A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Gạo xuất khẩu nâng cả chất và giá trị

10:43 | 12/10/2018

Gạo của Việt Nam đã chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng, thúc đẩy sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã khẳng định như vậy tại Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 10 tổ chức sáng 11/10 tại Hà Nội.

Quang cảnh tại Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 10 tổ chức sáng 11/10 tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 10,  Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng cao nhất là gạo trắng chất lượng cao và trung bình, gạo thơm, gạo nếp. Chất lượng gạo Việt Nam đã đạt đủ các tiêu chí để thâm nhập vào các thị trường tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới.

Theo Phó Thủ tướng, sản xuất lúa gạo và thương mại gạo khu vực và toàn cầu đang thay đổi nhanh trong bối cảnh toàn cầu hóa và gia tăng liên kết, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Bên cạnh thuận lợi từ xu thế hội nhập, sản xuất lúa gạo đã, đang và sẽ chịu tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, làn sóng đô thị hóa. Tình hình chính trị - xã hội tại nhiều khu vực trên thế giới tiếp tục diễn biến bất ổn, một số dịch bệnh mới xuất hiện có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, khả năng cung cấp lương thực và hoạt động thương mại gạo.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng rằng, khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ hứa hẹn là hướng phát triển sản xuất lúa gạo vượt ra khỏi quan niệm truyền thống, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn sản xuất các sản phẩm mới.

Trước đó vào chiều 10/10, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam. Theo thống kê, năm 2017, Việt Nam là nước đứng thứ 3 trên thế giới về sản lượng xuất khẩu gạo. Tính đến ngày 15/9 vừa qua, xuất khẩu gạo đạt trên 4,7 triệu tấn, giá trị đạt 2,38 tỷ USD. Để hướng tới mục tiêu xuất khẩu gạo bền vững, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh việc tái cơ cấu sản xuất lúa gạo, định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng gạo xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo và một chiến lược về phát triển thị trường xuất khẩu gạo. Theo đó, bên cạnh tạo dựng môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, thương mại gạo, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu, yêu cầu tăng cường liên kết gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, phải xây dựng và khẳng định uy tín thương hiệu gạo Việt Nam.

Với những động thái nói trên, dư luận bày tỏ kỳ vọng, ngành lúa gạo sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới. Đáng chú ý, hiện nay, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Gạo Việt hiện đã có mặt ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, bước đầu đã thâm nhập được vào những thị trường có yêu cầu cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU)…

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, công tác phát triển thị trường xuất khẩu cho mặt hàng gạo đã được Việt Nam xác định rõ mục tiêu, phương hướng cụ thể tại chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tháng 7/2017.

Theo đó, định hướng đặt ra cho phát triển thị trường gạo là nâng cao hiệu quả, thúc đẩy xuất khẩu gạo để góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân. Nâng cao thu nhập của người nông dân, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh lương thực trong nước, bảo vệ môi trường sinh thái. Thứ hai, định hướng cho công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất lúa gạo hàng hóa trong nước theo hướng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu, quy định của thị trường. Thứ ba, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu của sản phẩm gạo xuất khẩu và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam trên thị trường và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế về kinh tế và hợp tác quốc tế về đầu tư sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo; khai thác cơ hội, tiềm năng, lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.  

*  Thông qua Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 10, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ có cơ hội để trao đổi, nhận định về thương mại gạo quốc tế cũng như tại Việt Nam thời gian tới, đồng thời kết nối, hợp tác trong sản xuất và thương mại gạo.

Nhật Minh

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ