Liêng Nung (Gia Nghĩa) bị sạt lở
Rà soát, khắc phục ra sao?
Qua thực tế khảo sát, đồng chí Hà Trung Ký, UVTV, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh cho rằng, phát triển du lịch được tỉnh xác định là một trong 3 khâu đột phá của tỉnh. Tuy nhiên thực tế cho thấy, hầu hết các di tích, điểm và khu du lịch không những không khai thác được tiềm năng mà còn xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đã được đầu tư không nhỏ. Các điểm du lịch còn ngổn ngang, tiềm năng du lịch chưa được “đánh thức”, vẫn còn “ngủ quên”, nhiều năm nay vẫn không có chuyển biến nào trong công tác quản lý cũng như đầu tư hay hiệu quả khai thác. Nếu không có giải pháp kịp thời khắc phục những tình trạng nói trên, sẽ gây lãng phí lớn cả về kinh phí, di tích lịch sử và tài nguyên du lịch. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ càng khó để hồi phục, chưa nói đến việc phát huy hiệu quả.
Vì vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng, rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp cấp bách và lâu dài. UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp rà soát lại tất cả các dự án đầu tư vào các điểm du lịch nhằm nắm rõ tiến độ thực hiện, nguồn vốn đầu tư theo lộ trình và kế hoạch đã phê duyệt. Qua rà soát cần nắm rõ lại diện tích rừng đã bị mất, diện tích đất đang tranh chấp, đang bị người dân xâm canh, lấn chiếm, kịp thời đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Dự án Tượng đài N'Trang Lơng ở Gia Nghĩa đã triển khai từ lâu nhưng đến nay chỉ có những cột móng
UBND tỉnh cũng cần chỉ đạo giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư. Đối với những công trình đã được đầu tư, tôn tạo, đưa vào sử dụng và hoàn thành quyết toán, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần rà soát, xem xét sự phù hợp và bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng, tạo thuận lợi trong khai thác, vận hành.
Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"
CÁC TIN KHÁC
- Xây dựng vùng du lịch văn hóa sinh thái Tây Nguyên: Tiềm năng và những vấn đề (16/11/2019)
- Cơ hội và thách thức cho du lịch Đắk Lắk (Kỳ cuối) (12/11/2019)
- Cơ hội và thách thức cho du lịch Đắk Lắk (Kỳ 2) (11/11/2019)
- Cơ hội và thách thức cho du lịch Đắk Lắk (Kỳ 1) (09/11/2019)
- Huyện Ea H'leo siết chặt quản lý dịch vụ văn hóa (25/10/2019)
- Tọa đàm các giải pháp đổi mới sáng tạo thúc đẩy du lịch địa phương (21/10/2019)
- Quảng bá du lịch Việt Nam trên Facebook và Instagram (15/10/2019)
- Du lịch tỉnh có thể phục vụ khoảng hơn 9.000 lượt khách lưu trú cùng một thời điểm (15/10/2019)
- Thú vị "tour" trải nghiệm nông nghiệp... 0 đồng (12/10/2019)
- Du lịch huyện Lắk: Lượt khách giảm, doanh thu tăng (07/10/2019)
- Lượng khách du lịch tăng mạnh (01/10/2019)
Sầu riêng và những bước đi trên con đường chính ngạch
Sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc theo con đường chính ngạch là cơ hội lớn để ngành hàng này phát triển.
- Đắk Lắk: Lễ hội nâng tầm sầu riêng Krông Pắc
- Nhiều hoạt động sôi nổi tại Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ nhất
- Sẽ biểu diễn bay khinh khí cầu tại Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ I năm 2022
- Huyện Krông Pắc: Ra mắt mô hình trồng dổi lấy hạt tại xã Ea Yiêng
- Nối lại đường bay Buôn Ma Thuột – Đà Nẵng: Mở ra nhiều cơ hội
- Kiến tạo không gian mở cho đô thị Buôn Ma Thuột
- Triển khai hiệu quả công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột
- Ðịnh hình đô thị xanh cho Buôn Ma Thuột
- Đắk Nông hỗ trợ nông dân thu hoạch cà phê hiệu quả
- Giữ không gian xanh trong phố
- Dự án khu đô thị chặn mương thoát nước, hàng chục hộ dân khốn khổ vì ngập
- Giá cà phê bật tăng đầy bất ngờ
- Huyện Krông Bông: Nhiều cầu treo xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
- Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các khu vực xung yếu
BÌNH LUẬN CỦA BẠN
BÌNH LUẬN