A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bình đẳng là không cần đòi hỏi

08:51 | 08/03/2018

Tuyên ngôn về Quyền bình đẳng của phụ nữ được công bố tại Hội nghị Copenhagen (Đan Mạch) năm 1910.

 Hơn một thế kỷ sau, nhân loại ở thế kỷ 21 vẫn còn đang phấn đấu để chống lại nhiều thứ bất công, trong đó có bất bình đẳng giàu – nghèo, có phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng giới. Để thấy, để đạt được bình đẳng giới còn phải phấn đấu lâu dài.

Tồn tại những bộ phận phụ nữ yếu thế phải chịu thiệt thòi, chịu bất bình đẳng

Trong Tuyên ngôn đó, lần đầu tiên vấn đề bình đẳng cho phụ nữ đi làm việc được đặt ra với các nguyên tắc cơ bản: “Làm việc ngày 8 tiếng (để có thời gian chăm sóc gia đình); giờ làm ngang nhau thì tiền công phải được trả ngang nhau; Phụ nữ lao động có con nhỏ phải được dành thời gian cho con bú”... Hơn một trăm năm qua, nhân loại đã đạt được những thành tựu lớn hơn về bình đẳng giới. Có thể nói bản thân phụ nữ và các nhà hoạt động nữ quyền bằng hành động cụ thể đã chứng minh vai trò của người phụ nữ và đấu tranh mang lại sự thay đổi đầy ý nghĩa xã hội.

Người ta có thể kể ra những con số mà nhân loại qua một thế kỷ đã đạt được như cả thế giới đã có con số hàng chục nữ tổng thống, nữ thủ tướng và hàng trăm nữ bộ trưởng, thứ trưởng... Những nước Bắc Âu được đánh giá là nơi có tỉ lệ phụ nữ tham gia các cơ quan lập pháp cao nhất thế giới, chiếm 41,4%, Rwanda được đánh giá là nước có Quốc hội cân bằng giới nhất trên thế giới với tỉ lệ nữ chiếm 56,3%. Tiếp đến là Thụy Điển với 47%, Cuba 43,2%, Phần Lan 41,5%... Riêng ở Việt Nam đã có những khóa Quốc hội đạt tới tỉ lệ xấp xỉ ngưỡng 30%  phụ nữ trong Quốc hội...

Trong một hội nghị các nữ nghị sỹ diễn ra đầu năm 2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là chính sách nhất quán của Việt Nam. Hiến pháp Việt Nam và Luật Bình đẳng giới đã ghi nhận quyền bình đẳng về mọi mặt của công dân nam và nữ. Cũng tại Hội nghị này, bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song khi thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thế giới vẫn đối mặt với tồn tại, thách thức. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, phân biệt đối xử theo giới vẫn tồn tại trong xã hội và trong cả những quy định của pháp luật. Khoảng cách giới vẫn còn lớn trong cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, lao động, thu nhập. Phụ nữ chỉ chiếm thiểu số trong mọi cấp hoạch định chính sách trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội. Bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em là một vấn nạn…

Vậy là trải qua hàng thế kỷ, bình đẳng giới vẫn là vấn đề của nhân loại, là một nước Á đông, đó càng là vấn đề của Việt Nam. Bà Brita Fernandez Schmidt - Giám đốc các chiến dịch của Tổ chức Phụ nữ vì phụ nữ - đã từng có lần khẳng định: Cuộc chiến bình đẳng giới sẽ là đặc trưng của thế kỷ 21.

Ở Việt Nam, điều đáng nói là cho đến hiện nay đang tồn tại những cách quan niệm lệch lạc về bình đẳng giới. Một mặt thì tồn tại những bộ phận phụ nữ yếu thế phải chịu thiệt thòi, chịu bất bình đẳng như làm công việc nặng nhọc, bị bạo hành, không được tiếp cận giáo dục và y tế, thụ động và phụ thuộc về kinh tế… Mặt khác, lại tồn tại cách hiểu quá đà về bình đẳng giới, mặc định coi phụ nữ là cần được ưu tiên, chiếu cố hoặc khiến phụ nữ trở thành đáng thương khi trở thành những người đòi hỏi và trông chờ sự quan tâm của người khác…

Có một câu hỏi được đặt ra: “Sự bất bình đẳng do người khác gây ra cho phụ nữ hay do chính bản thân phụ nữ muốn như thế?”. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, phụ nữ có đóng góp một phần đáng kể vào tình trạng bất bình đẳng giới. Trong đó, truyền thông về bình đẳng giới vì nhiều lý do trong đó bao gồm cả nhận thức sai về bình đẳng giới, đã vô tình dẫn đến những định kiến. Ví dụ quan niệm bình đẳng là khi phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đây là cách hiểu vừa gán cho phụ nữ “thiên chức việc nhà”, lại vừa mặc định phụ nữ phải thành đạt, phải giỏi việc xã hội mới là có bình đẳng. Nhận thức chỉ có đàn ông mới gắn với sự nghiệp cũng đang mặc định một gánh nặng “thành đạt” lên vai người đàn ông và tước đi của họ niềm vui thú vị mà những “việc nhà” nhỏ nhặt hàng ngày đem lại. Cũng như nhiều người phụ nữ không cần thành đạt ngoài xã hội mà họ vẫn có bình đẳng, chỉ cần họ hạnh phúc và được tôn trọng khi làm việc nhà là đã đảm bảo có bình đẳng giới, và đó là lựa chọn của họ.

Có rất nhiều người phụ nữ cảm thấy hạnh phúc khi họ nấu ăn, khi họ chăm sóc con cái. Cho nên, khi nghiên cứu hoặc truyền thông về bình đẳng giới không thể cứ tiếp tục đem tiêu chí bao nhiêu phần trăm đàn ông nấu ăn hay chăm sóc con cùng vợ ra để làm thước đo cho chỉ số về bình đẳng giới. Một xã hội đạt tới bình đẳng giới hoàn toàn là khi phụ nữ được là chính họ, hạnh phúc với lựa chọn của họ.
Nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư đã từng viết rất hay đại ý rằng, việc phụ nữ tụ tập rủ nhau ngồi quán bia, tự huyễn hoặc là mình đã được coi trọng, đã được giải phóng là đang dần đánh đồng ý nghĩa của “giải phóng” với “nổi loạn”, “đòi quyền lợi”…

Cho nên, để có bình đẳng giới thực sự, cần có nhận thức đúng và đủ của toàn xã hội về bình đẳng giới. Mà cần thiết nhất là bắt đầu từ trong nhà trường, ở những cấp học nhỏ nhất, trong việc giáo dục kỹ năng sống. Để các em từ nhỏ đã mặc nhiên thấy sự công bằng giữa những em trai và em gái.

Và phụ nữ, trước khi bỏ được định kiến từ đàn ông, từ cộng đồng, phải bỏ được định kiến của chính phụ nữ.

Cẩm Anh

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ