A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chuyện bắt ma túy ở các buôn sâu

15:49 | 02/08/2014

"Cái chết trắng” không chỉ còn là nỗi ám ảnh nơi phố thị nữa mà giờ đây nó đang lan vào các buôn làng ở Tây Nguyên. Nhất là mỗi mùa cà phê hay nông nhàn, ma túy tràn vào như một cơn lốc, bao gia đình đã tán gia, bại sản.

Những đối tượng vận chuyển đưa ma túy vào bán khá tinh vi. Lực lượng phòng chống ma túy đã phải cải trang thành những "người của buôn làng” để bắt ma túy. 

Đối tượng Phạm Văn Vinh (thứ 2 từ phải qua) bị bắt vì vận chuyển ma túy

Lập chuyên án trong lòng buôn

Nhiều vụ vận chuyển và tuồn ma túy vào địa bàn Tây Nguyên, nhất là Đắk Lắk thường tập trung ở các xã biên giới. Điều khó khăn  là ở những xã biên giới này trình độ dân trí của người dân còn thấp, dễ bị dụ dỗ lôi kéo. Việc ma túy tràn vào khu dân cư cũng khiến cho tình hình an ninh trên địa bàn mất ổn định. Nhất là ở xã biên giới Krông Ana (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk). Già làng Y Xanh, một trong những người từng có nhiều lần tham gia bắt những đối tượng hung hãn khi chúng có mưu đồ tuồn ma túy vào các buôn trong xã cho biết; chúng rất rảo hoạt. Những người già làng dày dạn kinh nghiệm như chúng tôi thì may ra mới thoát ra khỏi cạm bẫy của chúng. Lớp trẻ, trước những lợi lộc từ tiền bạc trước mắt dễ sa ngã ngay.

 Đầu tiên các đối tượng này tiếp cận vào những thanh niên con nhà khá giả, có nhiều cà phê. Sau đó thì cho tiền xài thoải mái, cho đi quán sá chơi rồi "nhử” cho hút thuốc phiện miễn phí. Khi đã bập vào cái này, thành thói quen rồi thì chúng lại quay sang bán với cái giá cắt cổ. Những đứa con của buôn cũng thế mà sinh hư, trộm cắp của gia đình, rồi của buôn làng, của cộng đồng để mang đi bán lấy tiền hút ma túy. 

 Để bắt được những đối tượng tinh vi này, không còn cách nào khác, các chiến sỹ trong lực lượng phòng chống ma túy phải cải trang thành người của buôn. Mỗi chiến sỹ được phân công và cải trang thật giống với những người trong các buôn sâu để tiếp cận đối tượng. Những chuyên án từ đó cũng được thành lập ngay tại buôn. Mới đây nhất là vụ vận chuyển khối lượng lớn ma túy do Phạm Văn Vinh cầm đầu. Có dáng vẻ giống y chang người dân tộc thiểu số Tây Nguyên nên Vinh đã âm thầm đi xây dựng mạng lưới tiêu thụ vận chuyển trong các buôn. Hễ ai gặp, Vinh đều xưng mình là người trong buôn. Bởi thế, nếu không cải trang một cách cẩn trọng thì các trinh sát khó mà phát hiện được đối tượng. 

Sau khi chuyên án được thành lập, Đội đặc nhiệm Công an tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Đội Phòng chống tội phạm ma túy Đồn Sêrêpốk phát hiện, bắt quả tang đối tượng Vinh đang vận chuyển, tàng trữ 7 gói giấy màu vàng, dạng cục, chứa chất rắn màu trắng, nghi là hêrôin. Ngay sau đó đối tượng Vinh bị tạm giữ; tang vật được lực lượng chức năng chuyển về Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Đắk Lắk giám định. Kết quả giám định của cơ quan chức năng cho biết các chất trên đều là ma túy. Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk - đây là vụ tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn xã biên giới Krông Na. 

Cùng với sự giúp đỡ tuyên truyền đề cao cảnh giác của lực lượng công an thì theo già làng Y Xanh, ở các xã biên giới như Krông Ana còn có nhiều cách "triệt” ma túy khá sáng tạo. Một trong những sáng tạo đó là mỗi gia đình ở địa bàn nóng bỏng như Krông Ana đều chuẩn bị sẵn một chiếc điện thoại cài đầy đủ số của các lãnh đạo xã, huyện. Khi có phần tử xấu gây rối, dụ dỗ thanh niên đi hút chích sẽ được báo kịp thời. Ông K’Đức quả quyết: "Xã cách biên giới Ea Súp chưa đầy 100km nên đợt trước tết Giáp Ngọ vừa rồi, có hai kẻ xấu vào rủ rê thanh niên trong làng đi vận chuyển thuốc phiện qua biên giới nhưng chúng đã bị các già làng báo công an, bắt ngay”. Theo thống kê, chỉ riêng trong năm 2013, toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 1.322 người nghiện ma túy (tăng 277 người so với năm 2012). Các vụ bán và vận chuyển ma túy trong các buôn được vạch trần cũng một phần nhờ công lớn của lực lượng quần chúng, nhất là vai trò của các già làng

Các đối tượng vận chuyển ma túy ở biên giới Tây Nguyên

Bày thế trận đánh bật các phần tử xấu

Không chỉ ở Đắk Lắk, các buôn sâu ở Đắk Nông từ đầu năm 2014 đến nay cũng đã bắt trên 50 vụ án ma túy nghiêm trọng và vận chuyển với số lượng lớn. Đặc biệt là vùng biên giới Đắk Lao (huyện Đắk Mil, Đắk Nông), không chỉ có ma túy mà còn có nhiều đối tượng là thổ phỉ. Chỉ tay về phía cột mốc biên giới, ông Trương Xuân Chương, Phó Bí thư xã Đắk Lao cho biết: "Đắk Lao là một trong 2 xã biên giới đặc biệt của tỉnh Đắk Nông giáp Campuchia với hơn 7.000 dân thuộc 14 dân tộc anh em, trong đó chỉ có 1 dân tộc tại chỗ còn tất cả đều di cư từ miền núi phía Bắc vào. Trước đây, nhiều đối tượng xấu đã xem đây là sào huyệt của chúng để tiêm nhiễm tư tưởng độc hại vào người dân. Nhưng, nhờ sự tăng cường giáo dục ý thức quốc phòng toàn dân, nâng cao tình thần cảnh giác với âm mưu "diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra nên đã chặn đứng được các loại tội phạm”. 

Muốn phát triển kinh tế thì phải giữ được bình yên biên giới nên Huyện ủy và UBND huyện Đắk Mil nhanh chóng hoàn thiện quy chế phối hợp đảm bảo an ninh biên giới với 4 đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn, triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự. Nhớ lại những ngày tháng từng "nếm mật nằm gai” ở đường biên giới để phục kích kẻ xấu, thượng tá Mai Văn Hiệp, Trưởng Công an huyện Đắk Mil tâm sự: "Khi đã khơi dậy được tình đoàn kết trong khối dân cư thì không thế lực thù địch nào có thể chia rẽ được. Cùng với nhiệm vụ giữ bình yên biên giới chúng tôi còn tăng tình gắn kết hữu nghị với nước bạn thông qua các hoạt động ký kết bảo vệ đường biên”. Anh Nguyễn Duy Nam, ở thôn 1 cho biết: "nhờ được sự tuyên truyền của cán bộ, chúng tôi không còn tin theo kẻ xấu mà mỗi người đều xác định góp phần tham gia bảo vệ bình yên biên giới là nghĩa vụ thiêng liêng”. Thượng tá Phạm Xuân Hoài, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đắk Lao quả quyết: Ngoài việc bảo vệ biên giới, mấy năm qua chúng tôi đã phối hợp với nhiều cơ quan và phía nước bạn cấp phép xuất cảnh và nhập cảnh cho gần 1.000 lượt người qua lại biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước cũng như nước ngoài đến làm ăn, tạo nên mối hữu nghị thắm thiết. Chúng ta bảo vệ biên giới nhưng cũng không ngừng tăng cường mối đoàn kết hữu nghị với nước bạn ”.

HÀ VĂN ĐẠO

 

    Nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ