A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Một học kỳ… bỏ điểm

10:00 | 18/01/2015

Thay đổi cách tư duy về điểm số, không câu nệ những khuôn mẫu đã định, biết chấp nhận phương pháp đánh giá khác, tự điều chỉnh thích nghi…, cũng là không ngừng tìm kiếm sáng tạo.

Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ngày 23-8-2014 của Bộ GD&ĐT gây ấn tượng với việc bỏ chấm điểm ở tiểu học đang qua một học kỳ, cho thấy cần thay đổi cả cách dạy, cách học.

Thi kéo co ở tiểu học

Dù cô trò đã quen đánh giá không điểm số

Sau một thời gian triển khai Thông tư 30, dù công việc của giáo viên có phần bận rộn hơn, nhưng cũng đã thuần thục với cách đánh giá mới bỏ chấm điểm. Đa số giáo viên hài lòng khi thấy học trò mình vui vẻ, tiến bộ tới trường.

Cô Giang Thùy Hải Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển TP.HCM chia sẻ, do đã có một năm học thực hiện việc không chấm điểm ở khối lớp 1, nên năm nay khi triển khai khối lớp 2, 3, 4, 5, giáo viên cũng không có quá nhiều khó khăn bỡ ngỡ và nhận xét: "Đầu năm học này trường đã áp dụng và đến ngày 15-10 khi Thông tư 30 có hiệu lực và cho đến nay các giáo viên đều đã quen với công việc này”.

Vấn đề đáng băn khoăn chăng, là có những phụ huynh lo ngại rằng cách chấm điểm mới - đúng hơn là nhận xét thay chấm điểm, có thể làm giảm sự cố gắng của con em họ, chứ không chỉ giảm áp lực do không còn sợ bị điểm kém, bị truy bài vở. Điều này nếu có cũng là hệ quả tất yếu của việc nhà trường, gia đình một thời gian dài chỉ lấy điểm số làm mục tiêu khuyến khích con em học hành phấn đấu. Trong khi thực tế có những "môn học” mặc định lâu nay không cho điểm, thực chất rất quan trọng trong cuộc sống, như ý thức tự vươn lên, sáng tạo trong vui chơi, học tập của các em.

Sự nhớ máy móc các kiến thức và sự kiện, kèm theo điểm số cao như lâu nay, là không cần thiết, vì chúng sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Điều quan trọng không phải dạy cho học sinh/con em biết cái gì, mà là giúp trẻ hiểu tại sao, bằng cách nào để biết được điều đó. Tức chú trọng đến hiểu hơn là biết - dạy cách nghĩ, cách cảm, cách tư duy. Chính vì thế, cha mẹ cũng phải học cách bớt "ham” điểm số, để cùng thầy cô dạy tri thức, đồng thời dạy cách học, cách tư duy cho con em mình.

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Thông tư 30 về việc bỏ chấm điểm cho học sinh tiểu học không chỉ giảm áp lực mà còn phát triển theo đúng tâm lý của học sinh vì lứa tuổi học sinh tiểu học là vừa học, vừa chơi, chơi mà lại học. "Giảm áp lực cho học sinh và thực hiện một yêu cầu giáo dục hiện đại, tức là tôn trọng sự phát triển nhân cách tự nhiên của học sinh tránh việc học gò bó ép buộc”, ông nói.

Cần phát triển năng lực tự học

Thực hiện một Thông tư mới ban đầu dĩ nhiên sẽ có những khó khăn nhất định, đó chính là bỏ thói quen cho điểm đã tồn tại bao nhiêu lâu nay đối với giáo viên, nhưng cái khó không nằm ở "kỹ thuật” nhận xét đánh giá, mà chính là đổi mới quan niệm giảng dạy, một cuộc cách mạng thực sự với giáo viên, chứ không chỉ học sinh.

Giảm áp lực không chấm điểm vì thế  không hẳn đồng nghĩa  Bộ GD&ĐT phải giảm nội dung chương trình SGK ngay từ bây giờ, bởi cho dù cắt 20% hay 30% chương trình thì ở đây, cũng chỉ giảm tạm thời về số lượng, trong khi sự thay đổi nằm ở chỗ cách dạy và cách học, đặc biệt là dạy học sinh cách tự học, tự làm giàu kiến thức.

Tự học là tự tìm tòi, tự đặt câu hỏi, tự tìm hiểu để nắm được vấn đề, hiểu sâu hơn, thậm chí hiểu khác đi bằng cách sáng tạo, đi đến đáp số khác, kết luận khác. Học sinh sẽ bớt sợ SGK, sợ kết quả thi cử, điểm số, có một cách ứng xử thông mình mới tự tin đánh giá bản thân. Cái chính ở đây vẫn là quan niệm về mục tiêu giảng dạy, tập trung vào hình thành cách nghĩ cho học sinh, không phải điểm số.

Phát triển năng lực tư duy trong trường học, không chỉ ở tiểu học, cần được quan tâm hàng đầu trong nghiên cứu và chính sách giáo dục trong đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT. Thông tư 30 không chỉ có lợi cho học sinh nên "nên làm”, mà còn có lợi cho giáo viên thích ứng với phương pháp giáo dục mới. Thông tư 30 này có thể xem như một phép thử cần thiết, về đổi mới tư duy giáo viên trong đánh giá, trong cách dạy. Tất nhiên việc thực hiệc hồ sơ đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 hiện nay nhiều điểm không phù hợp với thực tế giảng dạy, chắc Bộ sẽ có những điều chỉnh.

Có điều, nói như một chuyên gia giáo dục, thì "cấp trên phán không cho điểm tiểu học thấy rất hay, dưới cũng thấy rất hay, nhưng lúc làm thực, phải đương đầu với thực tiễn lại đầy bất cập. Đó là vì cô cũng lo quá, nếu cô vẫn đang bay bổng những lời nhận xét quý hóa dành cho trò nhưng đến cuối kỳ, học trò của cô thi toàn hai, ba điểm, cô cũng nguy với lãnh đạo nhà trường và phụ huynh”.

Quả thực nếu cả học kỳ học tiểu học, cô không cho điểm học trò, đến lúc thi vẫn là cho điểm, sẽ rất khó cho người dạy, người học. Việc không cho điểm cần làm đồng bộ suốt bậc tiểu học, cả khi "chuyển giao” học sinh tiểu học lên cấp THCS, sẽ khoa học nhất quán, an tâm hơn cho người thực hiện.

Phương Nguyễn

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ