A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Áp chuẩn với giảng viên đại học

14:08 | 31/08/2018

Một trong những nội dung quan trọng được đặt ra trong Luật Giáo dục ĐH sửa đổi là việc cần thiết phải nâng chuẩn giảng viên ĐH. trình độ chuẩn.

Tuy nhiên, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục ĐH (KĐCLGD) từ 4 Trung tâm kiểm định, đánh giá ngoài dựa trên hơn 100 trường ĐH và học viện mới đây cho thấy, hiện có trên 43% số trường có đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo trình độ chuẩn.

Ảnh minh họa.

Băn khoăn chất lượng

Theo đó, trong giai đoạn từ tháng 1/2016 đến 31/5/2018, 4 trung tâm gồm Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục-ĐHQG Hà Nội (VNU-CEA); Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQG TPHCM (VNU-HCM-CEA); Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam (CEA-AVU&C); Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục- ĐH Đà Nẵng (CEA-UD) đã đánh giá ngoài 122 trường ĐH và học viện, 3 trường CĐ. Kết quả kiểm định có 117 trường đạt chuẩn còn 5 trường không đạt. Trong số các trường đạt chuẩn, có nhiều trường có số lượng tiêu chí đạt chuẩn thấp. 

Kết quả KĐCLGD công khai trên cổng thông tin điện tử của bốn Trung tâm cho thấy, trong 10 tiêu chuẩn với 61 tiêu chí đánh giá chất lượng, duy nhất có 1 trường ĐH có số lượng tiêu chí “Đạt” cao nhất (56/61 tiêu chí “Đạt yêu cầu” và số lượng tiêu chí “Chưa đạt” ít nhất (5/61 tiêu chí “Chưa đạt yêu cầu”); 25 trường/học viện (chiếm tỷ lệ 21,36%) có 49 tiêu chí “Đạt” và 12 tiêu chí “Chưa đạt” (49 tiêu chí “Đạt” là con số tối thiểu để một trường/học viện được công nhận đạt Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục).

Trong đó đáng lưu ý là tiêu chí 5.6: Đội ngũ giảng viên đảm bảo trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định. Giảng dạy theo chuyên môn được đào tạo; đảm bảo cơ cấu chuyên môn và trình độ theo quy định; có trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Kết quả công bố cho thấy có 43,6% cơ sở GDĐH chưa đạt yêu cầu.

Về vấn đề này, đại diện Bộ GDĐT cũng khẳng định, chất lượng giảng viên ĐH cho đến nay vẫn là một mối băn khoăn lớn khi nhiều cán bộ giảng viên không tham gia nghiên cứu khoa học, chưa có bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. Trước đó, trong năm 2017, theo công bố của Bộ GDĐT, trong số hơn 200 trường ĐH công khai đội ngũ giảng viên cơ hữu, nhiều trường có từ 40% đến 60% giảng viên chưa đủ chuẩn trình độ. Những con số này thực sự gây bất ngờ với rất nhiều người. Nó cũng đặt ra những nghi ngại nhất định về chất lượng giáo dục ĐH với tỉ lệ không nhỏ giảng viên không đủ chuẩn trình độ như hiện nay. Điều này cũng dễ hiểu vì sao Việt Nam chưa có trường ĐH nào được lọt vào tốp 500 trường hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng uy tín. 

Trình độ giảng viên phải ngang tầm thế giới

Theo phân tích từ các chuyên gia, vấn đề chủ yếu mà các trường cần cải thiện tập trung là việc quản trị ĐH và tổ chức quản lý trường ĐH, chương trình đào tạo. Cùng với đó, việc cần thiết nâng chuẩn giảng viên ĐH cũng đang được đặt ra trong quá trình Bộ GDĐT lấy ý kiến đóng góp cho Luật Giáo dục ĐH sửa đổi.

Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi đã quy định rõ hơn những vấn đề liên quan đến “chuẩn” giảng viên. Đáng lưu ý là quy định giảng viên ĐH bắt buộc phải tham gia và có khả năng tham gia để xây dựng phát triển các chương trình đào tạo. Quy định này làm cho giảng viên phải có được những kiến thức thực tế tốt hơn. Phải nắm được thực tiễn đang yêu cầu cái gì để xây dựng chương trình đào tạo và giảng dạy đào tạo những vấn đề phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó quyền của giảng viên cũng được mở rộng hơn để tham gia vào những cơ sở này. Ví dụ trước đây giảng viên chỉ được ký hợp đồng để thỉnh giảng, để nghiên cứu khoa học với các cơ sở GDĐT thì bây giờ được quyền ký hợp đồng và nghiên cứu với tất cả các cơ quan khác ngoài xã hội.

Ông Cường cũng phân tích: Trong dự thảo Luật lần này quy định về tiêu chuẩn giảng viên trong mỗi hệ đào tạo là có chặt chẽ hơn. Trước đây có nói giảng viên giảng dạy ĐH thì phải là thạc sĩ, giảng dạy sau ĐH thì phải là từ tiến sĩ trở lên. Tuy nhiên vẫn còn có những điểm chưa thực sự chặt chẽ. Lần này dự thảo đã đề xuất rõ quy định đây là điều kiện bắt buộc, tối thiểu phải có. Như vậy, khi tuyển dụng, các cơ sở đào tạo phải dựa vào tiêu chuẩn tối thiểu này, chứ không như trước đây chỉ cần có bằng ĐH trở lên. Giờ đây ứng viên được tuyển dụng vào trường ĐH tối thiểu phải có trình độ thạc sĩ, ưu tiên trình độ cao hơn (tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư). Điều kiện này sẽ giúp cho đội ngũ giảng viên cũng đạt được trình độ giống như yêu cầu về đội ngũ giảng viên của các nước trên thế giới. Khi đó, quá trình đào tạo của Việt Nam sẽ tương đồng với các nước trên thế giới, tạo tính hội nhập. Hiện nay, các trường ĐH phải có khả năng liên thông chương trình đào tạo để chúng ta đào tạo ngang với các trường trên thế giới. Muốn ngang với các trường trên thế giới thì trước hết trình độ giảng viên phải ngang bằng.    

Dự thảo Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) quy định về giảng viên theo hướng đảm bảo chuẩn chất lượng, giao quyền tự chủ cho cơ sở GDĐH trong việc bổ nhiệm, suy tôn các chức danh giảng viên. 
Cụ thể, dự thảo đã quy định việc xây dựng chính sách thu hút và đãi ngộ giảng viên, quy định tỉ lệ cụ thể của giảng viên tham gia Hội đồng trường công lập và đại diện giảng viên tham gia Ban kiểm soát của trường tư thục để phát huy năng lực của đội ngũ giảng viên, thực hiện dân chủ trong tự chủ, quy định việc thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng giảng viên; giữ quy định về chuẩn giảng viên ĐH và giữ 5 chức danh nghề nghiệp của giảng viên theo xu hướng quốc tế (trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư), không phụ thuộc vào chức danh viên chức để thực hiện bình đẳng giữa giảng viên trường công và trường tư; quy định trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ ĐH là thạc sĩ.

Dung Hòa

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ