A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Nhiều cơ hội khi cánh cửa đại học “khép lại”

15:29 | 31/03/2023

Đang học đại học, nhiều sinh viên quyết định rẽ ngang sang học nghề với mong muốn sớm tìm được việc làm. Đặc biệt, có người chọn học nghề chỉ để có kinh nghiệm rồi tự lập thân, lập nghiệp.

Học nghề để sớm có việc làm

Nguyễn Sơn Tùng (SN 1999), phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) từng là sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM). Thế nhưng sau hơn 2 năm theo học, Tùng nhận ra rằng đại học không phù hợp với bản thân, đặc biệt là ngành mà Tùng theo học được dự đoán là thừa lao động. Ngay sau đó, Tùng quyết định nghỉ đại học để vào học ngành Điện Công nghiệp tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông.

Chia sẻ về quyết định này, Tùng cho biết, nếu học tập tốt thì 4 năm sau sẽ tốt nghiệp và sử dụng tấm bằng đại học đi xin việc. Tuy nhiên trường hợp không xin được việc, thì tấm bằng đại học coi như không có giá trị. Ở vào tình cảnh đó, Tùng phải tìm một công việc khác để nuôi sống bản thân hoặc học lại một ngành nghề khác phù hợp với nhu cầu của xã hội.

Nguyễn Sơn Tùng cho rằng, trong thời gian tới, cơ hội việc làm ở Đắk Nông rất cao, nhất là những nghề thuộc lĩnh vực làm đẹp, pha chế đồ uống, điện hoặc sửa chữa máy móc nông nghiệp, ô tô … Chính vì thế, Tùng quyết định theo học ngành Điện Công nghiệp để sớm có việc làm.

"Hiện nay tôi đã hoàn thành chương trình học và đã thực tập tại một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị điện tử. Dự kiến tháng 6 này, tôi sẽ tốt nghiệp và bắt đầu đi làm. Đến thời điểm hiện tại, tôi rất tự tin vì trong thời gian học, được thực hành rất nhiều nên khi bắt tay vào làm sẽ không còn bỡ ngỡ nữa", Nguyễn Sơn Tùng cho biết thêm.

Chị Phạm Thị Thảo Quyên thành công xây dựng được thương hiệu riêng khi chọn học nghề pha chế và làm bánh kem.

Tương tự, chị Phạm Thị Thảo Quyên (SN 1990), phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) cũng quyết định chọn học thêm nghề pha chế và làm bánh dù trước đó đã theo học trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh. Năm 2016, sau khi hoàn thành 4 khóa học tại Trường dạy nghề Hướng Nghiệp Á-Âu, chị Quyên đã tự mở một cửa hàng nhỏ để kinh doanh bánh kem.

Chị Quyên chia sẻ: “Trước đây tôi đã đam mê với việc làm bánh và pha chế, nên từ năm 2014 tôi đã bắt đầu kinh doanh bánh kem. Sau đó 2 năm, khi tích lũy được một số tiền, tôi đã chọn đi học nghề để nâng cao trình độ và học hỏi thêm kinh nghiệm. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi được nhà trường cấp chứng chỉ, từ đó công việc của tôi cũng chuyên nghiệp, thuận lợi hơn rất nhiều”.

Sau nhiều năm gắn bó với công việc này, đến cuối năm 2022, chị Quyên đã phát triển tiệm bánh kem ban đầu thành cửa hàng kinh doanh đồ uống kết hợp với bánh ngọt. Cửa hàng nằm ngay trung tâm TP. Gia Nghĩa, hàng ngày thu hút lượng khách lớn đã mang lại cho chị Quyên thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí.

Thành công nhờ quyết định táo bạo

Trong không gian gần 500m2 ở ngay trung tâm TP. Gia Nghĩa, hàng ngàn chậu sen đá với đủ loại giống loài khác nhau phát triển xanh tốt. Đây là cơ ngơi của Nguyễn Hoàng Luân (SN 1995), phường Nghĩa Thành. Trước đó vào năm 2017, khi đang là sinh viên năm 2 của trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, nhận thấy ngành học mình theo đuổi không phù hợp, anh Luân quyết định dừng lại để tìm hướng đi khác.

Thấy ngành học mình theo đuổi không phù hợp, Luân quyết định dừng lại để kinh doanh sen đá.

Nguyễn Hoàng Luân chia sẻ, quyết định nghỉ học chuyển hướng lập nghiệp của Luân không nhận được sự ủng hộ của gia đình, người thân. Nhưng nói là làm, với số vốn ban đầu ít ỏi chỉ vài triệu đồng, chàng trai này đã sang TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) để tìm hiểu quy trình trồng sen đá tại các nhà vườn cũng như tìm mối nhập hàng.

Vừa làm vừa học hỏi và rút kinh nghiệm, song song với việc bán hàng trực tiếp, anh Luân còn sưu tầm, nhập nhiều giống mới từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, chàng trai 9X này còn tận dụng mạng xã hội, để tư vấn, quảng bá và tìm nguồn khách hàng online.

Ba năm trở lại đây, nhu cầu chơi sen đá ngày càng nhiều, việc kinh doanh của Nguyễn Hoàng Luân ngày càng thuận lợi. Đến nay, anh Luân đã có khách hàng ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước. Mỗi ngày, vườn của anh Luân cung cấp ra thị trường hàng trăm chậu sen đá đủ loại từ phổ thông đến các loại quý hiếm, đột biến, doanh thu trung bình hơn 100 triệu đồng mỗi tháng.

Chủ nhân vườn sen đá 9x cho biết: “Tôi không hối hận vì đã bỏ ngang đại học, bởi nếu trước đó suy nghĩ kỹ càng và thận trọng, tôi đã không thi vào đại học và chọn ngành không phù hợp với năng lực bản thân. Việc nghỉ đại học và kinh doanh sen đá giúp tôi sống với đam mê của mình và mang lại nguồn thu nhập ổn định mỗi tháng”.

Cũng thành công với mô hình nông nghiệp, 4 năm trước, anh Đào Xuân Anh (SN 1991), phường Quảng Thành đã “cất” tấm bằng kỹ sư ngành Cầu đường để bắt tay vào trồng hoa và lá cây. Việc chuyển hướng làm nông nghiệp đã giúp anh phát triển kinh tế gia đình nhờ khai thác được tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên của Đắk Nông.

Anh Xuân Anh cho biết, trước đây anh tốt nghiệp ngành Xây dựng rồi sang Nhật Bản làm kỹ sư theo đúng nghề đã học. Thế nhưng cuộc sống xa nhà, không có người thân bên cạnh nên suy nghĩ lập nghiệp tại quê hương luôn âm ỉ trong đầu. Sau một thời gian làm việc ở xứ người, nam thanh niên dùng số vốn dành dụm được, trở về Đắk Nông thực hiện ý tưởng của mình.

Chia sẻ về quyết định này, anh Xuân Anh cho biết: “Tôi nghĩ rằng mỗi người sẽ có một lựa chọn riêng, nhưng đối với tôi, đến thời điểm này việc tạm “cất” bằng đại học để làm nông nghiệp vẫn là lựa chọn phù hợp với bản thân”.

Được biết, sau hơn 4 năm trồng hoa hồng ở Đắk Nông, mới đây anh Xuân Anh tiếp tục mở rộng diện tích để trồng thêm các loại lá phục vụ cho cắm hoa. Dự kiến đến cuối năm nay vườn lá cây này sẽ cho thu hoạch đợt đầu tiên.

Thanh Hằng - Mỹ Hằng

Bài viết gốc: https://baodaknong.vn/nhieu-co-hoi-khi-canh-cua-dai-hoc-khep-lai-142745.html

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ