A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cảnh giác thủ đoạn giả danh quân nhân để lừa đảo

09:16 | 15/04/2024

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng xuất hiện nhiều vụ việc giả danh quân nhân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cuối năm 2023, một đối tượng tự xưng là Hoàng Trung (sĩ quan cán bộ Phòng Tài chính, Công ty Xây dựng 470) gọi điện liên hệ với một cửa hàng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột để đặt bao bì số lượng lớn. Để chủ cửa hàng tin tưởng, đối tượng đăng tải lên Zalo hình ảnh mặc quân phục, đăng tải các hoạt động tham gia học tập, huấn luyện trong môi trường quân đội, có trình độ thạc sĩ; đồng thời chuyển cọc trước cho cửa hàng 1 triệu đồng.

 Tiếp tục trao đổi, đối tượng cho rằng đang cần mua thêm thuốc diệt mối với số lượng lớn. Do “quân nhân” đang bận... hành quân, nên nhờ cửa hàng mua giúp và hứa sẽ thanh toán cả thể khi nhận hai đơn hàng. Do tin tưởng “quân nhân”, chủ cửa hàng đã chuyển tiền mua thuốc diệt mối đến số tài khoản mà “Hoàng Trung” cung cấp. Cùng ngày, nhân viên cửa hàng chở bao bì đến Công ty Xây dựng 470 thì mới hay đã bị lừa.

Đối tượng tự xưng Lê Minh, sĩ quan quân đội để nhắn tin lừa đảo, nhưng chị Đ.M.N. (TP. Buôn Ma Thuột) đã phát hiện kịp thời

 

Cũng thủ đoạn nói trên, mới đây nhất, đầu tháng 4/2024, một đối tượng tự xưng là sĩ quan hậu cần của Công ty Xây dựng 470 gọi điện cho tiệm cơm gà để đặt 200 suất ăn. Biết tiệm không bán nước ngọt, đối tượng nhờ mua giùm, sau đó thanh toán cả thể. Cảnh giác, chủ tiệm liền liên hệ trực tiếp đến công ty và không chuyển tiền cho đối tượng.

Chị Đ.M.N. - chủ một doanh nghiệp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cho biết, do cơ sở kinh doanh đa mặt hàng, thường xuyên đăng thông tin quảng cáo, công khai số điện thoại trên các trang mạng xã hội nên nhiều đối tượng đã lợi dụng để lừa đảo. Trong đó, từ cuối năm 2023 đến nay, có hai lần chị bị đối tượng tự xưng là sĩ quan công tác ở Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) và Ban Chỉ huy Quân sự thành phố liên hệ đặt hàng. May mắn nhận ra sự bất hợp lý trong cách trò chuyện của “sĩ quan”, chị N. đã liên hệ trực tiếp đến đơn vị, kịp thời phát hiện các đối tượng lừa đảo.

Chị N. vạch trần thủ đoạn của các đối tượng: “Sau cuộc gọi đầu, các đối tượng chủ động kết bạn Zalo với mình, đồng thời đặt số lượng hàng lớn và chuyển tiền cọc. Tiếp tục, chúng sẽ hỏi mua thêm một số mặt hàng mà mình không có, sau đó hối thúc mình nhanh chóng chuẩn bị đủ các mặt hàng. Khi chủ tiệm mất bình tĩnh, bị cuốn theo tâm lý của chúng, chúng sẽ bắt đầu thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ thông tin và Truyền thông), mạo danh quân nhân lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong những thủ đoạn mới xuất hiện thời gian gần đây.

Chỉ riêng trên địa bàn Quân khu 7 đã phát hiện hàng chục trường hợp mạo danh, giả danh cán bộ, nhân viên quân đội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ hàng chục đến hàng trăm triệu, thậm chí nhiều tỷ đồng.

Đơn cử như ở Bình Thuận, đầu năm 2023, TAND tỉnh đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Phạm Quốc Hội (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) 15 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt hơn 2,1 tỷ đồng. Hội đã đưa hình ảnh đại diện trên các mạng xã hội mang quân hàm Trung tướng và giới thiệu làm việc ở Quân cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) chuyên dạy chính trị cho cán bộ lãnh đạo cao cấp. Do thiếu cảnh giác, một người ở TP. Nha Trang đã làm hợp đồng ủy quyền nhờ Hội nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng khách sạn giúp. Sau đó, Hội đã nhiều lần nhận tiền của người này rồi bỏ trốn và bị bắt tại TP. Hồ Chí Minh.

Liên quan đến việc mạo danh quân nhân để lừa đảo, Cục Chính trị Quân khu 7 đề nghị cơ quan, doanh nghiệp, quần chúng nhân dân khi nhận được các cuộc gọi của người lạ tự xưng là quân nhân, cơ quan, đơn vị của quân đội để đặt tiệc, mua hàng hóa... cần tìm hiểu, xác minh thông tin trước khi tiến hành giao dịch.

Trung tá Nguyễn Huy Nam, Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác và đề phòng trước những chiêu trò nêu trên. Không chỉ mạo danh quân nhân, hiện nay, các đối tượng xấu còn mạo danh cán bộ các cơ quan, đơn vị nhà nước. Khi nhận những cuộc gọi này, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, căn cước công dân; tuyệt đối không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ các số điện thoại, các cuộc gọi. Nếu có nghi vấn lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý vụ việc theo quy định.

Song Quỳnh

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/phap-luat/202404/canh-giac-thu-doan-gia-danh-quan-nhan-de-lua-dao-69e18af/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ