A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sạt lở, lũ quét: Do thiên nhiên hay con người?

14:14 | 14/08/2023

Trong vòng hơn 2 tháng qua, cả nước đã xảy ra 47 trận sạt lở đất, đá gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Điều đáng nói, không chỉ khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ, Bắc Bộ, mà Hà Nội cũng đã xuất hiện những trận sạt lở.

Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này?

Trước tình trạng sạt lở xảy ra ở các vùng miền trên cả nước, PGS.TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho rằng, quy hoạch dân cư là một trong những yếu tố rất quan trọng. Rồi vấn đề bảo vệ rừng đầu nguồn. Khi phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch hệ thống giao thông, đường sá không thể bừa bãi mở đường trên núi…

PV: Thưa ông, vừa qua tình trạng sạt lở đất, lũ quét không chỉ xảy ra ở một khu vực mà diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước. Nhiều ý kiến cho rằng việc phá rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở đất, lũ quét. Ý kiến của ông?

PGS.TS Đào Trọng Tứ.  

PGS.TS ĐÀO TRỌNG TỨ: Tôi cho rằng việc phá rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất, lũ quét chứ không phải là nguyên nhân chính. Đầu tiên là yếu tố thời tiết tự nhiên bị tác động bởi biến đổi khí hậu. Qua theo dõi tôi đánh giá năm nay thời tiết bất thường nắng nóng gay gắt, sau đó mưa nhiều làm cho hệ thống kết cấu của đất đá, sườn núi chuyển sang trạng thừa nước, cộng với địa hình đèo núi, taluy nên khi mưa với lượng nhỏ thôi cũng có thể kích hoạt gây ra sạt lở đất. Vì thế sạt lở đất đã diễn ra tại nhiều địa phương, kể cả nơi có rừng cũng bị ảnh hưởng.

Lượng mưa nhiều chỉ là một phần của nguyên nhân bởi tình trạng phá rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rồi quy hoạch xây nhà, công trình xây dựng sai quy hoạch đang làm mất ổn định nền đất đá tại những khu vực sườn dốc. Đến các tỉnh miền núi ngay trên đường quốc lộ chúng ta có thể thấy cảnh nhiều nhà dân được xây dựng ở ngay phía dưới sườn núi. Khi mưa lớn, lâu và dài ngày thì xảy ra việc sạt lở gây ra những thảm họa đáng tiếc. Như tại vùng Đà Lạt, hay Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang xây dựng quá nhiều. Làm như thế thì độ taluy giảm dốc đi nhiều, rất nguy hiểm. Cho nên việc sạt lở, lũ quét có nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc phá rừng, phá quy hoạch, xây dựng nhà ở vùng có bị ảnh hưởng, có nguy cơ cao sạt lở.

Sạt lở tàn phá hàng loạt các công trình, đường giao thông tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông. Đây cũng là nơi thời gian qua có nhiều công trình xây dựng về giao thông, thủy điện, thủy lợi. Vậy đó có phải là yếu tố dẫn đến sạt lở, sụt lún, thưa ông?

- Trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hạ tầng giao thông cần phải đặc biệt chú ý đến các yếu tố. Nếu xây dựng mà không để ý, taluy không có điều kiện phân tạo thành những cấp, không giật cấp mà tạo thành độ dốc như thế thì không đủ sức chống chịu. Đất đá yếu, cộng với mưa nhiều, dài ngày là xảy ra sạt lở ngay. Nhất là việc rừng phòng hộ, hay rừng nguyên sinh bị chặt phá quá nhiều. Khi mất rừng làm cho dòng chảy xuống dưới hạ lưu càng mạnh và rất nhanh khiến sạt lở, nứt đất, sụt lún. Khi vấn đề biến đổi khí hậu diễn ra đặc biệt gay gắt và có những biến đổi bất thường thì tình trạng sạt lở, lũ quét, sụt lún diễn ra ngày càng nghiêm trọng và khó dự đoán.

Một điều đáng lo ngại khi tình trạng sạt lở không chỉ diễn ra ở vùng Tây Nguyên, các tỉnh phía Bắc mà ngay cả ở Sóc Sơn (Hà Nội) cũng bị sạt lở, thưa ông?

- Tại quanh khu vực điểm sạt lở có các công trình vi phạm trật tự xây dựng vì nằm trong quy hoạch đất rừng. Các công trình xây dựng trên đồi quá nhiều trong khi ở vùng này địa chất kém và yếu. Khi mưa lớn, liên tục thì dẫn đến sạt lở. Tôi xin nói rằng hiện bây giờ chưa phải là giai đoạn mưa nhiều, nếu mưa nhiều tiếp tục kéo dài nữa thì còn nhiều vấn đề có thể xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ úng ngập, xói lở đất, sạt trượt khi có mưa bão. Năm nay là năm rất đặc biệt xảy ra sạt lở ở nhiều vùng trên cả nước. Sóc Sơn một phần do quy hoạch, sử dụng đất đai không đúng mức, xây quá nhiều biệt thư trên đồi. Gặp phải thời tiết cực đoan mưa nhiều, mưa lớn thì còn khó khăn hơn nữa.

Vậy chúng ta có thể dự báo khu vực sạt lở để đưa ra cảnh báo?

- Đây là vấn đề rất khó dự báo. Đã có nhiều quy hoạch, điều tra, chấm trên các bản đồ. Nhưng thực tế diễn ra như thế nào thì phụ thuộc nhiều vào việc kiểm tra trước mùa mưa bão. Việc đánh giá dự báo là khó nhưng là cái phải làm để giảm bớt thiệt hại khi xảy ra sự cố. Nếu dự báo được thì sẽ giảm bớt được tác hại. Đây là vấn đề khó nhưng phải làm.

Nhiều hộ dân ở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn. Ảnh: T.Anh.  

Nếu xác định, đánh giá được vùng nguy hiểm thì chúng ta có thể di dời dân?

- Những vùng có khả năng sạt lở cao thì chắc chắn phải di dời. Nhưng phải đánh giá chi tiết và cụ thể. Đây là vấn đề khá mất công sức, trên thế giới cũng gặp phải những khó khăn chứ không phải mỗi chúng ta. Nhiều nước phát triển trên thế giới cũng bị sạt lở, lũ quét. Có điều họ quy hoạch tương đối chặt chẽ, xác định những vùng không được thi công xây dựng, hay cư trú để tránh bớt, giảm bớt các tác hại. Do đó, quy hoạch dân cư là một trong những yếu tố rất quan trọng. Rồi vấn đề bảo vệ rừng đầu nguồn. Khi phát triển kinh - tế xã hội, quy hoạch hệ thống giao thông, đường sá không thể bừa bãi mở đường trên núi. Làm đường ở miền núi rất kỳ công, vấn đề là giật cấp như thế nào, và đòi hỏi mất rất nhiều công sức. Đối với nước có điều kiện kinh tế như ta thì khó khăn, vì làm như vậy kinh phí rất tốn kém.

Nhưng sau những vụ sạt lở, lũ quét diễn ra trong phạm vi rộng. Và con số này gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái thì chúng ta cần phải thống kê đánh giá vùng nguy hiểm?

- Vấn đề này đều có đánh giá và có bản đồ theo dõi. Nhiều nơi đã có bản đồ, và từ bản đồ có phương án phù hợp. Quan trọng là phải theo dõi và đánh giá. Chứ bây giờ những khu vực sườn dốc thì trồng rừng ở đây chỉ có tác dụng một phần nào đó thôi. Nhiều khi chưa kể trồng không đúng còn phản tác dụng. Như khu vực sườn dốc mà trồng cây sầu riêng thì chỉ làm cho đất tơi xốp nhanh hơn. Hay nếu trồng rừng ở những vùng taluy dốc thì cũng không ổn vì nhiều khi trọng lượng và khối lượng của các cây lớn sẽ gây áp lực lớn tới khu vực đường sá phía dưới. Đối với vùng như vậy chỉ có cách giật cấp, làm taluy xây các kè chống, kè đá để chống sạt lở chứ biện pháp trồng rừng ở khu vực đó không phải là chống sạt lở.

Tuy nhiên, trước hết là phải đi điều tra, đánh giá. Đồng thời trước mùa mưa bão phải kiểm tra kỹ càng, đánh giá và có kế hoạch di dời dân để tránh thảm họa có thể xảy ra. Tức là ngăn chặn làm sao để tránh thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân. Phải lo cho tính mạng con người đầu tiên, sau đó mới tính đến các yếu tố khác.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàn thiện đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét trong tháng 8

Tại Công điện số 732/CĐ-TTg về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trước mắt khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét. Đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.

Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động xây dựng (nhất là hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng); khai thác, tập kết khoáng sản trái phép theo đúng quy định của pháp luật để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và huy động các chuyên gia, nhà khoa học khẩn trương tổ chức nghiên cứu, đánh giá cụ thể nguyên nhân sạt lở, nguy cơ tai biến địa chất tại khu vực Tây Nguyên, báo cáo Thủ tướng kết quả trong tháng 8/2023. Khẩn trương rà soát, cập nhật, hoàn thiện Đề án “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” trình Thủ tướng xem xét phê duyệt trong tháng 8/2023 để sớm triển khai thực hiện.

HOÀI VŨ (THỰC HIỆN)

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ