A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đột phá Đại học

09:00 | 28/08/2014

"Giao quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các trường Đại học là khâu đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại cuộc họp sáng 26-8 về giao quyền tự chủ đối với các trường ĐH công lập.
 
 
Giáo dục Đại học Việt Nam cần có sự đột phá 
để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
 
Tự chủ đến đâu?
 
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ, ngành đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến việc thực hiện chủ trương giao quyền tự chủ đối với các trường ĐH công lập; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện thí điểm rộng hơn, mạnh hơn nữa trong giao quyền tự chủ cho các trường ĐH; dự thảo Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014-2017 đối với 4 trường ĐH trực thuộc Bộ GDĐT là ĐH Kinh tế quốc dân; ĐH Kinh tế TPHCM; ĐH Ngoại thương và ĐH Hà Nội.
Nguyên lý cơ bản của tự chủ ĐH là nếu các cơ sở GDĐH được nắm vận mệnh của chính mình, họ sẽ vận hành tốt hơn, tạo động lực đổi mới để đạt hiệu quả cao hơn trong hoạt động và cũng làm tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở GDĐH, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục. 
 
Chủ trương giao quyền tự chủ đối với các trường ĐH công lập ở ta được thể hiện ở nhiều văn bản. Nhà nước khẳng định trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH là gắn với tự chịu trách nhiệm một cách đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực và tài chính. Khuyến khích các trường chủ động khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn lực được giao, đa dạng hóa các hoạt động đào tạo, phát triển cả số lượng và chất lượng dịch vụ GDĐH. 
 
Chưa thỏa mãn với các "quyền” tự chủ này, từ thực tiễn hoạt động của từng trường, tại cuộc họp, một số trường ĐH mong muốn Nhà nước có cơ chế rõ hơn để tự chủ cả về tài chính, tổ chức và nhân sự, bỏ quy định mức trần học phí. Đặc biệt mở rộng quyền tự chủ về chuyên môn cho các trường, làm rõ quy mô tuyển sinh khi tự chủ tài chính, thành lập các quỹ tín dụng hỗ trợ sinh viên với lãi suất ân hạn 6 năm. Quy định rõ về Hội đồng trường cũng như giao quyền quyết định cho hiệu trưởng trong chi lương theo năng suất lao động và không nên quy định hiệu trưởng làm theo nhiệm kỳ…
 
 
Thí sinh dự thi Đại học Quản trị kinh doanh
 
Thoát khỏi "miếng bánh” ngân sách và lo ngại công bằng xã hội
 
Đã giao quyền tự chủ tài chính thì ngân sách nhà nước còn đầu tư cho các trường đại học công lập nữa hay không? "Đối với những dự án đang dở dang thì Nhà nước tiếp tục đầu tư, còn những dự án kế tiếp một khi khi trường đã tự chủ quyết định tài chính, nhân sự thì Nhà nước không nên đầu tư nữa mà chỉ cần hỗ trợ lãi suất cho các trường vay vốn đầu tư. Trường ĐH Tôn Đức Thắng từ 2008 chỉ nhận hỗ trợ lãi suất từ nhà nước 37,5 tỷ đồng nhưng đến nay đã tạo lập tổng tài sản lên tới 1000 tỷ đồng. Cần sớm có Quỹ phát triển giáo dục để hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các trường …”, GS.TS Lê Vinh Danh, hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng nêu quan điểm.
 
Đã đành là không còn hưởng đầu tư của nhà nước nhưng việc các trường đề nghị bỏ trần học phí và nới rộng hơn cơ chế sử dụng nguồn thu hợp pháp của các trường để trả lương cho cán bộ giáo viên cũng như quyết định dự  án đầu tư trường lớp cũng xuất hiện các lo ngại mới. Những ngành học phí cao sẽ không còn thu hút được học sinh giỏi con nhà nghèo và có thể sẽ làm hỏng cả triết lý của nền giáo dục. Ý kiến của PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Giám đốc ĐHQG Hà Nội, rất đáng lưu ý khi ông cho rằng tài chính cho đại học không chỉ có học phí mà còn có nhiều nguồn thu khác và rằng một đại học tốt không nên dựa vào học phí: "Học phí cần thu theo chất lượng đào tạo và nhu cầu người học trên cơ sở chất lượng đào tạo của các trường phải được kiểm định độc lập, công khai”.
 
Sức mạnh là ở trí tuệ, ở nguồn nhân lực
 
Vấn đề tự chủ trong GDĐH Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực gần một thập kỷ qua, nhiều đại biểu khẳng định. Nhiều ĐH đã dần được trao quyền tự chủ qua các văn bản pháp quy của Nhà nước. Song đúng là mức độ tự chủ giao cho các cơ sở GDĐH có thể cũng rất khác nhau tùy theo tính chất, chất lượng của các cơ sở GDĐH đó. Và chỉ khi cơ chế quản lý điều hành hợp lý được hoàn thiện, mới phát huy hiệu quả.
 
Một số ý kiến cho rằng cần rút ngắn thời gian thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm gắn với đảm bảo sự công bằng trong phát triển đào tạo ĐH và tính cạnh tranh giữa trường công và trường tư. Nhất là tăng việc giám sát độc lập, công khai quá trình tự chủ của các trường cũng như khuyến khích liên doanh, liên kết phát triển các loại hình dịch vụ đào tạo…
 
"Tinh thần cuộc họp hôm nay cho thấy giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước và thực tế đã thu được nhiều kết quả. Khẳng định như vậy để chúng ta phát huy ưu điểm và bổ sung hoàn thiện khiếm khuyết tháo gỡ vướng mắc. Không thể chỗ nào cũng kêu ca mà cần hành động một cách thiết thực, bắt tay vào làm những việc cụ thể, xử lý mâu thuẫn để thúc đẩy phát triển…”,  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
 
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của một số trường và các bộ, ngành, viện liên quan, Thủ tướng nhấn mạnh: Triển khai mạnh hơn và rộng hơn giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH, không chỉ tiết kiệm ngân sách nhà nước mà còn tạo nền tảng, tạo động lực và là khâu đột phá nâng cao chất lượng đào tạo ĐH, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. 
 
Liên quan đến những lo ngại về công bằng trong tiếp cận các trường ĐH cho các đối tượng sinh viên khác nhau khi các trường đã được giao quyền tự chủ, tự quyết định mức học phí, nhiều ý kiến đề xuất cơ chế hỗ trợ tiền học phí cho sinh viên con người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh diện chính sách cũng như nghiên cứu điều chỉnh mức vay tín dụng ưu đãi cho sinh viên thuộc diện chính sách theo học tại các trường tự chủ tài chính….
 
"Giao quyền tự chủ phải gắn liền với trách nhiệm, mà trước hết là chấp hành đúng pháp luật, đúng điều lệ, đúng quy chế, quy định và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đào tạo cũng như trong công tác quản lý nhà nước”- Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu ngay trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 tới, Chính phủ sẽ thảo luận và thông qua Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện thí điểm rộng  hơn, mạnh hơn nữa trong giao quyền tự chủ cho các trường ĐH.
 
Tinh thần chung của giao quyền tự chủ cho các trường ĐH cũng là để đạt tới mục đích: "Giáo dục-đào tạo phải thực sự là quốc sách hàng đầu; trong sự phát triển bền vững của đất nước, yếu tố con người có ý nghĩa quyết định, sức mạnh con người là ở trí tuệ, ở nguồn nhân lực” như Thủ tướng nhấn mạnh. Sẽ trao quyền tự chủ tới đâu và các cơ sở GDĐH cần thực hiện quyền tự chủ ra sao để đạt mục đích tối thượng là nâng cao hiệu quả và chất lượng của GDĐH, lại vẫn đảm bảo được công bằng xã hội? 
 
Đó là những vấn đề rất nóng và những câu hỏi sẽ còn cần bàn tiếp.
 
T.Như - C.Anh
Ảnh: Hoàng Long

    nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ