A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

MC - sân chơi đầy năng động của giới trẻ

05:54 | 26/09/2013

Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh thì đời sống văn hóa ngày đa dạng với nhiều hình thức hoạt động sôi nổi

Bên cạnh các loại hình nghệ thuật như: hát, múa, khiêu vũ, cải lương kịch nói... thì nghề dẫn chương trình (MC) ngày càng được nhiều người, nhất là các bạn trẻ yêu thích và lựa chọn làm hướng đi cho mình.

Hai MC (bìa trái) thể hiện khả năng dẫn chương trình trong cuộc thi Nữ sinh duyên dáng tại Trường Đại học Tây Nguyên.

Đã từ lâu trong hầu hết các chương trình giao lưu có tính biểu diễn nghệ thuật, như: ca múa nhạc có chủ đề, lễ hội, sân khấu nghệ thuật,… cho đến những chương trình đại hội, hội nghị, hội thảo,…bao giờ cũng có một người giới thiệu chương trình, song cũng từ rất lâu mãi cho đến vài năm gần đây người ta mới đề cập nhiều đến chức năng và vai trò của những người dẫn chương trình cho xứng tầm nghệ thuật của nghiệp vụ này. Nắm bắt được nhu cầu đó, trong thời gian qua Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh đã nhanh chóng hoàn thiện chương trình và mở các lớp Nghệ thuật dẫn chương trình MC nói trước công chúng. Đến nay, các lớp MC đã mở được 5 khóa học, thu hút hơn 50 học viên ở các lớp MC căn bản thanh niên, thiếu nhi và MC nâng cao thanh niên, thiếu nhi. Em Nguyễn Thị Hồng Hân, 8B trường Trưng Vương, buôn Ky, (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, trước khi học MC em không dám nói câu gì khi đứng trước mọi người. Khi mới vào học MC thì bạn nào cũng rất xa lạ, mỗi người cứ học một mình. Rồi dần dần thì các bạn trong lớp đã trở thân quen, thân thiện nên em cũng hết bỡ ngỡ. Bây giờ em rất tự tin khi đứng trước mọi người, thậm chí là có thể đứng trước toàn trường để dẫn chương trình. Em Nguyễn An Hi Hi, mới học lớp 4 trường Ngô Quyền (TP. Buôn Ma Thuột), nhưng cũng đã được bố mẹ đăng ký cho theo học để dạn dĩ hơn trong giao tiếp. Em hào hứng khoe: “Ngày trước em nhát lắm, sau khi tham gia lớp học, về nhà tập nói trước gương, trước mặt mọi người trong gia đình, giờ em đã tự tin hơn. Em đã có thể tự đứng trước các bạn trong lớp để hát, đọc thơ nữa”. Không chỉ thu hút những em người Kinh mà các lớp MC còn rất thu hút những em thiếu nhi người dân tộc thiểu số. H’ Tru Ly, lớp 6H trường THCS Phan Chu Trinh, nhà ở buôn Chư Dluê, xã Hòa Xuân hồ hởi: “Em học môn MC để chứng minh khả năng tập nói trước mọi người của mình. Lúc đầu vào học em cảm thấy run khi bước lên sân khấu nhưng giờ đây em đã vượt qua và tự tin đứng trước mọi người để dẫn chương trình”. Chị H’ Me, phụ huynh của bé H’Tru Ly tự hào khoe: “Hồi trước con bé ở nhà nhút nhát lắm, trải qua khóa học học tôi thấy cháu tự tin hơn trước rất nhiều lắm”.

Ngoài sự tự tin thì những người đam mê nghề dẫn chương trình cũng luôn phải rèn luyện tiếng nói của mình trở nên rõ ràng và đạt chuẩn. Giọng nói MC phải rõ ràng, truyền cảm và cách dẫn dắt phải tinh tế với những câu chữ gãy gọn, “tròn vành rõ chữ”. Em Mai Nguyên, lớp 8B trường Lương Thế Vinh (TP. Buôn Ma Thuột) tâm sự, lúc mới vào học em nói hơi bị nhanh một chút nhưng qua từng ngày tập luyện ở trên lớp học cũng như ở nhà, đặc biệt là hay đứng trước gương để tự nói với chính mình và hay đứng trước bạn bè, người quen để tập luyện, hiện em đã có thể nói trôi chảy và nói chậm hơn. Ngoài yêu cầu về ngôn từ thì nghề MC cũng đòi hỏi người làm nghề những yêu cầu về diện mạo, đó là trang phục chuyên dùng, đẹp, lịch sự và đặc biệt nhất là phù hợp với từng thể loại chương trình. Ngoài ra còn có yêu cầu “phi ngôn từ” đó là người MC phải biết cách diễn đạt ngôn ngữ cơ thể thông qua dáng đi, dáng đứng, cử chỉ, điệu bộ, xúc cảm… Và để trở thành người dẫn chương trình duyên dáng, hấp dẫn, người học cần có thêm điều kiện khác như năng khiếu và nhất là về kiến thức. Anh Nguyễn Thanh Long, người dạy MC tại Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh cho biết: khi nhận chương trình, một MC phải tìm hiểu thật kỹ về nội dung chương trình, nhân vật mình sẽ phỏng vấn, trò chuyện cũng như phải biết đối tượng khán giả để từ đó chuẩn bị tốt từ nội dung cho đến hình thức. Thực tế trào lưu về nghề dẫn chương trình đã có từ lâu tại TP. Buôn Ma Thuột nhưng chỉ là bộc phát, theo cảm nghĩ của từng người. Người này học theo người khác cứ thế mà truyền kinh nghiệm cho nhau, hoặc dựa vào năng khiếu riêng của mỗi người… Nhưng xét về mặt đào tạo kỹ năng bài bản thì bắt đầu vào năm 2009, Trung tâm văn hóa tỉnh có mở một số lớp đào tạo MC nhưng do thiếu người học nên đến 2010 đành phải bỏ dở chương trình. Đến nay khi Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh mở lớp vào năm 2012, cùng với xu thế cần những người dẫn chương trình chuyên nghiệp ở các sự kiện thì nhiều công ty tư nhân cũng đã mở các lớp đào tạo người dẫn chương trình như: Hồ Thiên Hà, Sao Việt Khuê… Bạn Phương Trâm, trú xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột), một người đã học đi làm MC ở nhiều chương trình cho rằng, khi học MC sẽ làm cho chính bản thân cảm thấy mình tự tin hơn trong giao tiếp, công việc và cuộc sống. Ban đầu Trâm đến với nghề MC ban đầu là để giao tiếp tốt hơn, nhưng sau thì trải qua một quá trình tiếp xúc, tìm hiểu dường như đã ngấm vào trong máu hình thành nên sở thích và niềm đam mê của mình. Cũng theo Trâm thì nghề MC rất cần nhiều yếu tố, như khả năng truyền cảm đến người nghe, bản lĩnh ở trên sân khấu, ngoại hình nhưng điều quan trọng nhất là lòng kiên nhẫn, kiên trì và đam mê với nghề

Theo chị Nguyễn Thị Thúy Hiền, Phó giám đốc Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi cho rằng, các lớp Nghệ thuật dẫn chương trình nói trước công chúng rất được sự quan tâm của các bậc phụ huynh và các em thiếu nhi. Mỗi con người cho dù ở bất cứ lứa tuổi nào cũng rất cần được thể hiện mình trước mọi người. Thông qua các lớp học MC, các học viên không nhưng đã thể hiện hết mình những nội dung của khóa học mà còn biểu hiện được những bản sắc riêng của mình. Cũng theo chị Hiền thì hiện tại các lớp đào tạo MC tại Dak Lak chưa phát triển so với một số thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… nhưng sau khi tham gia các khóa học MC, các em đã rất tự tin từ đó thể hiện mình trước gia đình, bạn bè, lớp học và trước toàn trường học… Được sự ủng hộ nhiệt tình của các bậc phụ huynh và các em, trong thời gian tới Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi sẽ tiếp tục hoàn thiện chương trình, nâng cấp các phương tiện học tập để đáp ứng nhu cầu chính đáng của các em, các bậc phụ huynh và mở những lớp học nâng cao cho các em muốn theo đuổi niềm đam mê này.

Hoàng Gia

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ