A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đột phá Buôn Ma Thuột, trận mở màn then chốt

13:34 | 30/04/2013

Đó là một vị trí trung tâm của chiến trường, vượt ra ngoài phạm vi Tây Nguyên, hướng tới toàn cục.

Trong cuộc Tổng tiến công chiến lược  mùa xuân năm 1975, quân ta đã đánh vào nơi hiểm yếu nhất của địch, theo hướng từ Đông sang Tây, mà không theo hướng từ Bắc xuống Nam, đã mở ra thế chia cắt làm đôi thế trận phòng ngự chiến lược toàn miền Nam của quân ngụy Sài Gòn, cô lập số quân còn lại của chúng ở phía Bắc Quân khu II và uy hiếp lực lượng của chúng ở Quân khu III. Và, thị xã Buôn Ma Thuột ở Nam Tây Nguyên đã được xác định. Tại sao vậy?

1. Vì Buôn Ma Thuột, tỉnh lỵ tỉnh Đắk Lắk, là một thị xã lớn, có diện tích khoảng 25 km2, nơi đặt căn cứ của Sư đoàn 23 ngụy nhưng lại nằm sâu trong vùng hậu phương địch, không trực tiếp đối mặt với trận tuyến của ta, nên địch không đề phòng mà số quân đồn  trú ở đây cũng không nhiều. Hơn nữa, đột phá Buôn Ma Thuột, nơi địch sơ hở, nơi hiểm yếu của khâu yếu nhất trong hệ thống phòng ngự của địch, một vị trí chiến lược rất cơ động, nên từ đấy, ta sẽ tạo đà nhanh chóng phát triển lực lượng ra các hướng chủ yếu khác, nhất là tiến thẳng xuống đồng bằng Nam Trung Bộ và có thể đi xa hơn, tới miền Đông Nam Bộ. Nhìn lên bản đồ, chúng ta thấy Buôn Ma Thuột giữ một khoảng cách khá đều với Bắc Tây Nguyên, đồng bằng Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ - Sài Gòn. Đó là một vị trí trung tâm của chiến trường, vượt ra ngoài phạm vi Tây Nguyên, hướng tới toàn cục. Một đầu mối giao thông, nằm giữa những con đường rất tốt và rất thuận tiện. Từ trận đánh Buôn Ma Thuột, sức chấn động mạnh mẽ sẽ đến ngay cơ quan Tổng hành dinh quân ngụy. 

Cho đến đầu năm 1974, thế bố trí của quân ngụy Sài Gòn là yếu ở giữa và mạnh hai đầu. Do đó, hướng đột phá chiến lược của cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa xuân 1975, dĩ nhiên phải là Tây Nguyên. Nhưng vấn đề cụ thể đặt ra là Bắc hay Nam Tây Nguyên? 

Đến trước Hiệp định Paris, tháng 1/1973, các chiến dịch Tây Nguyên thường được tổ chức ở phía Bắc. Sáu, bảy đợt hoạt động quân sự có tính chất chiến dịch đều diễn ra ở đây.

Những đàn voi vận chuyển vũ khí và lương thực phục vụ chiến dịch trên đường 14 (Tây Nguyên)  Ảnh: TL

2. Trên thực tế, cũng đã có một chiến dịch cho Nam Tây Nguyên - chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập - vào thời kỳ khó khăn - năm 1969 - nhưng đã không thực hiện được vì không đủ khả năng bảo đảm công tác hậu cần. 

Từ năm 1973, tuy khả năng bảo đảm hậu cần chiến dịch đã tốt hơn rất nhiều thì trái lại, việc bảo đảm vận chuyển chiến lược Bắc - Nam đi qua khu vực này, lại càng phức tạp hơn khiến cho việc thực hiện một chiến dịch tiến công ở Nam Tây Nguyên lại càng trở nên cấp thiết. Vì hành lang vận chuyển Bắc - Nam, cho đến thời kỳ này, khi đi qua phía Bắc Đức Lập (Nam Tây Nguyên) - nơi có địa hình độc đạo, rất hiểm nghèo mà địch chiếm giữ - chúng ta vẫn phải đi chệch một chút sang vùng đất phía Đông Campuchia, trước khi vào đến Nam Bộ. Lực lượng Khơme đỏ đã lợi dụng điều này, nhất là trên đoạn đường tiếp giáp với Nam Bộ, đã nhiều lần tung binh lính ra ngăn chặn xe vận tải của ta, giết người, cướp hàng, đồng thời luôn luôn đưa ra yêu sách đòi ta rút bỏ con đường. Xuất phát từ những nguyên nhân ấy, các cơ quan chiến lược đã nhìn thấy vấn đề, trước hết là cần phải có ngay một chiến dịch tiến công ở Nam Tây Nguyên, nhằm nắn con đường vận tải chiến lược trở lại đất Việt Nam.

Thật ra, Bộ Tư lệnh Tây Nguyên cũng đã tính đến một chiến dịch như thế vào cuối năm 1973. Nhưng muốn thế, phải có đủ lực lượng, thậm chí còn phải có nhiều lực lượng. Còn muốn giải phóng ngay Buôn Ma Thuột, thì cần phải có ngay hai sư đoàn. Khả năng này nếu có được, không những sẽ bảo đảm vững chắc cho sự thông suốt của hành lang Bắc - Nam, là mục đích của chiến dịch lúc ấy mà còn tạo được địa bàn chiến lược rất cơ động, hướng tới các ngả. Nếu được như thế, chiến dịch rõ ràng sẽ mang một mục đích và ý nghĩa khác hẳn. Tuy thế, vấn đề ở đây, cố nhiên vẫn là lực lượng. Ở Tây Nguyên lúc bấy giờ chỉ có hai sư đoàn, đang phải ôm lấy mặt trận chính là hướng Bắc Pleiku, Kon Tum và một số trung đoàn độc lập, hoạt động ở hướng khác. Vậy cơ sở đâu để hạ quyết tâm? Chính là chiến lược, khi những người vạch kế hoạch ở cơ quan Tổng hành dinh, đã nắm được lực lượng trong tay. Những dự kiến về một chiến dịch ở Nam Tây Nguyên của các nhà chỉ huy quân sự cũng chính là bắt nguồn từ sự gợi ý và chỉ đạo của chiến lược. Mục đích của chiến dịch bao giờ cũng gắn chặt và chịu sự chi phối sát sao từ mục đích của chiến lược. Còn lại là vấn đề thời cơ. Nghĩa là khi nào thì có thể thực hiện được? Đó là thời cơ tăng thêm cho Tây Nguyên 2 sư đoàn - sư đoàn 968 và sư đoàn 316. Việc làm này sau khi được thực hiện đã xem như là “cái nút” của cuộc chiến. Lực lượng ở Tây Nguyên bỗng chốc trở thành một tập đoàn chiến lược mạnh, với 1 Quân đoàn, gồm 4 sư đoàn và một số trung đoàn độc lập, cùng pháo mặt đất, pháo cao xạ, xe tăng, xe thiết giáp, công binh, vận tải… được tăng cường, dày dạn chiến đấu, có phối hợp với sư đoàn 3 Sao Vàng và ba thứ quân của Quân khu V, cùng hành động vào thời điểm lịch sử mà mọi người đều đã biết, khi các điều kiện khác cũng đã chín muồi cho việc hạ quyết tâm.

Trên thực tế, từ kết quả của những hoạt động quân sự ở Bắc Tây Nguyên, về phía ta, đến tháng 10/1974, vùng giải phóng Tây Nguyên đã được mở rộng và nối liền, thành một vùng căn cứ tương đối hoàn chỉnh, từ Bắc Kon Tum đến Nam Gia Lai. Đặc biệt, sau hai năm 1973 và 1974, hành lang chiến lược từ miền Bắc, đã có thể vào đến tận chiến trường Nam Bộ, theo đó là đường ống dẫn xăng dầu, lực lượng, binh khí - kỹ thuật… đã được đưa vào.

Tuy vậy, cho đến đầu tháng 12/1974, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, cũng như quan thầy Mỹ, vẫn không nắm được và đánh giá đúng thế mới và lực mới của đối phương.

Chúng cho rằng, đầu năm 1975, hướng tiến công chính của ta sẽ nhằm vào Quân khu III, chủ yếu là Tây Ninh. Thời gian ta tiến công có thể là trước hoặc sau Tết, và cho đến tháng 6/1975 là cùng, tức là phải dừng lại trước mùa mưa. Với nhận định ấy, các tướng lĩnh quân ngụy được lệnh phải ra đòn trước để phá kế hoạch của ta. Các quân khu, tiểu khu bị đốc thúc phải mở chiến dịch “bình định cấp tốc” trong ba tháng, kể từ ngày 1/1/1975 để “ngăn chặn chiến dịch Đông - Xuân của Việt Cộng”. Và chúng vẫn giữ nguyên thế bố trí chiến lược “mạnh hai đầu” mà không tăng thêm lực lượng ở giữa cho Quân khu II và Tây Nguyên.

3. Thế nhưng, vào thời điểm đầu năm 1975, hướng đột phá chiến lược của ta, tuy vẫn là Tây Nguyên nhưng không thể là phía Bắc. Bởi lẽ, vùng đất này luôn luôn là nơi đối đầu, nơi tập trung lực lượng mạnh của ta và của địch. Hãy lấy Kon Tum, Pleiku làm thí dụ.

Nếu tiến công vào Kon Tum thì không thể phát triển được thế chiến thắng. Năm 1972, ta đã đánh Kon Tum nhưng không thu được kết quả. Vì căn cứ này gần miền Bắc hơn nên địch đề phòng rất kỹ và cũng ở gần Pleiku hơn nên dễ được Pleiku phản kích chiếm lại hoặc tăng cường lực lượng để Kon Tum có đủ khả năng chống đỡ. Còn ở Pleiku, địch rất mạnh. Đây là căn cứ đầu não của Quân khu II, nơi khống chế đường 19 mạch máu (mà theo quan niệm của quân nguỵ “làm chủ đường 19 là làm chủ Tây Nguyên”). Vì vậy, khi biết tin ta đánh Tây Nguyên, chúng một mực tin rằng ta sẽ đánh vào phía bắc mà cụ thể là Kon Tum, Pleiku.

Chúng cũng lập luận nếu ta đánh vào phía Nam Tây Nguyên thì cũng chỉ là đánh vào những thị xã, thị trấn nhỏ, không đáng kể, như Gia Nghĩa, Đức Lập, nhằm mục đích thông thường. Chúng không quan niệm được rằng, về mặt địa - quân sự, Nam Tây Nguyên là một địa bàn có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc đánh tiêu diệt lớn, nhất là vùng chung quanh Buôn Ma Thuột. Nhưng cho đến cuối năm 1974 - đầu năm 1975, trên thực tế, việc bảo đảm hậu cần hiện vẫn còn là khâu yếu, chưa khắc phục được. Chính cái nguyên nhân ấy khiến cho các chiến dịch không thể tiến hành được ở Nam Tây Nguyên. 

Cho nên, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vẫn đinh ninh rằng việc ta tiến công vào Nam Tây Nguyên trong chiến cục mùa xuân 1975 là điều khó có thể xảy ra. Từ suy nghĩ đó, địch cho rằng, ta không đủ sức đánh vào Buôn Ma Thuột vì không thể bảo đảm nổi vật chất hậu cần và đưa lực lượng vào nên chúng ít phòng bị. Bởi thế, Buôn Ma Thuột là trận đánh then chốt quyết định, một đòn đánh hiểm, đánh vào nơi xung yếu mà lại là nơi sơ hở nhất và hết sức bất ngờ đối với quân ngụy.

Dương Xuân Đống (Nhà nghiên cứu văn hóa quân sự)

 

 

 

    Theo Giáo dục & Thời đại

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ