A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ông Thiên lôi

03:33 | 22/05/2013

Sấm và sét là hiện tượng thiên nhiên thường xuất hiện trong mùa hè, nhất là khi trời giông tố. Sấm không gây chết người nhưng nếu tiếng sấm to quá và bất ngờ cũng khiến người ta hoảng hốt.

Sẽ thực sự nguy hiểm khi "ông Thiên lôi” giáng lưỡi tầm sét trúng. Cho nên, việc phòng sét đánh là rất cần thiết.

Trước khi có sấm, sét, thì thường xuất hiện những cơn dông, đôi khi nó đi liền với sấm. Bao giờ sấm, chớp cũng xuất hiện trong cơn dông. Sấm là tiếng động  khi không khí bị  đốt nóng, nở ra rất nhanh, nó gây ra tiếng động. Vào một thời điểm bất kỳ trên trái đất có khoảng 2000 cơn dông đang hoạt động. Một cơn dông bình thường kéo dài 4 tiếng có thể có 10 000 cú phóng điện trong đó có 1000-2000 phóng xuống đất.
Người ta phân loại sét đánh xuống đất làm hai loại: sét âm và sét dương. Sét âm (90%) chủ yếu xuất hiện từ phần dưới đám mây đánh xuống đất. Sét dương thường xuất hiện từ trên đỉnh đám mây đánh xuống. Loại sét dương này xuất hiện bất ngờ và đôi khi rất nguy hiểm vì trời vẫn quang và phần dưới chưa mưa. Hàng năm trên thế giới có khoảng 5000 người bị sét đánh. Với Việt Nam, trung bình có 2 triệu cú sét đánh xuống đất trong vòng 1 năm. Một số nới như Cổ Dũng (Hải Dương), Sơn Lộc (Hà Tĩnh), Đồng bằng sông Cửu Long thường có sét, tuy không gây thiệt hại nặng.

Vậy, bản chất của hiện tượng sấm - chớp - sét là gì? Các nhà khoa học giải thích như sau: Trong cơn mưa dông do có gió mạnh xáo trộn các đám mây, làm cho các đám mây tích điện. Khi hai đám mây tích điện trái dấu lại gần nhau, hiệu điện thế giữa chúng tăng mạnh. Giữa hai đám mây có hiện tượng phóng tia lửa điện, mắt thường nhìn thấy thì gọi là chớp. Vài giây sau ta mới nghe thấy tiếng nổ, thì đó là sấm, nhưng thực ra sấm đã có từ lúc tia lửa điện phát ra, ta nghe chậm hơn là do vận tốc của ánh sáng nhanh hơn vận tốc của âm thanh, nên nhìn thấy chớp trước. Khi đám mây dông tích điện đi gần mặt đất, thì sẽ có hiện tượng phóng tia lửa điện giữa đám mây và mặt đất, gây ra sét.

Ít người biết rằng, sét không bao giờ đánh theo đường thẳng. Đường đi của nó cong queo vì nó phải chọn con đường nào cản điện ít nhất, miễn là đến được những nơi tập trung nhiều phần tử dẫn điện nhất. Vì thế, không ngạc nhiên khi sét có thể giáng mạnh vào một ống khói trong khi bên cạnh đó có một cột thu lôi. Nhưng thực ra, nó nhằm vào cột thu lôi nhưng… đánh trượt do khói là một chất dẫn điện tốt. Khói bốc lên cao làm lệch luồng sét đang nhắm tới. Vì thế mới có chuyện sét hoàn toàn đánh vào máy bay, nếu máy bay thả khói gần đám mây tích điện. Người ta đã làm thí nghiệm với việc sét đánh vào một chồng đĩa, nhưng không làm vỡ hết vì nó "chọn” những chiếc nào ướt nhất để phóng điện mà thôi. 
 
Sét từ trên trời giáng xuống, gây hậu quả lớn nên dân gian thường gọi là "ông Thiên lôi”, và đặc biệt "ông Thiên lôi chỉ đâu đánh đấy” là vì tự bản thân thần sét không làm chủ được mục đích giáng xuống của mình, khi bất ngờ gặp sự tác động của bên ngoài. Do đó, đường đi của sét rất khó lường, hậu quả do đó cũng lớn hơn. Người ta tưởng rằng sét hay đánh vào nhà cao tầng, ống khói, cột thu lôi, những công trình vật liệu thép…, nhưng thực ra nó sẽ đánh vào nơi nào dẫn điện nhanh nhất. Cho nên mới có chuyện vùng đất sét lại bị sét đánh nhiều hơn so với đất cát, do đất sét dẫn điện nhanh hơn. Vùng đất có nhiều mạch nước ngầm và dòng cát chảy (lưu sa) ở phía dưới cũng là mồi ngon của sét. Sét cũng hay giáng xuống những khe núi, vực sâu, vì ở đáy những khe, vực ấy tập trung nhiều hơi ẩm hay những nguồn nước. Tia sét có thể di chuyển với tốc độ 36.000 km/h và nhiệt độ tối đa lên tới 30.000 °C, gấp 20 lần nhiệt độ cần thiết để biến cát silica thành thủy tinh. Do đó, dẫu sét không đánh thẳng vào người mà chỉ "tạt qua” thì cũng đủ về chầu tiên tổ. Tuy nhiên, sét đánh thẳng là nguy hiểm nhất: cứ 10 người bị sét đánh thẳng thì 8 người chết.
 
 
Khi cơn dông kéo tới, cũng là lúc "ông Thiên lôi”
 mang lưỡi tầm sét đi dạo
 
Với Việt Nam ta, mưa dông kèm sấm sét hoạt động mạnh nhất là từ tháng 4 đến tháng 10. Riêng "ông Thiên lôi đi tuần” thường là vào buổi chiều, tối từ 14 giờ đến 20 giờ. Không ít bà con bất cẩn khi đi làm đồng, thấy dông gầm rít nhưng vẫn cố làm nốt công việc, đã bị sét đánh chết. Các cơ quan chức năng ghi nhận, năm 2001, ngành điện Việt Nam có khoảng 400 sự cố, 50% trong số đó là do sét gây ra. Đặc biệt ngày 4-6-2001, sét đánh nổ một máy cắt 220 KV của Nhà máy Thuỷ điện Hòa Bình. Sự cố đã khiến lưới điện miền Bắc bị rã mạch, nhiều nhà máy điện bị tách ra khỏi hệ thống, thời gian khắc phục kéo dài.
Thiếu tá Summerford là một sĩ quan thuộc quân đội Anh. Tháng 2-1918, khi đang ở Flanders, Bỉ, ông bị một tia sét đánh trúng khiến người bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Đến năm 1924, ông lại bị sét đánh khi chuyển tới Vancouver, Canada. Lạ nỗi là năm 1930, sau khi Summerford  chết, sét lại đánh trúng phần mộ của ông.
Vậy, làm gì để bảo vệ mình tránh khỏi "lưỡi tầm sét” của "ông Thiên lôi”? 
Trước hết, khi trời nổi dông, phải mau chóng trở về nhà, không trú mưa dưới gốc cây to,   không nên đi lại ngoài đường nếu không cần thiết. Nếu đang làm việc trên cánh đồng thì không bao giờ chạy vào trú mưa dưới những gốc cây đứng riêng lẻ. Với độ cao của nó, cái cây sẽ thu hút sét, nhưng đáng sợ hơn là khung xương của con người có điện trở nhỏ hơn gỗ, nên chúng ta sẽ là một phương tiện tốt cho sét tiếp đất: "ông Thiên lôi” sẽ chuyển từ cái cây mà sang chúng ta. Các chuyên gia khí tượng cho rằng, cách tốt nhất khi làm việc trên cánh đồng mà gặp dông thì nên nhớ nguyên tắc càng hạ người xuống thấp càng tốt, dù có hơi bẩn nhưng ít có nguy cơ chạm trán Thiên lôi. Chiếc áo mưa là vật dụng tránh sét rất hiệu quả.
 
Không nên bơi khi trời dông vì nước là một chất dẫn điện tốt. Cũng không nên quá tin tưởng khi ngồi trong xe hơi, vì đó cũng là "mục tiêu di động” cho sét đánh. 
 
Người ta tính ra rằng, cứ sau 5.000 hay 10.000 giờ bay, một chiếc máy bay sẽ bị sét đánh một lần. Nhưng đó là hiện tượng bình thường, không để lại hậu quả nhờ vào lớp vỏ kim loại, máy bay truyền điện của sét mà không gặp trở ngại gì, vì lúc đó, nó chỉ trở thành vật thế chân trong một vài giây đường truyền tự nhiên của sét trong không khí. Việc phi công tìm cách đi tránh cơn dông không phải là vì anh ta sợ sét, mà là vì các dòng khí mạnh do hiện tượng thời tiết này mới thực sự nguy hiểm, đặc biệt khi tiếp đất và cất cánh.

    Theo Báo Đại đoàn kết

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ