A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

“Nước mắt” của đất !

13:57 | 07/06/2022

Thời gian gần đây, giá đất tăng, nhiều gia đình nhờ bán đất mà cuộc sống trở nên khá lên, thậm chí đổi đời vì có tiền làm nhà, mua xe ô tô hay đầu tư vào kinh doanh, buôn bán…

Tuy nhiên, cũng có nhiều gia đình chỉ vì những đồng tiền từ việc bán đất mà dẫn đến nhiều hệ lụy buồn, nước mắt tuôn rơi.

Cuốn theo “bóng hồng”

Ở xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), nhiều người biết đến gia đình ông K vì ông “nổi tiếng” độ chịu chơi nhờ tiền bán đất. Gia đình ông K vào Nhân Cơ lập nghiệp đã hơn 30 năm. Nhờ cần cù chịu khó, ông khai khẩn và mua được rất nhiều đất rẫy để canh tác. Cách đây 5 năm, khi đất có giá, ông bán bớt một ít lấy tiền làm nhà, mua xe hơi xịn để đi. Từ một người nông dân chân chất, tính tình hiền hậu, chỉ biết làm rẫy, thế nhưng khi có tiền, ông K khác hẳn.

Ở cái tuổi ngoài lục tuần nhưng ông lúc nào cũng bóng bẩy, quần áo chỉnh tề, thời thượng, ngày nào cũng đánh xe hơi đi ăn nhậu ở nhiều nhà hàng nổi tiếng, tiêu tiền như nước. Qua những buổi tiệc tùng, ông phải lòng một cô gái trẻ phục vụ tại một nhà hàng. Từ khi có "bóng hồng", ông bỏ bê vườn tược, phó mặc mọi việc gia đình cho vợ con. Để có tiền cung phụng người tình, ông bán đất dần. Vợ con khuyên can, ông K không những không nghe theo mà còn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người vợ thủy chung, tần tảo bao nhiêu năm trời. Chịu không thấu, ở cái tuổi làm bà rồi nhưng vợ ông K nhất quyết ly dị, phân chia tài sản.

Sau khi ly hôn, ông K tự tung tự tác, bán hết đất đai để cung phụng, du hí với người tình. “Miệng ăn núi lở”, được một thời gian ông K trắng tay không còn gì, xe cộ, tài sản cũng bị người tình lột sạch. Từ khi bị người tình cho một vố đau, ông K như một người mất hồn. Không còn chốn dung thân, ông K vật vờ ở chợ Nhân Cơ, ai cho gì ăn nấy, miệng lảm nhảm như một người điên, quần áo rách rưới, tàn tạ. Dù căm ghét người chồng, người cha bội bạc nhưng trước tình cảnh đó, vợ con ông vẫn đón về cho ở trong căn nhà rẫy, phía góc vườn. Được một thời gian, ông K qua đời.

Tại TP. Gia Nghĩa, câu chuyện ông T đã ngoài 70 tuổi vẫn “đánh trống bỏi” với gái trẻ và có con riêng. Ông T vốn là một nông dân chất phác, có vợ con đề huề, trai gái đủ cả. Cách đây 2 năm, ông T bán rẫy được số tiền lớn. Khi có tiền ông lao vào chơi bời rượu chè thâu đêm suốt sáng. Qua những cuộc vui, ông quen một cô gái trẻ và bị cô ta hút hồn. Dù vợ con khuyên bảo, ông T vẫn nhất quyết theo người tình, ly dị vợ, không màng con, cháu. Hiện nay, ngày ngày ông T vẫn đưa con nhỏ của người tình đi học… mẫu giáo. Sự việc trên khiến cho nhiều người ái ngại thay cho ông vì đáng ra, ở cái tuổi đã có cháu nội, ngoại mà còn phải chăm trẻ, giặt đồ…cho vợ đi làm thì đúng ông T là một người chịu chơi thiệt!

Khi sốt đất, bảng báo bán đất cắm ở nhiều nơi

Không chỉ cánh mày râu, phụ nữ cũng không kém cạnh. Tại phường Quảng Thành (Gia Nghĩa) nhắc đến bà V, ai cũng biết cả. Trước đây, bà V có chồng và 2 con. Vợ chồng bà V có nhiều đất ở và đất rẫy. Dù nhà có nhiều rẫy song bà V không bao giờ phải làm gì, mọi việc rẫy nương phó mặc cho chồng. Rẫy xa nhà nên chồng bà V ít khi về nhà. Có tính trăng hoa, bà V thường cặp với trai trẻ. Hàng xóm thường rỉ tai nhau bà V rất chiều người tình. Bà V thường dắt người tình đi những quán hàng sang trọng, nhiều món ngon. Bà cũng không tiếc tiền bao người tình những chuyến du lịch khắp nơi.

Để có tiền cung phụng người tình, lấy đủ mọi lý do, bà V cắt dần đất quanh nhà bán. Ngăn can không được, chịu không thấu, chồng bà V ly dị và lấy hơn 1 ha rẫy, còn nhà ở ông không thèm màng tới. Được một thời gian, bà V bán nốt căn nhà đang ở, tìm mua một miếng đất xa, rẻ tiền làm căn nhà nhỏ để ở. Dù mới ngoài 50 song bà V bị nhiều bệnh tật, hiện chỉ lủi thủi quanh nhà, lâu lâu các con mới về thăm vì đều lập gia đình ở xa.

Làm thuê trên chính đất mình

Anh H ở xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) không nguôi ân hận vì chuyện bán đất. Gia đình anh H vốn có hơn 3 ha rẫy, trồng cà phê, tiêu và một số cây ăn quả. Thu nhập chính của gia đình anh H hoàn toàn nhờ vào hoa lợi từ khu rẫy này. Năm 2020, có người ở TP. HCM lên trả giá cao, anh H đồng ý bán.

Có tiền, anh H làm một ngôi nhà khang trang trị giá hơn 2 tỷ đồng. Số tiền còn lại, vợ anh H cho nhiều người vay để lấy lãi. Thế nhưng, tiền lãi đâu chả thấy, vợ anh H bị mất hết tiền vì bị lừa đảo. Do chỉ quen làm rẫy không biết buôn bán hay làm gì khác, anh H đành xin chủ đất cho làm thuê tại chính rẫy của mình.

Anh H chia sẻ: “Tôi dại quá, bán rẫy đi giờ không có đất sản xuất, lại phải làm thuê trên chính đất mình. Rẫy giờ rất xấu vì bị bỏ bê nhiều năm, phải chăm sóc lại mới có thu. Biết sự việc như vậy, tôi thà ở nhà dột nát mà không phải khổ như bây giờ”.

Không khác hoàn cảnh anh H là mấy, ông L ở phường Quảng Thành (Gia Nghĩa) cũng rơi vào cảnh trắng tay, phải làm thuê trên chính mảnh vườn của nhà mình. Năm 2021, nghe lời vợ, ông L bán hết rẫy ra trung tâm TP. Gia Nghĩa mua một miếng đất làm nhà, vợ thì buôn bán. Tiền bán rẫy sau khi mua nhà ông L giao hết cho vợ để làm vốn buôn bán. Do đã về nghỉ hưu nên ngày ngày ông L phụ vợ bán hàng, còn vợ thì thường xuyên vắng nhà với lý do ngoại giao buôn bán, chạy hàng.

Được hơn 1 năm, ông L tá hỏa vì bị “xã hội đen” vào đòi tiền. Sự việc vỡ lở, “cháy nhà ra mặt chuột”, vợ ông L vốn có “máu đỏ đen”, ngày nào cũng đề đóm, bài bạc đến mức cầm cả căn nhà mà ông L cũng không hay biết. Không thể chịu được cảnh ngày nào cũng bị đe dọa, đòi nợ, ông L phải bán căn nhà để trả nợ cho vợ. Từ khi tan cửa nát nhà, vợ ông L cũng biệt tăm, không thể liên lạc được.

"Không có tiền, chẳng biết làm gì, tôi đành phải vào xin làm thuê cho người mua rẫy của mình vì ít ra cũng có nơi ăn, ở không phải đi thuê mướn", ông L buồn rầu chia sẻ.

 

“Cơn sốt" đất diễn ra như làn sóng cuốn bao người, gia đình vào đó, gây bao hệ lụy. Đối với một số người, khi có tiền bán đất, không những không đầu tư vào sản xuất, kinh doanh mà lại quay ra ăn chơi, cờ bạc, đánh mất nhân cách, hạnh phúc gia đình, thậm chí trở thành gánh nặng cho xã hội. 

 

Bài, ảnh: Hoàng Thanh

Bài viết gốc: http://www.baodaknong.org.vn/phap-luat-doi-song/nuoc-mat-cua-dat-!-93386.html

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ