A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chấn chỉnh tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo

08:17 | 15/03/2019

Sau hàng loạt vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo thời gian qua, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung vào Luật Giáo dục sửa đổi quy định chuẩn mực đạo đức đối với nhà giáo.

Bộ GDĐT cũng đề nghị cần kiên quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật.

Hiện đang tồn tại những khoảng trống trong bảo vệ trẻ em tại môi trường học đường. Ảnh minh họa.

Liên tiếp vi phạm đạo đức nhà giáo

Theo dõi các thông tin giáo dục thời gian qua, TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, bên cạnh những hình ảnh đẹp của người thầy được phản ánh, các vụ việc nhà giáo vi phạm chuẩn mực đạo đức nhà giáo càng thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi người thầy, từ xưa đến nay trong quan niệm của mọi người là chuẩn mực của đạo đức, nhân cách, là tấm gương cho học sinh… Khi những hành động của người thầy “lệch chuẩn” thì khó để học sinh “tôn sư trọng đạo”. Đồng nghĩa với việc những giảng dạy của giáo viên dù là về bài học trong sách vở hay về cuộc sống… sẽ đều rất khó để học sinh tiếp thu. Đó là chưa kể những vi phạm của nhà giáo ở mức nghiêm trọng sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật nhưng hình ảnh mẫu mực của người thầy giáo nói chung trong nhận thức của con trẻ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, tác động không tốt.

Giải pháp mà Bộ GDĐT đưa ra đến thời điểm này là các văn bản yêu cầu chấn chỉnh đạo đức nhà giáo liên tiếp được ban hành. Cụ thể, ngày 6/12/2018, Bộ GDĐT có công văn gửi các sở GDĐT về việc đôn đốc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo sau hàng loạt vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, có hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành và dư luận xã hội…

Đến ngày 11/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký ban hành công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường chỉ đạo, khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo. Bộ GDĐT cũng đề nghị thường xuyên rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời, không bố trí đứng lớp các giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, kiên quyết đưa ra khỏi ngành Giáo dục những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật.Trước đó, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cũng chia sẻ 4 giải pháp Bộ GDĐT sẽ thực hiện trong năm học 2018-2019 nhằm khắc phục tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Trong đó, đáng chú ý là hoàn thiện Đề án Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện từ năm học 2018-2019; chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các nội dung về đạo đức nhà giáo, đưa quy tắc ứng xử vào trong quy chế làm việc; phát huy dân chủ trường học.

Đồng thời, Bộ GDĐT đã rà soát, hoàn thiện các chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có quy định về phẩm chất đạo đức nhà giáo... Tuy nhiên, những giải pháp này dường như vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả và các vi phạm bị xử lý cũng không đủ sức răn đe khiến vi phạm chồng vi phạm.

Bổ sung vào luật quy định chuẩn mực đạo đức

Phát biểu tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng dư luận xã hội thời gian qua đã phản ánh các hành vi thiếu chuẩn mực của nhà giáo xuất hiện tuy không nhiều nhưng lại có ảnh hưởng rất sâu rộng. Hiện nay trong Luật, tất cả các quy định về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm… của nhà giáo đều là quy định đối với giờ học chính khóa. Vậy trong các giờ dạy thêm thì việc quản lý nhà nước như thế nào? Từ vụ việc thực tế xảy ra tại Bắc Giang vừa qua, bà Nguyễn Thanh Hải đề xuất cần nghiên cứu, bổ sung quy định này vào trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị quy định chuẩn mực đạo đức nhà giáo vì chuẩn mực đạo đức của ngành rất quan trọng.

Hiện ngoài Luật Viên chức, nhà giáo còn bị điều chỉnh bởi quy định về đạo đức nhà giáo (theo Quyết định 16/2008 của Bộ trưởng Bộ GDĐT). Văn bản nêu rõ, nhà giáo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân phải đáp ứng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống tác phong phù hợp. Để giữ gìn truyền thống đạo đức, nhà giáo bị cấm 11 điều, trong đó có cấm không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác... Đồng thời không hút thuốc lá, uống rượu, bia trong công sở, trong trường học và nơi không được phép hoặc khi thi hành nhiệm vụ giảng dạy và tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường…

Quy định đã có nhưng tại sao tình trạng này vẫn tiếp diễn? Theo các chuyên gia giáo dục, nhìn nhận một số vụ việc từ phía người học thì có nguyên do là hiện nay trong các nhà trường chưa tạo được cơ chế, chế tài để trẻ em được báo cáo khi có sự việc xảy ra. 

Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị An- chuyên gia bảo vệ trẻ em: Hiện đang tồn tại những khoảng trống trong bảo vệ trẻ em tại môi trường học đường. Do đó đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận rõ nguy cơ nguy hiểm có thể xảy ra trong môi trường giáo dục và đề ra các biện pháp bảo vệ trẻ em.

“Chúng ta cần giáo dục cho các em có kiến thức, tin vào bản thân mình và trình báo vụ việc khi có nghi ngờ. Đặc biệt là trong các môi trường nuôi dưỡng tập trung như nội trú, bán trú hay các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ thì nguy cơ trẻ em bị bạo lực, xâm hại cao hơn rất nhiều so với trẻ được chăm sóc tại gia đình bởi lúc đó các em sống phụ thuộc vào nhà trường rất nhiều, quyền lực của bố mẹ đối với nhà trường giảm đi rất nhiều. Để giảm thiểu điều đó cần cơ chế bảo vệ các em tại các cơ sở giáo dục cần được quan tâm hơn nữa”- bà Nguyễn Thị An nói.  

Thu Hương

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ