A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

“Trận đánh lớn” sau hơn nửa thế kỷ “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”

14:07 | 10/03/2015

Sự khẳng định quyết liệt của vị “tư lệnh” ngành Giáo dục khi ví von lần cải cách này là một “trận đánh lớn” đang làm dấy lên hy vọng về một sự thay đổi toàn diện nền giáo dục nước nhà.

Đã hơn 60 năm kể từ ngày Hồ Chủ tịch ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” ngày 11/6/1948. Trong ba mục đích của lời kêu gọi ấy “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” thì mục đích thứ ba đã hoàn thành, mục đích thứ nhất cũng đã hoàn thành về cơ bản, chỉ còn mục đích thứ 2 “diệt giặc dốt” vẫn còn đang mò mẫm trong những “trận chiến” lớn, nhỏ của ngành Giáo dục suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Hơn 60 năm sau lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch, đã có không biết bao nhiêu cuộc cải cách diễn ra, thậm chí trong những năm gần đây, mỗi năm lại là một lần cải cách. Từ cải cách sách giáo khoa, cải cách phương thức giảng dạy, cải cách trong thi cử cho đến cải cách quản lý…. Mỗi năm đều có những báo cáo “thành tích” của ngành giáo dục với những “dấu son” trong phần kết luận. Tuy nhiên, Giáo dục Việt Nam khi đem ra so sánh với thế giới thì vẫn chỉ là một nền giáo dục “thấp kém và tụt hậu”. Nghĩ cũng thấy buồn!

Cận kề mùa thi 2014 - 2015, những cải cách, mà theo lời những người lãnh đạo ngành giáo dục nước nhà, là bước đột phá trong thi cử và được ví von như một “trận đánh lớn” của Ngành. Kết quả của “trận đánh” này và sự “ra quân” quyết liệt của ngành giáo dục liệu có mang lại một chiến thắng hoàn hảo, liệu có mang lại một sức sống thực sự mạnh mẽ, tương xứng để giáo dục Việt Nam có thể sánh vai các nền giáo dục trên thế giới hay không? Câu trả lời vẫn đang còn ở phía trước!

Sĩ tử đang loay hoay theo những

Sĩ tử đang loay hoay theo những "trận đánh" của ngành Giáo dục 
(Hình chỉ mang tính chất minh hoạ). Ảnh: ITN

Còn những người dân, những sỹ tử tham gia cùng trong “trận đánh lớn” ấy sẽ ra sao? Và quan trọng hơn cả, sau “trận đánh lớn” này, chất lượng giáo dục của Việt Nam liệu có khá hơn, hay lại như những “trận đánh nhỏ” đã diễn ra trong suốt những năm qua của ngành Giáo dục?.

Người dân cả nước đang trông chờ, hy vọng vào kết quả khả quan của ngành Giáo dục, bởi ai cũng hiểu rằng giáo dục là công cụ để thay đổi số phận của cá nhân, gia đình, của quốc gia - dân tộc. Mục tiêu Giáo dục Việt Nam đã được quy định rõ trong Điều 2, Luật Giáo dục là: Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu cải cách giáo dục thành công sẽ tạo nên một xã hội Việt Nam với những con người mới có đủ mọi năng lực cần thiết để xây dựng một Việt Nam “sánh vai các cường quốc 5 châu” như Bác Hồ hằng mong đợi.

Con người là gốc rễ của mọi quốc gia, dân tộc. Giáo dục lại là gốc rễ để tạo nên con người. Một nền giáo dục mạnh, phù hợp và tương xứng sẽ tạo nên nền móng chắc chắn, bền vững cho sự hưng thịnh của một quốc gia. Mong rằng, kết quả của sự quả quyết ấy sẽ không lặp lại như những “trận đánh” khác của ngành trong suốt những năm vừa qua.

Vũ Thanh

    nguồn: langvietonline.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ