A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thủ phủ hồ tiêu nỗ lực giúp dân quên cây 'vàng đen'

13:40 | 07/01/2020

Nông dân Chư Pah (Gia Lai) được khuyến khích phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo nhờ cây ăn quả, quên dần đi cây hồ tiêu.

Vườn mít Thái của ông Hoàng Thái Hùng cho thu hoạch vụ đầu tiên

Hội Nông dân (HND) Chư Pah (Gia Lai) hiện có 74 tổ chức Hội cơ sở với trên 10.000 hội viên. Những năm qua, các cấp HND trên địa bàn đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp giúp các hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và đặc biệt là quên dần đi cây hồ tiêu.

Mô hình trồng mít Thái thuộc tổ hội trồng cây ăn quả của gia đình ông Hoàng Thái Hùng (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú) là một ví dụ điển hình. Theo chia sẻ của người nông dân này, từ lúc cây hồ tiêu bệnh chết và rớt giá, gia đình dù hết sức chán nản song trước "miếng cơm manh áo" hằng ngày, mọi người buộc phải tiếp tục lao động sản xuất. Lúc này, việc trồng cây gì, nuôi con gì là một bài toán hết sức nan giải.

Rồi ông Hùng tham gia các lớp tập huấn do HND huyện Chư Pah tổ chức và quyết định trồng cây mít Thái. Từ kiến thức được trang bị về cách chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại, ông Thái đã tự tin cắm 350 cây mít Thái trên diện tích 3.000m2 đất. Đến nay, vườn mít của gia đình đã cho vụ thu hoạch đầu tiên.

"Hiện tôi đã thu hoạch được nửa vườn, thu về 70 triệu đồng. Dự kiến đến cuối năm, khi thu hoạch hết toàn bộ vườn cây thì được khoảng 130 triệu đồng", ông Hùng nói.

Theo ông Huỳnh Xuân Huy, Chủ tịch HND xã Ia Hrú, Hội đã thành lập tổ hội nghề nghiệp trên cơ sở tập hợp các hội viên cùng lĩnh vực sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng chia sẻ. Hiện tổ hội trồng cây ăn quả thôn Phú Quang có 8 hội viên.

Năm 2019, thông qua HND huyện, các hội viên được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện để đầu tư cho sản xuất. Từ đây, các hội viên có điều kiện để lắp đặt thêm hệ thống tưới tiết kiệm, trồng cây chắn gió xung quanh vườn...

Tương tự, mô hình kinh tế tổng hợp đã giúp anh Phạm Minh Tân (thôn Phú An, xã Ia Le) cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu. Anh Tân cho biết, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây cam sành, năm 2015 anh đã phá bỏ gần 2.000 gốc hồ tiêu mắc bệnh chết nhanh để trồng cam sành và các loại cây ăn quả khác. Hiện nay, anh đã trồng hơn 4 ha cây ăn quả gồm cam sành, chanh tứ quý, bưởi da xanh, mít thái, sầu riêng…

"Tính riêng năm 2018, tôi thu được hơn 1 tỷ đồng từ 80 tấn cam sành và từ hơn 1.000 cây chanh tứ quý. Năm nay, năng suất các loại cây ăn quả sẽ không bằng năm ngoái vì đợt vừa rồi gặp hạn”, anh Tân chia sẻ.

Anh Phạm Minh Tân thu được hơn 1 tỷ đồng từ 80 tấn cam sành và từ hơn 1.000 cây chanh tứ quý (tính riêng trong năm 2018).

Theo HND xã Ia Le, toàn xã hiện có 10 ha trồng cây ăn quả. Chủ của 10 ha cây ăn quả này đang có cuộc sống khá giả hơn khi làm hồ tiêu nhờ giá cả ổn định, cây đạt năng suất cao.

“Đa phần các hộ dân trồng cây ăn quả học tập theo mô hình gia đình anh Tân. Đang lúc cây hồ tiêu chết ồ ạt khiến kinh tế gặp khó khăn, họ học theo anh Tân trồng cây ăn quả, cuộc sống ổn định hơn rồi”, ông Đỗ Văn Đặng, Chủ tịch HND xã Ia Le cho hay.

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch HND huyện Chư Pah, thời gian qua, Hội đã chú trọng tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con giống có giá trị cao và phù hợp với đặc thù của địa phương vào nuôi, trồng. Cùng với đó là vận động tuyên truyền về việc thay đổi phương thức sản xuất theo hướng đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật…

Đến nay, huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung như tổ hội trồng dâu nuôi tằm ở xã Ia Blứ; tổ hội nuôi dê ở các xã Ia Dreng, Ia Le; tổ hội trồng cây ăn quả ở xã Ia Hrú, Ia Roòng, Ia Le; tổ hội trồng lúa ở xã Chư Đôn…

Song song với việc phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, HND huyện đã tích cực tổ chức các chương trình tư vấn, hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn ngân hàng và cuối năm 2019, đã có trên 3.700 lượt nông dân tiếp cận trên 114 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ hỗ trợ nông dân huyện cũng đã giải ngân cho 33 hộ vay với số tiền trên 493 triệu đồng.

HND huyện còn phối hợp với ngành NN- PTNT huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp hội viên có thêm kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi. Hội cũng đã phối hợp tổ chức đào tạo nghề và giải quyết được việc làm cho 920 lao động.

"Năm 2019, chúng tôi đã tổ chức được 10 lớp dạy nghề (6 lớp nông nghiệp và 4 lớp phi nông nghiệp) cho cho trên 200 lượt lao động nông thôn", ông Hùng cho biết.

TÙY PHONG

Bài viết gốc: https://nongnghiep.vn/thu-phu-ho-tieu-no-luc-giup-dan-quen-cay-vang-den-post256059.html

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ