A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lễ hội truyền thống từ góc nhìn sản phẩm du lịch

16:41 | 29/02/2024

Ở Tây Nguyên, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa, rất nhiều lễ hội truyền thống mang tính đa hợp, đồng thời kết lồng văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể.

Hoạt động được thể hiện bao gồm dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực cùng nhiều bản thể, biểu tượng của đời sống sinh hoạt của văn hóa rừng, của tín ngưỡng “siêu nhiên hóa”. Vốn là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lễ hội truyền thống càng lôi cuốn khách du lịch không chỉ từ những đặc sắc diễn ra trong lễ hội mà họ còn được hòa mình vào lễ hội. Giữa không gian đa sắc đa âm ấy, du khách trở thành chủ nhân một cách tự nhiên và thân thiết.

Có thể dẫn ra một số lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên đang được lưu giữ, trao truyền và thể hiện, như: lễ cưới của người M’nông, K’ho, Hrê…; lễ bỏ mả của người Ba Na; lễ cầu mùa của người S’tiêng; lễ bắc máng nước của người Sê đăng; lễ kết nghĩa anh em của người Êđê, người Mạ… Và rất nhiều lễ hội đều thể hiện ở nhiều dân tộc như: lễ cúng cầu mưa, lễ mừng lúa mới, lễ cúng cơm mới, lễ cúng chóe, lễ cúng cây nêu cầu an, lễ cúng sức khỏe, lễ trưởng thành, lễ cúng bến nước…

Lễ hội văn hóa truyền thống là hoạt động cộng đồng hấp dẫn.

Dù lớn hay nhỏ, lễ hội truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên thường xuất hiện âm thanh của chiêng và nhân vật già làng.

Trong không gian thiêng, già làng cất tiếng vang vọng: “Hãy đánh những chiêng có âm thanh hay nhất, những chiêng kêu trầm nhất. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất, đánh cho tiếng chiêng vang xa khắp xứ. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua nhà, vòng lên trời.

Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến phải ngã xuống đất. Đánh cho ma quỷ mải mê nghe đến quên làm hại con người. Đánh cho chuột, sóc quên đào hang, cho rắn nằm ngay đơ, cho thỏ phải giật mình, cho hươu nai đứng nghe quên ăn cỏ…”.Lửa bập bùng mê hoặc, điệu xoang nhịp nhàng mềm mại…, không gian lễ hội cuốn hút rồi loang ra, như những vòng sóng thi vị và kỳ bí trên mặt nước đại ngàn.

Những âm sắc của chiêng, của tù và, của trống, của kèn, của dàn nhạc tre nứa và đá… cùng hòa âm, cùng kết điệu. Những sắc màu của thổ cẩm hòa trong sắc màu của cây nêu, hương đại ngàn dâng lên từ chóe rượu với những chiếc cần cong vút mời gọi thực khách…

Một không gian thiêng và đa chiều, vang vọng và lưu lắng, hạnh phúc và khát vọng… dẫn dụ từ chủ đến khách cùng quyện hòa chìm đắm…

Lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên đã nghiễm nhiên có “căn cước” đặc sắc, ở đó, nghệ thuật cồng chiêng xác quyết giá trị đỉnh cao của nhân loại. Để bảo tồn và phát huy cần lắm đến cơ chế sát thực, chính sách ưu tiên và nỗ lực của mọi người. Các tỉnh Tây Nguyên tuy đã đề ra những dự án, đề án bảo tồn, phát huy, nhưng chưa đủ, như ý kiến của nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm, rằng “những việc đó chỉ diễn ra bên lề cộng đồng… không phải do tự thân nhu cầu của buôn, bon, kon, plei”.

Văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thu hút rất đông du khách tại những địa điểm công cộng.

Thực tiễn chứng minh, lễ hội văn hóa truyền thống là đòn bẩy để ngành du lịch phát triển. Bởi, văn hóa vật thể và phi vật thể từ lễ hội thực sự đã chinh phục du khách theo nhu cầu thưởng lãm, trải nghiệm của mỗi cá nhân. Chỉ hiện thực hóa một cách đậm nét, trở thành một sản phẩm thực thụ của du lịch thì lúc đó văn hóa truyền thống mới “thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.

Minh Đạo

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202402/le-hoi-truyen-thong-tu-goc-nhin-san-pham-du-lich-8280f9a/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ