A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thất nghiệp ảo

14:04 | 25/03/2014

Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ CĐ cao gấp 4 lần, trình độ ĐH trở lên cao gấp 3 lần tỷ lệ đối tượng thất nghiệp khác, Bộ LĐTB&XH và Tổng cục Thống kê mới công bố số liệu này.

Tuy nhiên số thất nghiệp ảo lâu nay chưa được phân tích thấu đáo nên chưa phản ánh được chính xác về tỷ lệ thất nghiệp.

 
Đào tạo nhiều sử dụng bao nhiêu?
 
Đó là số lao động có việc vẫn khai gian để hưởng trợ cấp thất nghiệp, là cử nhân thạc sĩ chưa có việc đúng ngành nghề dù đi làm dọn nhà vẫn tính là có việc. Những lao động được Nhà nước đào tạo không chịu đi làm việc ở vùng xa cũng là thất nghiệp ảo…
 
Có dự báo đâu mà chính xác
 
Theo bản tin thị trường lao động quý I năm nay do cơ quan chức năng vừa công bố, riêng quý IV-2013 cả nước có 900.000 người thất nghiệp, tăng 48.000 người so với cùng kỳ 2012. Chỉ có tỷ lệ thất nghiệp lao động nữ giảm, còn lại tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị, ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đều tăng cao.
 
Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động trình độ ĐH trở lên tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước, trong khi ở nhóm CĐ chỉ 1,3%. Nhóm thanh niên từ 20 - 24 tuổi mới tốt nghiệp CĐ và ĐH trở lên có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, lên tới 20,75%. Khoảng 72.000 lao động có trình độ ĐH, sau ĐH bị thất nghiệp. 
 
Trong khi dự báo triển vọng việc làm 2014 của bản tin nói trên khá lạc quan cho rằng cơ cấu việc làm đang chuyển dịch theo hướng tích cực, nhiều người đặt câu hỏi: Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp tăng có phải do quản lý? 
 
PGS.TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó GĐ ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng: Giáo dục ĐH đang trả giá cho những dự báo thiếu chính xác. Nhiều ngành nghề vài năm trước rất "hot” nay bị ngưng tuyển sinh. Thực ra nói vậy còn nương nhẹ. Phải gọi đúng tên sự việc là có bộ, ngành nào dự báo nhân lực đâu mà chính xác?
 
Ngay mùa tuyển sinh ĐH, CĐ này, ngành nóng, ngành nguội cũng chỉ là "cảm quan” của đội chuyên viên hướng nghiệp, chả có căn cứ khoa học nào để khẳng định ngành nào thiếu, thừa ra sao. Thêm nữa, chính sách đãi ngộ nửa vời khiến số có nghề thất nghiệp cứ tăng mà nơi khát lao động có chuyên môn vẫn triền miên khát.
 
Khuyến khích "tự cứu”? 
 
Các chuyên gia đã mổ xẻ nhiều nguyên do khách quan khiến thất nghiệp không giảm, như chất lượng đào tạo các nhà trường yếu kém, cung không gặp cầu, thiếu công khai, minh bạch thông tin tuyển dụng, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tác động đến khả năng tạo việc làm … 
 
Thực ra có một lý do không nhỏ chưa được phân tích lâu nay và tìm thuốc cứu, là chính người lao động thà thất nghiệp ăn bảo hiểm "ngon” hơn là đi làm việc xa nhà. Kể cả sinh viên hưởng ngân sách hỗ trợ kinh phí đào tạo ở ĐH công cũng vậy.
 
Đó là thực trạng của Yên Bái, đãi ngộ rất rộng cho người tình nguyện lên công tác nhưng vẫn trống cán bộ, "thêm 60 tháng lương bác sĩ vẫn không lên Mù Cang Chải”. Giám đốc Sở Y tế Lường Văn Hom bảo: Bác sĩ ra trường về BV tỉnh được luôn 62 triệu đồng, dược sĩ 52 triệu. Sau đó nếu lên Mù Cang Chải, Trạm Tấu, hoặc làm việc tại khoa lao, lây, HIV/AIDS, pháp y, tâm thần, nhận thêm 60 tháng lương, "nhưng đến giờ chưa có ai xung phong”. Số bác sĩ, dược sĩ thất nghiệp hiện ở thành phố làm trình dược viên, bán mì gói, vì thế không ít thất nghiệp ảo.
 
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết: Bộ này khuyến khích các mô hình kinh tế cá thể, tự tạo việc làm và xem đây là một hướng đi cần thiết để người lao động tự kiếm việc làm, giảm thất nghiệp khi kinh tế còn khó khăn. Nhưng liệu tự cứu vậy có tự phát và manh mún? Có rơi vào bi hài kịch kiểu cử nhân đổ xô đi học lên thạc sĩ vì... thất nghiệp, hy vọng bằng cấp cao dễ tìm được việc hơn?
 
Cố tình thất nghiệp?
 
Người lao động nhiều địa phương cố tình "nhảy việc” để trục lợi chính sách bảo hiểm cũng đang khiến số "thất nghiệp ảo” tăng cao. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm giới thiệu việc làm Đông Nam Bộ có trụ sở tại Đồng Nai đã thu hồi 5 quyết định chi trả trợ cấp thất nghiệp do người lao động đã có việc làm nhưng cố tình không báo cho Trung tâm để hủy quyết định chi trợ cấp. Cùng thời gian trên tại Đồng Nai, gần 6.000 người nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp và Trung tâm đã ra quyết định trợ cấp cho 4.100 lao động, số tiền hơn 36,8 tỷ đồng. 
 
Từ những tồn tại do thất nghiệp ảo kéo dài, có thể thấy thay vì theo đuổi mục tiêu tăng tối đa chỉ tiêu giáo dục ĐH, CĐ để "trường nào cũng vui”, lãng phí tiền của và thời gian, cần tập trung phân luồng đáp ứng các nhu cầu thiết thực nội tại của xã hội và nền kinh tế, có cơ chế đãi ngộ để người thất nghiệp không "dồn đống” ở các TP lớn, để kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa bớt tụt hậu. 
 
… Nói chuyện mới đây với cán bộ Đoàn và các bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu "đừng để thanh niên thất nghiệp”. Để tạo điều kiện cho thanh niên lập nghiệp, Thủ tướng đồng tình với Bộ NN&PTNT về việc đưa thanh niên ra lập nghiệp ở các đảo.
 
Nỗi đau thất nghiệp thật và ảo rất cần bắt bệnh chính xác, tìm địa chỉ điều trị rõ ràng, minh bạch.
 
Thanh Như

 

    Nguồn :Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ