A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bắt đầu từ đổi mới đề thi

13:53 | 30/06/2023

Trong kỷ nguyên số, người ta hướng đến cách tiếp cận và giải quyết vấn đề mà đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT 2023 vẫn chỉ ở mức độ thấp nhất là dạng câu hỏi phát hiện như: "thể thơ gì?", "chỉ ra phép tu từ gì?".

Những câu hỏi mà ngay cả học sinh lớp 6 cũng trả lời ngon lành.

Đề thi mãi loay hoay với phần viết, nghị luận xã hội từ "viết bài văn ngắn" và mấy năm nay là "đoạn văn 200 từ". Thiết nghĩ, đoạn văn ngắn chẳng đo lường được kỹ năng gì trong quá trình học ngữ văn của sinh lớp 12 và cũng xa rời thực tiễn.

Phần viết bài nghị luận xã hội nhằm đánh giá những góc nhìn đa chiều, sự quan sát đời sống, cách thể hiện quan điểm, khả năng lập luận logic trước một vấn đề xã hội. Với một đoạn văn co cụm trong 200 từ, trong một khung đáp án không chấp nhận viết dài và đủ các yêu cầu của một đoạn văn thì học sinh không thể không ép mình viết theo mẫu. Và giáo viên trong quá trình dạy, để bảo đảm học sinh có điểm cũng sẽ "cấm" luôn học sinh không được viết như ý các suy nghĩ. Như vậy với cách ra đề như hiện tại, chúng ta đang đánh mất khả năng tư duy ngôn ngữ của học sinh. Khi vào đời các em sẽ phải vật vã mới có thể thay đổi một lối tư duy, viết, nói như mình nghĩ! Đây thực sự là một tổn thất lớn, mà bấy lâu nay khi nói đến dạy và học văn là người ta chỉ nghĩ đến "văn mẫu".

Để gửi hồ sơ du học đại học, học sinh phải hoàn thành bài luận dài (800 - 1.000 từ và không quá 1.200 từ). Sẽ như thế nào khi học sinh lớp 12 của chúng ta chỉ quen viết đoạn văn 200 từ và đây thực sự cũng là một bất cập giữa cách dạy, học và giá trị thực tiễn trong hành trang vào đời của học sinh.

Tôi cũng không đánh giá cao phần nghị luận văn học. Đã từ rất lâu trong đổi mới dạy học văn, chúng tôi đã tránh ra những lệnh đề "phân tích" để hạn chế khuôn mẫu trong cảm nhận tác phẩm văn học. Và cũng nên chọn cách ra đề mà ngữ liệu không nhất thiết phải có trong chương trình. Ngữ liệu có giá trị thực tiễn gần gũi với đời sống đương đại để học sinh có nếp quen thấu cảm từ đời sống.

"Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân là truyện ngắn hay nhưng đây không phải là đoạn văn hay trong tác phẩm. Đặc biệt, ngữ liệu trong đoạn trích này như tiếng trống thúc thuế…, miếng cám chát xít…, cướp kho thóc… là xa lạ, khó hiểu, khó biểu đạt đối với học sinh hiện nay, nếu không nói là lạc hậu.

Đề thi ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT mãi loay hoay với học gì thi nấy. Chỉ cần làm một phép loại nhỏ là lớp học nào cũng có thể "trúng đề" trước mỗi kỳ thi. Ngữ liệu tác phẩm văn học trong sách giáo khoa lớp 12 hiện nay không nhiều, vì vậy việc chọn các đoạn trích để ra đề rất quan trọng trong việc đưa tác phẩm đến với học sinh, với thế hệ trẻ.

Ngữ liệu không có giá trị thì chỉ cổ vũ cho việc học tủ, học thuộc, nói theo khuôn mẫu và làm mất đi tính sáng tạo trong các bài văn của học sinh. Là giáo viên môn ngữ văn, chúng tôi tha thiết một sự đổi mới thực sự trong ra đề thi trong một kỳ thi tầm cỡ quốc gia.

Đề thi môn ngữ văn rất quan trọng vì nó liên quan đến việc dạy và học văn trong nhà trường. Chúng ta cần những đề thi văn khuyến khích học sinh sáng tạo, cho các em nói lên được ước mơ, suy nghĩ của bản thân và quan trọng nhất là không giáo điều, sáo rỗng, học tủ, học nói theo người khác.

Kỹ năng giao tiếp rất cần thiết trong hành trình trưởng thành của học sinh và việc học ngữ văn cần phải thay đổi. Sẽ như thế nào khi học sinh mãi chịu sự đo lường trong những đề thi cũ kỹ?

Thế giới đang đổi thay, trí tuệ nhân tạo với ChatGPT thách thức với tất cả mọi lĩnh vực đời sống và người dạy học không ở ngoài những thách thức đó. Giáo dục cần đổi mới triệt để và cũng cần bắt đầu từ đổi mới đề thi.

Nguyễn Thị Ngọc Diệp (giáo viên Trường Quốc tế song ngữ Horizon)

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bat-dau-tu-doi-moi-de-thi-20230629222844871.htm

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ