A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Buôn lậu, gian lận thương mại gia tăng trên địa bàn tỉnh

15:41 | 02/08/2016

Bằng nhiều thủ đoạn và phương thức khác nhau, hàng lậu, hàng giả, nhái, hành vi gian lận thương mại (GLTM)… vẫn diễn ra hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh, gây nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh nhận định, tình hình buôn lậu, GLTM và hàng giả trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, phạm vi hoạt động cũng rộng hơn ở nhiều lĩnh vực. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 1.600 vụ vi phạm, trong đó có trên 857 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu, 740 vụ GLTM, 3 vụ hàng giả, tiến hành xử phạt hành chính trên 21,3 tỷ đồng, truy thu nộp  ngân sách Nhà nước gần 25 tỷ đồng. Hàng nhập lậu, hàng giả chủ yếu là rượu ngoại, thuốc lá, hàng may mặc, mỹ phẩm, túi xách, đồ điện tử…

So với cùng kỳ năm trước, số vụ vi phạm tăng 37 vụ, mức độ và các hành vi vi phạm cũng nghiêm trọng hơn, theo đó, số tiền thu được qua xử lý tăng gần 30,5 tỷ đồng. Đáng nói hơn, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức  năng của tỉnh đã khởi tố hình sự 20 vụ với 19 đối tượng liên quan. Ông Nguyễn Đào Chí, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho hay, gian thương thường có nhiều thủ đoạn để vận chuyển hàng lậu, hàng giả tinh vi hơn trước rất nhiều, như cất giấu trên mui xe khách, trong ca bin xe tải hoặc trà trộn, vùi sâu trong hàng hóa có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng giả, hàng cấm trên địa bàn diễn ra chủ yếu trên khâu lưu thông, đặc biệt ở các tuyến quốc lộ 14, 26, 27… Hầu hết những vụ việc được phát hiện vào đêm khuya, rạng sáng hoặc những ngày nghỉ lễ, tết, đây là thời điểm mà đối tượng vi phạm thường chọn để vận chuyển nhằm qua mặt sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Thịt động vật không rõ nguồn gốc được Chi cục Quản lý thị trường tỉnh phát hiện, tiêu hủy.

Thịt động vật không rõ nguồn gốc được Chi cục Quản lý thị trường tỉnh phát hiện, tiêu hủy.

Nổi lên trong đó là tình trạng kinh doanh xăng dầu, thuốc lá điếu nhập lậu, vận chuyển động vật không rõ nguồn gốc - đây đều là những mặt hàng có sức tiêu thụ cao, lợi nhuận lớn. Điển hình như giữa tháng 1- 2016, Chi cục QLTT tỉnh bắt quả tang Công ty TNHH TVP (tại thị xã Buôn Hồ) kinh doanh 2.000 lít dầu D.O và 14.900 lít xăng A92 nhập lậu. Tiếp đó, ngày 25-1, đơn vị này lại tiếp tục phát hiện Công ty TNHH hóa dầu Bình Triệu (có địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh) cũng có hành vi kinh doanh xăng, dầu nhập lậu với số lượng 22.000 lít. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tịch thu số hàng và phạt hành chính hai doanh nghiệp trên tổng cộng 180 triệu đồng. Hay như vụ bắt quả tang ôtô khách mang BKS 47B-016.06 vận chuyển 1.300 bao thuốc lá Jet nhập lậu, chạy hướng Gia Lai - Buôn Ma Thuột đang trên đường về Đắk Lắk tiêu thụ, được Đội QLTT số 4 (thuộc Chi cục QLTT) phát hiện và đã xử phạt hành chính 225 triệu đồng.

Trên thực tế, thời gian qua, ngoài vai trò chủ công của Chi cục QLTT, trên thị trường nội tỉnh còn có sự phối hợp tích cực của các cơ quan  hữu quan và địa phương trong tỉnh để trao đổi, nắm bắt thông tin, tìm kiếm giải pháp ngăn chặn và phòng chống buôn lậu, GLTM… một cách hiệu quả, nhờ vậy, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn được nhiều hành vi vi phạm của gian thương. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn, do lực lượng chuyên trách mỏng, địa bàn rộng, trong khi đó gian thương không ngừng thay đổi phương thức hoạt động, thủ đoạn đối phó tinh vi gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng. Thêm nữa, về nguyên nhân chủ quan, việc kiểm tra, kiểm soát tình hình buôn lậu, GLTM… đôi khi còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa đánh trúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu, đầu nậu lớn, bản thân các DN sản xuất, kinh doanh chân chính chưa thật sự chủ động phối hợp, cung cấp thông tin liên quan đến gian thương với cơ quan quản lý Nhà nước…

Để công tác đấu tranh với vấn nạn buôn lậu, hàng giả, nhái, GLTM trên địa bàn tỉnh thời gian tới đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo 389 của tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng trên địa bàn cần tập trung kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên trên các tuyến quốc lộ, nhất là đối với các mặt hàng liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, thực phẩm đóng gói, hàng hóa đang có nhu cầu và sức tiêu thụ lớn trên địa bàn như phân bón, xăng dầu. Cùng với đó, chủ động bám sát địa bàn, chú trọng tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân trong tỉnh về phòng, chống buôn lậu...

Đỗ Lan

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ