A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhập nhèm đào tạo trung cấp chuyên nghiệp

08:24 | 02/02/2015

Vừa qua, hàng chục sinh viên Trường Trung cấp Bách nghệ Thanh Hóa - Phân hiệu tại Dak Lak đã đồng loạt làm đơn xin chuyển trường do những bất cập trong công tác đào tạo tại đây.

Hỏi đến đâu... hứa chấn chỉnh đến đó

Trong đơn “kêu cứu” gửi Vụ Trung học chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), 45 học sinh viên ngành Y sĩ Trường trung cấp Bách nghệ Thanh Hóa khẩn thiết xin được chuyển trường. Lý do nổi cộm mà số sinh viên trên đưa ra là nhà trường đã nhập nhèm trong các khoản thu ngoài học phí; không bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ việc học do phụ thuộc vào phòng học của Trường Đại học Tây Nguyên và đặc biệt là học ngành y nhưng thời gian thực hành, thực tập quá ít, quá sơ sài khiến kiến thức nắm bắt được không thể bảo đảm để phục vụ cộng đồng sau khi ra trường. Theo đó, ngoài tiền học phí 4,5 triệu đồng/kỳ thì trường còn buộc sinh viên nộp nhiều khoản chi phí khác. Đặc biệt, trường buộc mỗi sinh viên đóng từ 704.000 đồng đến 880.000 đồng/kỳ thực tập lâm sàng (mỗi khóa đi thực tập 5 lần). Vấn đề ở chỗ, phải đóng tiền thực tập lâm sàng, nhưng sinh viên phải hoàn toàn tự "bơi". Sinh viên N.T.H (lớp Y3GT) cho biết, trong quá trình thực tập, sinh viên không được giáo viên đến hướng dẫn hoặc giải quyết các việc phát sinh tại bệnh viện. Nguy hiểm hơn, việc thực hành, thực tập tại các bệnh viện đều không có bác sĩ, điều dưỡng hướng dẫn mà chỉ đứng nhìn cho có chứ không hề được “thực tập”. Cùng bức xúc trên, sinh viên B.V.N (lớp Y3GT) cho hay, sau một tháng đi thực tập học phần Điều dưỡng cơ bản và Kỹ thuật điều dưỡng (có 32 mục yêu cầu đánh giá thực hiện chỉ tiêu tay nghề), nhưng N và các bạn cũng chỉ được nhìn các y tá thực hiện 3 thao tác "tháo thụt, thụt giữ", “đặt thông dạ dày và hút dịch dạ dày, tá tràng” và “rửa dạ dày”. Các mục yêu cầu đánh giá thực hiện chỉ tiêu tay nghề còn lại N chưa hề được thấy, chứ đừng nói đến việc thực hiện. Trả lời những vấn đề trên, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách nghệ Thanh Hóa, Phó phân hiệu tại Dak Lak Lê Bá Khanh cho biết, nhà trường cũng đã nhận được phản ánh của sinh viên và đang trong quá trình giải quyết. Về vấn đề sinh viên phải nộp tiền đi thực tập, nhà trường thu như vậy nhằm giảm gánh nặng phải nộp một lần nhiều tiền cho sinh viên và mức thu như vậy là còn thấp hơn nhiều trường trung cấp khác. Về việc tại sao sinh viên đã phải đóng tiền để đi thực tập nhưng chỉ đứng nhìn, có bệnh viện khi nghe tin sinh viên của trường đến thực tập còn không nhận..., ông Khanh cho rằng đó là do quá trình phối hợp giữa trường và bệnh viện chưa nhịp nhàng. Ông Khanh hứa: “Tới đây, nhà trường sẽ làm việc lại với các bệnh viện đưa sinh viên đi thực tập để các em được thực hành nhiều hơn”. Còn việc lịch học của sinh viên phụ thuộc vào việc sắp xếp phòng học của Trường Đại học Tây Nguyên, ông Khanh cũng hứa, đã làm việc lại với Trường Đại học Tây Nguyên và trong thời gian đến sẽ không còn tái diễn tình trạng trên.

Cần sớm chấn chỉnh

Tiếng là "liên kết đào tạo", nhưng Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên Nguyễn Tấn Vui cho biết, Trường Đại học Tây Nguyên chỉ giữ lại 20% tổng số học phí/năm là tiền cho thuê cơ sở vật chất. Tuy nhiên, trên tinh thần liên kết, Trường Đại học Tây Nguyên còn hỗ trợ công tác coi thi, thanh tra thi, lên lịch sắp xếp phòng học hợp lý để tạo điều kiện cho sinh viên Trường Trung cấp Bách nghệ Thanh Hóa học tập. Điều đáng nói ở đây là trong thông báo tuyển sinh của Trường Trung cấp Bách nghệ Thanh Hóa - Phân hiệu tại Dak Lak, vai trò hay nói đúng hơn là "cái bóng" của Trường Đại học Tây Nguyên là rất lớn. Chẳng hạn ở mục "địa điểm và cách thức nhận hồ sơ" được thể hiện theo thứ tự: Phòng đào tạo đại học - Trường Đại học Tây Nguyên; Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ - Trường Đại học Tây Nguyên; Phân hiệu Trường Trung cấp Bách nghệ Thanh Hóa tại Dak Lak, số 567 đường Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột (địa chỉ của Trường Đại học Tây Nguyên). Rồi thì phần “Ghi chú” có nội dung: Học sinh sau khi tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp của nhà trường sẽ được học liên thông lên đại học tại Trường Đại học Tây Nguyên. Với cách trình bày trên, cộng với chữ ký của Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên trong thông báo tuyển sinh thì không ít học sinh và phụ huynh đã bị lầm khi đăng ký theo học.

Theo sở GD-ĐT, trên địa bàn tỉnh hiện có 11 trường, phân hiệu trường, cơ sở có đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, chia theo 9 nhóm, khối ngành, trong đó có 5 phân hiệu ngoài công lập và đáng nói là tình trạng các trường trung cấp hiện nay mở ra và đào tạo tại Dak Lak rất bát nháo. Việc mở trường, phân hiệu, xin thêm mã ngành, chỉ tiêu tại những đơn vị này rất dễ dàng. Biết là vậy, nhưng công tác quản lý đang gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề này đã đến lúc báo động bởi không chỉ ảnh hưởng đến bản thân các sinh viên mà chất lượng đào tạo không bảo đảm còn ảnh hưởng đến chất lượng lao động của địa phương nói riêng, đất nước nói chung khi kiến thức ấy theo họ trong suốt quá trình công tác sau này.

Quốc Anh

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ