A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Mối nguy từ sinh vật ngoại lai xâm hại

14:33 | 05/08/2014

Bằng nhiều con đường xâm nhập, nhiều loài sinh vật ngoại lai gây hại ở Việt Nam nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng đã và đang tác động đến môi trường, làm mất cân bằng hệ sinh thái.

Nguy hại hơn, nó còn ảnh hưởng, gây nguy hiểm đến sức khỏe, mùa màng và nguy cơ tuyệt chủng các nguồn gen quý hiếm. Theo thống kê của Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng Cục môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), có khoảng 94 loài thực vật ngoại lai xâm hại được du nhập vào Việt Nam, trong đó có 42 loài xâm hại thuộc họ thực vật, 48 loài động vật thủy sinh ngoại lai. Trên địa bàn tỉnh Dak Lak cũng đã xuất hiện nhiều loài như: rùa tai đỏ, sâu gạo, cá lau kính (cá tì bà), bèo Nhật Bản… đặc biệt là cây mai dương và ốc bươu vàng đang sinh trưởng và phát tán ở diện rộng ảnh hưởng đến nền nông nghiệp của địa phương.

Người dân huyện Cư M’gar diệt trừ cây mai dương.
Người dân huyện Cư M’gar diệt trừ cây mai dương.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 700 ha đất bị cây mai dương xâm chiếm, tập trung ở các huyện Krông Ana, Lak, Ea Súp, Ea Kar, Krông Pak…, trung bình mỗi năm tăng khoảng 100 ha. Với khả năng sinh trưởng và phát tán ở diện rộng, cây mai dương đang trở thành mối lo ngại chung khi diện tích loài cây này tăng lên không chỉ ở khu vực nông thôn mà ngay cả trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Cây mai dương có tên khoa học Mimosa pigra (cây trinh nữ trâu, trinh nữ tây, móc mèo mỹ) là một trong số những loài cỏ dại nguy hiểm nhất đối với các vùng đất ngập nước nhiệt đới, đặc biệt là lòng hồ thủy lợi, mương dẫn nước và bãi đất hoang. Loài cây này phát tán nhanh qua hạt, đặc biệt khả năng tái sinh bằng thân và gốc rất lớn. Một cây có thể sản sinh từ 9.000 - 12.000 hạt/m2 tán lá/năm, hạt dễ phát tán theo gió hay trôi theo dòng nước và có thể giữ sức nẩy mầm trên 20 năm. Nếu chặt cây mẹ đốt thì từ gốc cây tái sinh từ 4-5 chồi non, hạt nếu bị đốt sẽ nẩy mầm với mật độ từ 15-120 cây/m2. Chính vì thế, cây mai dương là một trong những nguyên nhân làm đất nghèo chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng xấu và nguy cơ hủy diệt hệ thực vật, động vật trong rừng do chứa chất mimosin - loại acid amin có thể gây độc với nhiều loài. Thân cây mai dương khi chết sẽ phân hủy tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước…

Cũng như cây mai dương, ốc bươu vàng là một sinh vật ngoại lai xâm hại phát triển mạnh ở môi trường tự nhiên. Còn nhớ cách đây không lâu, trong vụ mùa Đông – xuân 2012 – 2013 và vụ Hè – thu năm 2013, ốc bươu vàng đã xuất hiện với mật độ dày đặc trên các thửa ruộng của người dân buôn Cư Phăng (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) gây nhiều thiệt hại cho cây trồng. Để hạn chế tình trạng này, người dân địa phương phải dùng cách thủ công là bắt; tuy nhiên vẫn không thể diệt hết loài ốc này bởi chúng có khả năng sinh sản rất nhanh, một con cái có thể đẻ trứng 2 lần/tháng, mỗi lần khoảng 500 trứng, ốc 2 tháng tuổi đã bắt đầu sinh sản và có thể sống từ 3 - 5 năm.

Cây mai dương xuất hiện tại nhiều địa bàn
Cây mai dương xuất hiện tại nhiều địa bàn, làm ảnh hưởng đến sản xuất cũng như môi trường

Để hạn chế các loài sinh vật ngoại lai xâm hại, ngày 26-5-2009, UBND tỉnh đã có Chỉ thị về việc đẩy mạnh công tác phòng trừ thực vật xâm hại cây trồng trên địa bàn tỉnh. Mới đây, tỉnh cũng đã triển khai Công văn số 3879/BNN-BVTV ngày 30-10-2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, ngăn chặn việc nhân nuôi ốc bươu vàng đến các sở, ban, ngành, địa phương... Tuy nhiên, việc diệt trừ, xử lý triệt để vẫn là vấn đề nan giải. Bà Trịnh Thị Hòa, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh) cho biết: “Ốc bươu vàng và cây mai dương xuất hiện trên địa bàn tỉnh đã có từ hơn 10 năm qua, đến nay đã cơ bản kiểm soát được ốc bươu vàng, còn cây mai dương thì rất khó. Loài cây này không tập trung một khu vực mà nằm rải rác với diện tích ngày càng tăng. Không những thế, với đặc tính sinh trưởng, phát tán nhanh trong khi các địa phương rất ít quan tâm diệt trừ liên tục nên cây tái sinh, cây con phát triển càng ồ ạt hơn, nhất là ở các vùng đất trống. Do đó không thể tận diệt mà chỉ có thể hạn chế sự xâm lấn khi thực hiện đúng quy trình, cụ thể phải xử lý qua các bước từ chặt gốc cây đến đốt và 3 lần phun thuốc hóa học. Biện pháp này cũng chỉ hạn chế chúng phát triển lại trong thời gian khoảng 8 tháng”.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại một số loài sinh vật ngoại lai xâm hại khác, như một số hộ gia đình nuôi nhốt rùa tai đỏ, sâu gạo, cá tì bà… làm cảnh hoặc vì mục đích kinh tế. Hay Công ty Quản lý đô thị và Vệ sinh môi trường tỉnh đưa vào trồng hàng loạt cây sò đo cam trên một số tuyến đường trong TP. Buôn Ma Thuột. Đây là loại cây đã được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp vào danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng. Theo các nhà khoa học, cây sò đo cam phát tán hạt qua gió, mọc và lớn nhanh, có khả năng loại bỏ các cây khác trong cùng phạm vi phân bố nên dễ gây ra sự biến đổi hệ sinh thái, đe dọa đa dạng sinh học trong vùng.

Tại Hội thảo Tăng cường quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại do Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột mới đây, Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học đã cảnh báo: “Mối quan ngại về sinh vật ngoại lai ngày càng tăng sau những tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, sự phát triển kinh tế và sức khỏe con người. Do đó cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương và phải “mạnh tay” trong việc kiểm tra, quản lý chặt việc nuôi, nhốt, trồng những sinh vật ngoại lai gây hại”. Có thể nói, việc bảo vệ môi trường sinh thái, tránh sự tác động xấu của những sinh vật ngoại lai đang là một vấn đề bức thiết chung của toàn xã hội, cần sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng.

 Thúy Hồng

    Nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ