A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu

13:47 | 01/07/2015

Cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp (DN) Dak Lak với đoàn tham tán, tùy viên các nước: Đức, Hoa Kỳ, Bỉ, Thụy Điển, Ai Cập, Ấn Độ, Mexico, Ma-rốc, Nhật Bản...

... được tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua tại TP. Buôn Ma Thuột đã “gỡ rối” nhiều vấn đề cho DN xuất khẩu của tỉnh.

Nhiều cơ hội

Trao đổi với đoàn tham tán, tùy viên tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak Nguyễn Hải Ninh đã thông tin sơ lược những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội cũng như tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Qua đó, xác định, tỉnh luôn lấy nông nghiệp làm mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, trong hoạt động xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng chủ lực của tỉnh như cà phê, tiêu… thì điều mà các DN địa phương hiện nay đang rất cần là thông tin về thị trường các nước. Để phần nào khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, nhiều DN đã chủ động tự tìm kiếm thông tin liên kết trên mạng…

Đưa hàng lên Container tại kho cà phê của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak.

Đưa hàng lên Container tại kho cà phê của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak.

Các tham tán, tùy viên cũng đã giới thiệu chung về đặc điểm thị trường Hoa Kỳ, Đức, Thụy Điển, Mexico, Ma-rốc, Ai Cập, Bỉ… và cho rằng, đây là những thị trường giàu tiềm năng để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Đánh giá về năng lực xuất khẩu của tỉnh, các tham tán, tùy viên khẳng định, Dak Lak có nhiều cơ hội, lợi thế để mở rộng hoạt động xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như cà phê, tiêu, mật ong…, đặc biệt là xuất sang các thị trường mới như Ai Cập (sản phẩm tiêu), Ma-rốc, Thụy Điển, Hoa Kỳ (mật ong)… Đáng chú ý, trong số đó Nhật Bản được cho là thị trường lớn và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xuất khẩu Việt Nam. Thời gian qua, nông sản của DN Việt đã có chỗ đứng tại thị trường này, tuy nhiên cũng không tránh khỏi những khó khăn bởi các tiêu chí kiểm duyệt khắt khe về chất lượng cũng như hình thức sản phẩm. Song, nếu DN của tỉnh đã thâm nhập được thị trường “khó tính” này thì cũng sẽ dễ dàng tiếp cận vào các thị trường khác.

Giới thiệu về thị trường Ma-rốc, tham tán thương mại tại nước này khẳng định đây là một trong 10 thị trường lớn của Việt Nam tại châu Phi để xuất khẩu sản phẩm cà phê và các mặt hàng thủy sản, tuy nhiên so với một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc thì thị trường Ma-rốc không hề quá “khó tính” ở khâu sát hạch sản phẩm, quy định về dư lượng hóa chất trong từng sản phẩm nông nghiệp… nên sẽ “rộng đường” hơn cho DN của tỉnh xâm nhập vào thị trường này hơn.

Kiểm tra về chất lượng cà phê trước khi xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak.

Kiểm tra về chất lượng cà phê trước khi xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak.

Đối với thị trường Hoa Kỳ, bà Trương Thùy Linh, Trưởng chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Trưởng đoàn tham tán, tùy viên thông tin, kim ngạch nhập khẩu hằng năm của nước này đạt 2 tỷ USD, điều đó cho thấy, tiềm năng để DN trong nước đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ là rất lớn, thêm vào đó, cộng đồng người Việt tại đây khá đông, sẽ là kênh kết nối thuận lợi để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang nước này. Thời gian qua, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là hàng nông sản, dệt may, đồ nội thất, gốm sứ…

Tương tự, các nước Mexico, Ấn Độ, Bỉ, Đức… được kỳ vọng sẽ là thị trường hấp dẫn cho các DN của tỉnh trong thời gian tới. Đoàn tùy viên, tham tán các nước cũng cho biết sẽ nỗ lực làm tốt vai trò là “cầu nối” thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, đưa sản phẩm của các DN  địa phương có mặt tại thị trường trên. 

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Trước sự gợi mở của các tham tán, tùy viên, nhiều DN của tỉnh có mặt trong buổi tiếp xúc cũng đã trao đổi những thắc mắc về quy trình, thủ tục xuất khẩu cũng như chính sách ưu đãi cho DN Việt khi đưa hàng hóa tiêu thụ vào các  thị trường này.

Đa số DN cho rằng, trong hoạt động xuất khẩu, thông tin về đối tác cũng như thị trường tiêu thụ là vô cùng cần thiết. Trên thực tế, thời gian qua, một số DN của tỉnh vẫn còn thiếu kiến thức về đối tác giao dịch như nhu cầu thị trường, thị hiếu khách hàng, xu hướng về mẫu mã, giá cả… của các nước trên nên khó đưa hàng hóa xâm nhập. Do đó, nguồn tin từ các tham tán, tùy viên, cơ quan thương mại… được xác định là hết sức quan trọng. Đại diện Sở Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột thẳng thắn nhìn nhận, trong hoạt động trao đổi hàng hóa, DN nước ngoài quá hiểu về thị trường cũng như thị hiếu tiêu dùng của người Việt. Song ngược lại, DN Việt lại chưa hiểu hết về nhu cầu của người tiêu dùng ở các nước. Do đó, ông mong muốn các tham tán, tùy viên cung cấp thông tin nhiều hơn nữa về thị trường cũng như gắn kết DN của tỉnh với các đối tác nước bạn.

Ông Lê Thanh Vân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ong mật Dak Lak cho biết, năm 2014 đơn vị xuất gần 11.000 tấn mật ong sang thị trường các nước, trong  đó tập trung phần lớn vẫn là Hoa Kỳ. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, lượng xuất khẩu đã sụt hẳn, khoảng 40% so với thời điểm này của năm 2014, mặc dù sản phẩm DN vẫn đáp ứng đủ các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, quy trình phía đối tác đưa ra trước đó. Do đó, ông đề nghị, các tham tán thương mại tại đây giúp DN tìm hiểu nguyên nhân và làm việc với Bộ Thương mại Hoa Kỳ “nới  lỏng” chỉ tiêu quy định về thuốc bảo vệ thực vật như trước đây. Ông Lê Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak cũng chia sẻ, riêng ở sản phẩm cà phê, DN trong nước chưa có sự chủ động về giá, do đó, rất cần sự gắn kết chặt chẽ giữa các nhà sản xuất, xuất khẩu của  địa phương để tháo gỡ vấn đề này. Ông dẫn chứng, niên vụ cà phê 2014-2015, cà phê trong nước bị mất mùa khoảng 20%, song, lại bị mất luôn về giá. Thê thảm hơn, giá cà phê xuất khẩu đang phải chịu mức giá thấp hơn giá trong nước. Trong khi đó, cà phê Robusta Việt Nam sản xuất ra nhiều nhưng vẫn không thể khống chế về giá. Vì thế, nhà xuất khẩu muốn có đầu ra tốt  thì phải có thị trường tốt, đơn vị này mong muốn tìm hiểu rõ hơn về nhu cầu thị trường các nước, và các tham tán, tùy viên hỗ trợ xúc tiến để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại Mexico, Ma-rốc.

Theo đại diện Công ty ca cao Nam Trường Sơn thông tin, hằng năm công ty xuất đi khoảng 50.000 tấn ca cao các loại, chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Đài Loan, Nhật Bản. Trong quá trình giao dịch,  DN rất cần tham tám thương mại nước sở tại xác minh thông tin đối tác trong việc phát triển khách hàng và hỗ trợ giúp DN đưa sản  phẩm mở rộng đến các nước khác.

Chia sẻ khó khăn với các DN, các tham tán, tùy viên cho biết sẽ nỗ lực  hết mình làm “cầu nối” xúc tiến thương mại và giúp DN tiếp cận các thị trường mới. Khắc phục vấn đề “đói” thông tin, một số tùy viên cho rằng, cũng có trường hợp DN kêu “đói” thông tin và có nhu cầu mở rộng thị trường nhưng không gửi mẫu đi kèm. Do đó, tham tán, tùy viên thương mại không đủ cơ sở cũng như hàng mẫu để giới thiệu, “chào hàng” với đối tác. Thêm vào đó, khi giao dịch, bản thân DN cũng rất cần xác minh thương nhân rõ ràng để tránh rủi ro. Về vấn đề này thì phía tham tán, tùy viên sẽ đồng hành, phối hợp tốt để hỗ trợ DN tìm hiểu kỹ về đối tác trước khi quyết định ký kết các hợp đồng.

Đỗ Lan

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ