A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cần sự liên kết để phát huy hiệu quả Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột

08:15 | 12/08/2023

Nhằm phát triển, lan tỏa văn hóa đọc, thời gian qua, Thư viện quốc gia Việt Nam đã nỗ lực vận động, thiết kế và vận hành hệ thống các thư viện trong cả nước, đến tận các xã, phường, trường học.

Hội Xuất bản Việt Nam cũng từng bước xây dựng các điểm đến đường sách tại các đô thị lớn, tạo nên những không gian văn hóa đọc. Tuy nhiên, các đường sách địa phương này đến nay vẫn đang thiếu sự liên kết.

Với Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột, một dự án xây dựng không gian văn hóa đọc đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt mấy năm qua với mơ ước tạo địa chỉ văn hóa đọc hấp dẫn với cộng đồng, song cho đến nay vẫn vận hành một cách đơn lẻ. Làm sao đấu nối đường sách này với các đường sách khác, để cùng góp sức với hệ thống thư viện quốc gia và địa phương phát triển văn hóa đọc?

Độc đáo nhưng lẻ loi!

Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột được bố trí ở hẻm 02 Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột), dài hơn 100 m, dự kiến bố trí 23 gian hàng với các khu vực hoạt động như trưng bày sách, cà phê giải khát, hàng lưu niệm… Đây là một vị trí nằm giữa trung tâm thành phố, phía trước là Nhà thờ Chính tòa Buôn Ma Thuột, phía sau là Trường THCS Phan Chu Trinh, rất thuận lợi bố trí một không gian đọc và tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, đặc biệt là cho giới trẻ và du khách. Chức năng đường sách đã được ấn định rất rõ, là tạo dựng, tôn vinh văn hóa đọc, tạo điểm đến trải nghiệm văn hóa, du lịch, và là điểm đến thưởng thức cà phê, văn hóa cà phê, văn hóa truyền thống các dân tộc dân gian Tây Nguyên.

Talkshow “Gặp gỡ cùng Buôn Ma Thuột” được tổ chức tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh: Quang Khải

Kể từ tháng 3/2019, đường sách đã đi vào hoạt động, do Công ty Cổ phần Đầu tư Đường sách Buôn Ma Thuột nhận trách nhiệm tổ chức và vận hành. Đơn vị này được yêu cầu tổ chức, duy trì các hoạt động định kỳ như giao lưu tác giả, tác phẩm, giới thiệu các sự kiện có tính chuyên đề như Ngày sách Việt Nam, các hoạt động nhân dịp các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, lễ, Tết…; biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống, giới thiệu các sản phẩm cà phê… Với những hoạch định này, rõ ràng Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột “có một không gian hoạt động” rất rộng và rất thuận lợi trong xu hướng hoạt động văn hóa, du lịch địa phương, đời sống người dân đô thị Buôn Ma Thuột…

Tuy nhiên, thực tế đến nay, theo cảm nhận của cộng đồng, các hoạt động đường sách cơ bản chưa đạt những yêu cầu đề ra. Một số hoạt động định kỳ đã không được tổ chức như kế hoạch. Việc bố trí, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia khai thác không gian đường sách, kinh doanh các gian hàng chưa hiệu quả.

Cần một liên kết tổng lực!

Ông Lê Hoàng, thành viên Hội Xuất bản Việt Nam, người chủ trì đường sách TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, hoạt động của một đường sách sẽ chỉ thực sự hiệu quả khi có tính liên kết và tổ chức đồng bộ, khoa học, vừa khai thác được dư địa tại chỗ, vừa hướng đến khả năng kết nối với nhau, tạo nên một hệ thống không gian hợp nhất, chia sẻ các hoạt động chủ đề. Với góc nhìn này, đường sách cà phê Buôn Ma Thuột thực sự là một điểm kết nối cần thiết, đã được thành lập rất hợp lý, nhưng chưa có được những hợp tác nên hoạt động lẻ loi, chưa hiệu quả như ý.

Trình diễn nghề dệt vải của người Êđê tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh: Ánh Ngọc

Trong tầm nhìn của Hội Xuất bản, các đường sách có thể tổ chức tại các đô thị lớn Việt Nam, là Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp… Đến nay, mới chỉ có một số đường sách chính thức thiết lập, với những không gian hoạt động có tính đặc thù riêng.

Trong đó, đường sách TP. Hồ Chí Minh được đánh giá hiệu quả về tính chất thương mại, sinh hoạt cộng đồng, trải nghiệm du lịch… Đường sách Buôn Ma Thuột, được chú ý với vị thế thủ phủ cao nguyên, có các không gian riêng về đặc sản địa phương, văn hóa truyền thống… Tận dụng khai thác được thế mạnh này, có quan hệ kết nối với các đường sách khác, đường sách Buôn Ma Thuột rõ ràng sẽ là điểm đến hấp dẫn, điểm tiếp nối du khách đi xuyên Việt, “đồng thanh tương ứng” với các đường sách cùng tạo những không gian văn hóa đọc chung, giới thiệu chung những tác giả, tác phẩm…

Ông Lê Hoàng nhấn mạnh, nếu có được sự kết nối, những chương trình hành động lớn của cả hệ thống đường sách có thể thực hiện, cùng lúc quảng bá mạnh mẽ các giá trị văn hóa đọc và văn hóa cộng đồng, từ đó chắc chắn nâng tầm hiệu quả của các dự án đường sách lên nhiều lần.

Hoạt động giới thiệu sách do Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk tổ chức tại đường sách cà phê Buôn Ma Thuột.

Bà Trần Đoàn Thùy Linh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sách Buôn Ma Thuột cho biết, hiện nay đơn vị đang triển khai các hoạt động định kỳ, phối hợp các tổ chức, doanh nghiệp tại địa bàn xúc tiến hiệu quả hơn nữa các hoạt động tôn vinh văn hóa đọc. Đặc biệt, hướng hợp tác, liên kết với các đường sách cả nước thật sự là cần thiết, để Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột thực sự hiệu quả.

Thụy Bất Nhi

Bài viết gốc: https://baodaklak.vn/xa-hoi/202308/can-su-lien-ket-de-phat-huy-hieu-qua-duong-sach-ca-phe-buon-ma-thuot-c44131c/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ