A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Có thực sự giảm tải?

08:26 | 03/01/2019

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới chính thức được Bộ GDĐT công bố với những điều chỉnh sau khi tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà giáo thông qua dự thảo Chương trình tổng thể ngày 27/7/2017.

Theo đó, chương trình mới giảm tải so với chương trình hiện hành: giảm số môn học, giảm số giờ học, chọn lọc nội dung giáo dục thiết thực, đổi mới phương pháp giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn môn học, chủ đề học tập và tăng cường các hoạt động thực hành. 

Thời lượng dạy học ở chương trình GDPT mới giảm mạnh, nhất ở cấp THPT từ 262 giờ (ban Cơ bản) đến 315 giờ (ban A, C) so với chương trình hiện hành.

Giảm hơn 300 giờ học

Theo ông Vũ Đình Chuẩn- Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT),  chương trình GDPT mới được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Nội dung giáo dục ở cấp tiểu học bao gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lí (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2). Thời lượng giáo dục 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút (có hướng dẫn cho các trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày).

Nội dung giáo dục cấp THCS bao gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương) và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2). Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày), giảm 53,5 giờ so với trước đây.

Nội dung giáo dục cấp THPT gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương); 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2); 5 môn học lựa chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học): Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày), giảm mạnh, từ 262 giờ (ban Cơ bản) đến 315 giờ (ban A, C) so với trước đây.

Như vậy so với chương trình hiện hành, chương trình mới có thực hiện giảm tải về thời lượng dạy học nói chung. Nhưng tương quan về thời lượng dạy học giữa các môn học không có sự xáo trộn.

Có thực sự giảm?

Nhìn từ số môn học ở cấp THCS, có thể thấy chương trình mới đã giảm số môn, chỉ còn 12 môn so với 15 môn ở chương trình hiện hành. Theo đó, 5 môn độc lập Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý cộng lại thành 2 môn học tích hợp thì thời lượng dạy học trên lớp sẽ được giảm tải (thực tế giảm được 35 tiết từ lớp 6 đến lớp 9 so với chương trình hiện hành – PV). Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia giáo dục, qua theo dõi dự thảo chương trình môn học đã công bố thì kiến thức ở từng môn học đều khá nặng. Nếu học sinh không chuẩn bị ở nhà thì rất khó học được những tiết học tích hợp trong chương trình mới. 

Liên quan đến vấn đề này, tại buổi họp báo công bố chương trình GDPT mới, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) cho biết, phương pháp dạy môn học tích hợp là, thay vì giao bài tập từ kiến thức đã học, người thầy cần giao bài tập cho học sinh ở bài sắp học. Ví dụ yêu cầu học sinh phải đọc trước bài, đọc tài liệu, nhận xét, trả lời câu hỏi, bày tỏ thắc mắc... và thầy sẽ hướng dẫn học sinh cách giải quyết để có câu trả lời.

Như vậy, phương pháp dạy học các môn học tích hợp này là học sinh cần chuẩn bị trước bài học ở nhà. Nhưng trên thực tế, cách học hiện nay là học sinh chủ yếu chỉ làm những bài tập mà thầy cô giải chưa hết trên lớp mới về nhà làm tiếp. Việc soạn bài trước chỉ có một số môn yêu cầu. Bây giờ, học sinh vừa phải làm bài tập ở nhà, vừa chuẩn bị bài chưa học như vậy thì có thực sự giảm tải? 

Cũng tại buổi họp báo này, GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới cho biết, môn học tích hợp giúp học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực, tránh trùng lặp kiến thức, tiết kiệm thời gian cho học sinh, giáo viên, góp phần giảm tải. 

Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu như khối lượng kiến thức ở từng môn học không thực sự giảm tải những phần hàn lâm, nặng về lý thuyết… mà chỉ giảm tải bằng cách gộp môn học thì công việc thực sự mỗi học sinh phải thực hiện sẽ không được giảm bớt, thậm chí còn tăng lên. 

Thứ hai, để thực hiện tốt mỗi tiết học, đòi hỏi người giáo viên phải biết giao việc cho học sinh một cách phù hợp. Nghĩa là có phương pháp hướng dẫn học sinh cách chuẩn bị trước bài ở nhà sao cho tiết học hiệu quả mà không tạo thêm gánh nặng vừa bài tập cũ, thêm kiến thức mới khiến học sinh ám ảnh với “bài tập về nhà”. 

* Bộ GDĐT thực hiện lộ trình áp dụng chương trình mới như sau: Năm học 2020 -2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Thu Hương

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ