A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thúc đẩy khai thác khách du lịch đến từ phía Bắc

13:59 | 26/01/2016

Nếu như với khách nước ngoài, du khách đến từ nước Nga, Pháp được coi là thị trường chiến lược của ngành du lịch Đắk Lắk thì với du lịch nội địa, ...

... lượng khách từ phía Bắc được xác định là lượng du khách đầy tiềm năng cần thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho hay, Tây Nguyên hoang sơ, kỳ vĩ, có nhiều cảnh đẹp, rất thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, cộng với nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc… hứa hẹn là điểm đến khá hấp dẫn đối với du khách phía Bắc. Đặc biệt, giao thông hiện đã thuận lợi hơn trước rất nhiều, đây là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh lượng khách ở thị trường này.

Một trong những tiền đề quan trọng để kích thích du khách cả nước đến với Đắk Lắk, khám phá Tây Nguyên là việc mở thêm các tuyến đường bay mới. Ông Cấn Đình Chính, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho hay, hiện nhiều tỉnh phía Bắc như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng… đều có đường bay đến Đắk Lắk; trung bình một ngày Cảng hàng không Đắk Lắk có 11 chuyến bay đến và 11 chuyến đi, với sức chuyên chở khoảng 2.200 lượt khách. Điều này thật sự thuận lợi để thúc đẩy lượng khách giữa các vùng này đến với địa phương. Ông Chính cũng thông tin thêm, hiện đang có phần lớn người dân từ các tỉnh phía Bắc như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… đến lập nghiệp, sinh sống tại Đắk Lắk. Với lượng người xa quê khá đông như vậy, đó sẽ là kênh kết nối thuận lợi để đẩy mạnh giao thương, du lịch giữa các tỉnh. Nếu như  trước đây, khách ở vùng này thường du lịch nhỏ lẻ, gia đình thì gần đây, lượng khách đi theo đoàn, trong đó, đoàn trên 10 người đã tăng lên khá nhiều.

Đoàn khách phía Bắc đến tham quan, khảo sát du lịch  tại Trung tâm du lịch Buôn Đôn.

Đoàn khách phía Bắc đến tham quan, khảo sát du lịch tại Trung tâm du lịch Buôn Đôn.

 Cho đến nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) lữ hành du lịch nào của tỉnh cũng có xu hướng khai thác lượng khách đến từ Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc khác. Một DN hoạt động lữ hành du lịch của tỉnh chia sẻ, dòng khách ở khu vực này đặc biệt ưa thích việc khám phá Tây Nguyên, khả năng chi tiêu của khách cao và tiềm năng với thị trường này là rất lớn. Dẫn chứng tiêu biểu cho sự hấp dẫn đối với thị trường phía Bắc là qua những lần tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, hầu như các khách sạn, nhà nghỉ đều kín phòng, rất nhiều công ty du lịch bán được tour và cho hay, sự kiện này “đắt tour” hơn hẳn nhiều sự kiện khác diễn ra trong cả nước.

Với mục tiêu thúc đẩy du khách từ phía Bắc, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động quảng bá tích cực để chủ động tiếp cận thị trường này. Nhiều chương trình tọa đàm, xúc tiến, khảo sát du lịch liên tục được tổ chức trong thời gian gần đây là một trong những bước đi quan trọng, cần thiết để thúc đẩy hoạt  động này. Cùng với đó, việc đón các đoàn Famtrip là hoạt động thiết thực nhất để các doanh nghiệp trong ngành khảo sát, kết nối tour, tuyến tổ chức đưa khách đến với Đắk Lắk nhiều hơn. Bà Vũ Thị Cúc, Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch quốc tế Hiền Nghị (tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ, khách du lịch phía Bắc do đơn vị tổ chức tour thường có xu hướng tìm về với những nét hoang sơ, kỳ vĩ của đại ngàn. Thay vì chọn điểm dừng chân là Đà Lạt như trước đây thì nay khách thường có xu hướng chọn Đắk Lắk làm điểm đến lý thú để thưởng ngoạn phong cảnh và thưởng thức ẩm thực. Hai tháng trở lại đây, số tour đăng  ký có trạm dừng chân ở Đắk Lắk tăng đáng kể, nhiều nhất phải kể đến tuyến Thanh Hóa – Vinh - Buôn Ma Thuột ngày 3 đêm với lượng khách có lúc lên đến từ 30-50 người. Trên đà đó, đoàn Famtrip đến tham quan, khảo sát và tìm hiểu sản phẩm du lịch tại Đắk Lắk được tổ chức hồi trung tuần tháng 12 vừa qua, bà cũng dành thời gian tham gia với mục đích chính  trong chuyến đi này là làm tiền trạm để tiếp tục đưa khách đến với địa phương.

Nét đặc trưng của vùng miền là lợi thế càng làm nên sự kích thích với du khách phía Bắc. Thực tế cho thấy, thời gian qua, ngành du lịch địa phương đang có nhiều thay đổi đáng kể để làm hài lòng du khách. Lượng khách đến Đắk Lắk không ngừng tăng lên theo các năm, theo thống kê, trung bình mỗi năm, du lịch Đắk Lắk đón 500.000 lượt khách đến tham quan. Riêng năm 2015, toàn tỉnh đón 560.000 lượt khách, tuy nhiên, với khách nội địa, chiếm phần lớn vẫn là khách đến từ các tỉnh, thành phía Nam, do đó, việc thúc đẩy khách đến từ miền Bắc được coi là chiến lược quan trọng của ngành du lịch trong thời gian đến.

Tuy nhiên, theo nhiều DN trong ngành, khách phía Bắc thường có xu hướng ưa chuộng nét bản địa, thuần túy hoang sơ và có phần “khó tính” trong việc chọn lựa các dịch vụ đi kèm, do đó, không thể xem nhẹ các “chi tiết” trong hệ thống dịch vụ dù là nhỏ nhất để “lấy điểm” du khách. Chẳng hạn, khách khu vực này thường dành nhiều cảm tình với các hướng dẫn viên, phục vụ trong trang phục truyền thống của đồng bào bản địa, khách thích có thêm dịch vụ thuê trang phục thổ cẩm chụp ảnh lưu niệm, và tỏ ra hào hứng với việc giới thiệu nét văn hóa, cảnh đẹp của địa phương thông qua các câu chuyện truyền thuyết… Vì thế, nếu “hiểu” tất cả những điều trên và “chiều” được đối tượng khách này thì việc mở rộng thị trường của ngành du lịch địa phương trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc…

 Đỗ Lan

 

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ