A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn

09:48 | 03/05/2017

Trước sự phức tạp của thị trường phân bón giả, kém chất lượng, các cơ quan chức năng của tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nhằm từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này đi vào nền nếp.

Phân bón là mặt hàng có sức tiêu thụ lớn trên địa bàn tỉnh, nhất là vào mùa mưa. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.100 cửa hàng kinh doanh phân bón (trong đó có 250 đại lý lớn) và có 12 doanh nghiệp (DN) sản xuất, gia công phân bón vô cơ đã được Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cấp phép với các chủng loại phân bón gồm phân trung lượng, vi lượng, trung vi lượng, phân bón lá, hỗn hợp bón rễ NPK các loại.

 Ông Nguyễn Đào Chí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết, thị trường phân bón trong tỉnh khá đa đạng về chủng loại, giá cả nên cũng kéo theo đó không ít phức tạp, khó lường. Vì chạy theo lợi nhuận một số đại lý phân phối cố tình đưa ra thị trường phân bón kém chất lượng, không bảo đảm hàm lượng dinh dưỡng theo quy định… Từ đó, gây ra nhiều thiệt hại cho người nông dân và môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thời gian qua, vi phạm phổ biến trong kinh doanh phân bón trên địa bàn thường rơi vào các lỗi như không chấp hành đúng các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, hóa đơn, chứng từ, ghi nhãn hàng hóa…

Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra việc kinh doanh phân bón tại xã Ea Lê, huyện Ea Súp.

Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra việc kinh doanh phân bón tại xã Ea Lê, huyện Ea Súp.

Theo thông tin từ Cục QLTT (Bộ Công thương), ước tính mỗi năm lực lượng QLTT trong cả nước xử lý trên 3.000 vụ vi phạm, thu giữ gần 1.000 tấn phân bón các loại. Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng xác định, trong năm 2017, phân bón và xăng dầu là hai mặt hàng phải được chú trọng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, trong đó, trọng điểm là đối tượng DN sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân bón vô cơ. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh; chất lượng phân bón vô cơ;  ghi nhãn hàng hóa theo quy định…

Năm 2016, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện 19 vụ vi phạm  trong kinh doanh, vận chuyển phân bón, tịch thu và phạt hành chính gần 800 triệu đồng.

Tại Đắk Lắk, cơ quan chức năng vừa mở đợt cao điểm kiểm tra xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ (từ ngày 10 đến 31-3) đối với 11/12 DN. Qua đó, đã phát hiện 4 vụ vi phạm với các lỗi: xưởng sản xuất phân bón không có nội quy sản xuất, quy trình vận hành, biển chỉ dẫn, cảnh báo tại vị trí các dây chuyển sản xuất; xếp, để sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với nền nhà, mặt đất mà không kê lên kệ; nguyên liệu sản xuất là hàng nhập khẩu nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt…, đã xử phạt hành chính tổng cộng 32 triệu đồng.

Qua kiểm tra, đơn vị chức năng cũng phát hiện một số DN chưa bảo đảm đủ điều kiện trong sản xuất phân bón vô cơ, vi phạm về ghi nhãn hàng hóa như thiếu thông tin cảnh báo an toàn, tên gọi của sản phẩm...

Để bảo vệ nông dân trước vấn nạn phân bón kém chất lượng, hằng năm, ngành Công thương tỉnh đều mở các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này. Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Đào Chí, dự báo vào mùa mưa này, nhu cầu sử dụng phân bón sẽ tăng cao đột biến nên tình trạng vi phạm càng có cơ hội gia tăng. Vì vậy, ngay từ bây giờ, Chi cục QLTT tỉnh đang ráo riết thực hiện kiểm tra, kiểm soát, nhất là ở khâu lưu thông, các phương tiện vận chuyển trên các tuyến quốc lộ, cử các đội bám sát địa bàn, xây dựng nguồn tin cơ sở… bảo đảm công tác kiểm tra, ngăn chặn có hiệu quả. 

Đỗ Lan

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ