A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhiều thực phẩm chức năng bị “thổi phồng” công dụng chữa bệnh

08:02 | 30/10/2019

Dù cơ quan quản lý đã có chế tài xử lý nghiêm những vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng trên nhiều trang web vẫn nhan nhản các thông tin quảng bá thực phẩm chức năng có nội dung lừa dối người tiêu dùng

Trên nhiều trang mạng xã hội, công dụng của nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) đang được "thần thánh hóa" với công dụng như thuốc trị bách bệnh. PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, cho biết theo Luật ATTP năm 2010, TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học.

Quảng cáo gây hiểu nhầm

Tuy nhiên, liên tục trong thời gian qua, Cục ATTP đã phát hiện nhiều vi phạm quảng cáo TPCN với nội dung lừa dối, gây hiểu nhầm có khả năng chữa bệnh, đặc biệt là với các sản phẩm dành cho những bệnh nhân mắc đái tháo đường, tim mạch, ung thư, xương khớp. Nhiều sản phẩm được quảng bá với nội dung quá mức, trong đó có sản phẩm tăng cường sức khỏe nam giới. "Khi kiểm tra các doanh nghiệp (DN) sản xuất TPCN, sai phạm chủ yếu mà DN mắc phải là quảng cáo TPCN gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh; quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; quảng cáo công dụng không đúng với hồ sơ đã công bố. Việc quảng cáo với nội dung lừa dối có thể khiến người bệnh mất cơ hội điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ, mất cơ hội được điều trị bằng phác đồ chính thống của các bác sĩ chuyên khoa" - ông Nguyễn Thanh Phong lo ngại.

Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, cho biết TPCN có tác dụng hỗ trợ, làm giảm các triệu chứng của bệnh, tăng cường các chức năng của một bộ phận hoặc toàn bộ cơ thể hay phòng ngừa bệnh tật. Dùng TPCN không thay thế được thuốc. Thuốc được chỉ định của bác sĩ, phải sử dụng đúng liều, đúng phác đồ, đúng liều lượng. Còn TPCN chỉ nhằm hỗ trợ quá trình điều trị, nâng cao thể trạng, sức đề kháng cho người bệnh. Trong trường hợp phòng ngừa thì nên sử dụng TPCN với liều lượng nhỏ và duy trì lâu dài để ngăn ngừa bệnh tật và phòng tránh một số bệnh.

Cảnh báo của Cục An toàn Thực phẩm về sai phạm trong quảng cáo TPCN

Kiểm soát chặt hơn về chất lượng

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, hơn 70% sản phẩm TPCN lưu hành trên thị trường Việt Nam là trong nước sản xuất, hơn 20% là nhập khẩu. TPCN chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh, hoàn toàn không được quảng cáo, ghi nhãn công dụng là điều trị, thay thế thuốc chữa bệnh, không được dùng hình ảnh, uy tín, danh nghĩa của cán bộ y tế, của cơ sở y tế để quảng cáo. TPCN trước khi lưu thông trên thị trường phải được đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, khi công bố công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm đó, các vitamin, khoáng chất bổ sung vào thực phẩm bảo vệ sức khỏe không được vượt quá ngưỡng dung nạp theo quy định của Bộ Y tế. TPCN trước khi quảng cáo phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo những nội dung đã được thẩm định. "Các quy định trên nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng TPCN và ngăn chặn việc quảng cáo lừa dối người tiêu dùng" - ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Công ty Nam Dược là một trong những cơ sở đạt tiêu chuẩn GMP

Bộ Y tế cũng quy định từ ngày 1-7-2019, các sản phẩm TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong nước và nhập khẩu phải được sản xuất tại cơ sở được chứng nhận GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nhằm bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất), những cơ sở không đủ điều kiện sản xuất phải đóng cửa. Điều này giúp loại bỏ những sản phẩm không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng ra khỏi thị trường. Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết sau hơn 2 tháng triển khai áp dụng GMP trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, TPCN, tính đến thời điểm này, cả nước đã có khoảng 100 cơ sở đạt GMP. Hiện tại, mỗi ngày, Cục ATTP tiếp nhận khoảng 10-15 sản phẩm đăng ký bản công bố sản phẩm, có ngày không tiếp nhận sản phẩm nào. Điều này đang chứng minh các sản phẩm kém chất lượng, không an toàn sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường. Trước đó, khi chưa áp dụng quy định đạt GMP, nước ta có khoảng trên 4.000 cơ sở sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Nhiều sản phẩm được quảng cáo thổi phồng công dụng, bán với giá "trên trời", khiến người dân tưởng nhầm là thuốc chữa bệnh.

Liên quan đến lộ trình thực hiện các tiêu chuẩn để đạt GMP của những DN sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế khẳng định Cục ATTP hỗ trợ tối đa các DN trong việc hoàn thiện hồ sơ để thẩm định đạt tiêu chuẩn GMP trong sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. “Chúng ta có nhiều cơ sở sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe tốt thì sẽ có nhiều sản phẩm tốt phục vụ người tiêu dùng, cũng sẽ loại bỏ đi dần những sản phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn” - ông Nguyễn Thanh Phong nói.
 
Bài và ảnh: Khánh Anh

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ