A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Campuchia quyết ghi dấu ấn!

15:39 | 05/05/2023

Sau hơn 60 năm chờ đợi cùng với khoảng 10 năm chuẩn bị, tối nay (5/5), lễ khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) sẽ diễn ra tại sân vận động Morodok Techo ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia.

Đây là sự kiện thể thao lớn nhất mà Campuchia lần đầu đăng cai tổ chức.
 

1. Trong 3 nước Đông Dương, Việt Nam đăng cai SEA Games đầu tiên, từ năm 2003. Đấy cũng là thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn, song bằng nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã tổ chức một kỳ SEA Games thành công, an toàn, tạo tiền đề để lần thứ hai SEA Games về Việt Nam vào năm 2022. Năm 2009, Lào lần đầu tiên đăng cai đại hội thể thao khu vực và cũng đã để lại rất nhiều dấu ấn, tạo đà cho những bước phát triển về sau.

Campuchia đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ rằng họ đủ năng lực để tổ chức, điều hành những sự kiện tầm cỡ quốc tế. Tổ hợp thể thao Morodok có quy mô bề thế đứng thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Bukit Jalil của Malaysia và gấp đôi tổ hợp Mỹ Đình của Việt Nam. Lễ khai mạc sẽ đạt tiêu chuẩn Olympic. Rõ ràng, Campuchia muốn giới thiệu đến bạn bè quốc tế những hình ảnh đẹp về văn hóa của đất nước và con người Campuchia, lan tỏa tinh thần như slogan SEA Games lần này: "Thể thao - Sống trong hòa bình".

Tổ hợp thể thao Morodok - niềm tự hào của chủ nhà Campuchia SEA Games 32

SEA Games 32 tổ chức thi đấu 37 môn với 586 nội dung. Có hơn 11.000 thành viên của các đoàn tới tham dự, với 3.500 người lưu trú ở các làng vận động viên, 2.000 người được bố trí ở các khách sạn 4 sao trở lên và ở gần khu vực thi đấu. Nước chủ nhà Campuchia tạo nên cú đột phá lớn nhất từ trước đến nay khi quyết định miễn toàn bộ chi phí ăn ở, di chuyển và miễn phí dịch vụ y tế cho các đoàn vận động viên trong suốt thời gian diễn ra Ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á; miễn phí vé xem lễ khai mạc, bế mạc và các môn thi đấu; miễn phí bản quyền truyền hình.

Có thể nói, đằng sau quyết định thoạt nhìn vào có cảm giác gây “sốc” đó, chủ nhà Campuchia lại cho thấy một tầm nhìn chiến lược, một cơ hội không thể tốt hơn để quảng bá hình ảnh đất nước, con người xứ sở chùa tháp... Thông thường, khi đăng cai một giải thể thao quy mô tầm khu vực, có số lượng vận động viên đông, thời gian kéo dài, nước chủ nhà đều có một nguồn thu từ các hoạt động lưu trú, dịch vụ ăn uống, du lịch, bán vé, hoạt động quảng cáo, bản quyền truyền hình... nhằm bù đắp vào chi phí tổ chức, đầu tư kết cấu hạ tầng. Song tại SEA Games này, chủ nhà Campuchia đã mạnh dạn gạt bỏ những lợi ích về kinh tế trước mắt, đưa ra một quyết định chưa có tiền lệ như trên. Gác lại một số ý kiến, góc nhìn thiển cận cho rằng nước chủ nhà dù nằm trong nhóm ba quốc gia có GDP thấp nhất Đông Nam Á (cùng với Lào và Đông Timor) đang “chơi nổi” thì đa phần ý kiến đều tỏ ra ngưỡng mộ và nhận định chủ nhà đang hướng đến một mục đích xa hơn nữa, như chính Thủ tướng Hun Sen khẳng định: “Chúng tôi cần một thứ to tát hơn, đó là thế giới thừa nhận Campuchia, biết về Campuchia”.

Mục tiêu, ý định rõ ràng của Campuchia là tranh thủ, tận dụng tối đa một “SEA Games miễn phí” để quảng bá, giới thiệu đưa hình ảnh tổ hợp Morodok – niềm tự hào của mình đến bạn bè khu vực, quốc tế để trong tương lai biến nơi đây trở thành điểm tham quan du lịch mà tất cả du khách khi có dịp đến du lịch ở đất nước chùa tháp không thể bỏ qua.

Đây là quyết định, hướng đi táo bạo, dùng SEA Games 32 để tạo một “cú hích” cho du lịch trong tương lai có tính lâu dài, bền vững hơn khi Campuchia không toan tính “thiệt đơn, thiệt kép” về kinh tế trước mắt. Được biết để đài thọ toàn bộ chi phí cho tất cả các đoàn thể thao dự SEA Games, với hơn 11.000 người, kinh phí mà Campuchia phải bỏ ra là rất lớn. Thử làm một phép tính đơn giản, chỉ một thành viên ăn ở trong một ngày là 50 USD (hơn 1,1 triệu đồng Việt Nam), mỗi ngày Campuchia sẽ phải chi 550.000 USD (tương đương khoảng 13 tỷ đồng). Trong khi đó, trung bình một thành viên tham dự SEA Games sẽ lưu trú khoảng 10 ngày, thì theo tính toán tài chính, trung bình Campuchia có thể sẽ phải chi ra chừng 130 tỷ đồng để miễn phí vấn đề ăn ở cho các đoàn thể thao dự SEA Games 32. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), GDP năm 2021 của Campuchia là 27 tỷ USD, như vậy chi phí cho SEA Games 32 của Campuchia chiếm 0,74% GDP cả nước.

Thật ra định hướng phát triển du lịch dài lâu thông qua hoạt động thể thao không phải là cách làm mới. Trước đó, nhiều quốc gia trên thế giới xem đây là chiến lược phát triển du lịch, họ tranh thủ vận động, tìm kiếm cơ hội để được đăng cai các giải đấu tầm quốc tế, như World Cup, Olympic, dù biết điều đó không hề dễ dàng và trước mắt chủ nhà phải bỏ ra một kinh phí khổng lồ để đầu tư, đáp ứng các tiêu chí. Họ quyết tâm làm điều đó bởi thông qua các sự kiện thể thao lớn, họ tập trung trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch, xúc tiến quảng bá, thay đổi hình ảnh về du lịch của đất nước mình, từ đó tạo nên đòn bẩy lớn cho phát triển ngành “công nghiệp không khói”, tăng trưởng kinh tế cả ngắn hạn và dài hạn.

Campuchia cũng học tập, đi theo hướng đó. Việc tổ chức một SEA Games 32 miễn phí không chỉ tạo ấn tượng thân thiện, sự mến khách cho các đoàn vận động viên mà còn là dịp để Campuchia thông qua đó gửi thông điệp, lời mời chào nồng nhiệt đến tất cả du khách không những trong khu vực Đông Nam Á mà còn trên thế giới đến khám phá, trải nghiệm đất nước chùa tháp trong tương lai.

2. SEA Games mục đích khởi thủy là ngày hội giao lưu thể thao các nước Đông Nam Á. Các nước đều đặt nặng thành tích, số lượng tham gia. Bước ra sân chơi châu lục và thế giới, thể thao các nước Đông Nam Á chưa để lại nhiều dấu ấn.

Tại SEA Games 32, đoàn thể thao Việt Nam tham dự với 1.003 thành viên; trong đó gồm trưởng đoàn, 2 phó đoàn, 30 cán bộ, 31 bác sĩ, 38 lãnh đạo, 10 chuyên gia, 189 huấn luyện viên và 702 vận động viên. Mục tiêu của thể thao Việt Nam là đứng trong tốp 3 nước có thành tích cao nhất tại SEA Games 32. Riêng môn bóng đá nam, nữ được giao chỉ tiêu bảo vệ hai tấm Huy chương Vàng đã giành được trong hai kỳ SEA Games liên tiếp gần đây. Hai đội tuyển bóng đá nam/nữ đang có đà thuận lợi khi U22 giành chiến thắng trước Lào và Singapore. Trong khi đó, thầy trò Huấn luyện viên Mai Đức Chung đã có chiến thắng đầu tay trước nữ Malaysia.

Mừng cho Campuchia đã thể hiện được khả năng tổ chức SEA Games. Song, chưa thể vui cho thể thao Đông Nam Á khi vẫn còn ít nước thể hiện quyết tâm nâng tầm nền thể thao quốc gia để sánh vai các cường quốc trên thế giới.

Phong Uyên – Đăng Triều

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/the-thao/202305/campuchia-quyet-ghi-dau-an-f4b5fd0/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ