A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Quản lý lễ hội và trách nhiệm của các địa phương

08:28 | 19/01/2019

Ngày 18/1, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019. Hội nghị có sự tham gia của đại diện một số địa phương có các lễ hội “nổi cộm” trong năm.

Lễ hội cướp phết Hiền Quan. Ảnh: Quang Vinh.

Dự thảo báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cho biết: Bên cạnh những chuyển biến tích cực, mùa lễ hội năm 2018 vẫn còn nhiều vấn đề “nổi cộm”. Đơn cử như vẫn còn xảy ra những hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội: Lễ hội Làm chay tại đình Tân Xuân, Linh Phước tự, chùa Ông và chợ Tầm Vu (Châu Thành, Long An), Lễ hội Đúc Bụt tại thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc); Hội Phết Hiền Quan xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ)...

Hiện tượng đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn. Việc khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích. Một số cơ quan còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính như: lãnh đạo và công chức Kho bạc nhà nước thành phố Nam Định, lãnh đạo và công chức Điện lực Bình Lục (Hà Nam) đi lễ Đền Trần (Nam Định); Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đi lễ ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh). Hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích lễ hội như Đền Sóc, Chùa Hương (Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)...

Một số lễ hội, di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa kịp thời...

Bà Ninh Thị Thu Hương- Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số lễ hội chỉ chú trọng đầu tư đến hình thức, quy mô mà chưa đảm bảo về nội dung giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội. Bên cạnh đó, việc chậm đổi mới hình thức tổ chức đối với một số lễ hội còn duy trì tập tục chứa đựng những yếu tố bạo lực, phản cảm không phù hợp với xu thế của thời đạ. Ngoài ra, một số lễ hội còn xảy ra hiện tượng chen lấn xô đẩy, vi phạm nếp sống văn minh trong lễ hội”. 

Ông Nguyễn Việt Chung- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ cho biết, đối với lễ hội cầu trâu Hương Nha, trong năm 2019 phần lễ của lễ hội này sẽ tiếp tục tổ chức theo nghi thức truyền thống và bản sắc văn hóa địa phương. Còn với phần hội chỉ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống, không tổ chức nghi thức “đập trâu”. Đối với lễ hội chọi trâu Phù Ninh, trong năm 2019 dừng tổ chức lễ hội này để tiếp tục hoàn thiện đề án đổi mới công tác tổ chức lễ hội, trong đó làm rõ yếu tố truyền thống lễ hội này để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, nếu được phép tổ chức lại trong những năm tiếp theo.

Đặc biệt, với “điểm nóng” lễ hội cướp phết Hiền quan, ông Chung chia sẻ, mùa lễ hội năm nay khu vực cướp phết sẽ có diện tích khoảng 1.000 m2. Quanh sân phết, bố trí 4 lớp hàng rào bằng gỗ; mỗi lớp hàng rào được căng 3 lớp dây thừng chắc khỏe; bên ngoài và giữa các lớp bố trí lực lượng công an, an ninh của tỉnh, của huyện, của xã để nhân dân và du khách không tràn vào sân đánh phết.

Ngoài ra, về lực lượng tham gia đánh phết người được chọn là người dân xã Hiền Quan và được chia làm 2 đội, mỗi đội 50 người (số lượng đã giảm 1 nửa so với mọi năm). Người tham gia đánh phết được BTC bố trí trang phục khi tham gia đánh phết.

Còn với điểm nóng tại Vĩnh Phúc, ông Quản Đức Hạnh- Trưởng phòng nếp sống, văn hóa và gia đình, Sở VHTTDL Vĩnh Phúc cho biết đối với lễ hội chọi trâu Hải Lựu quy mô năm nay sẽ có 32 trâu chọi (16 cặp) và từ năm 2020 trở đi sẽ giảm số lượng xuống 20 trâu (10 cặp). Bên cạnh đó, lễ hội sẽ không tổ chức bán vé, thu tiền vào lễ hội, mà chỉ huy động nguồn vốn xã hội hóa…

Còn với lễ hội Đà cầu cướp phết xã Lập Thạch, theo ông Hạnh, năm nay sẽ chỉ tổ chức diễn phết mà không tổ chức cướp phết, nhằm tránh hiện tượng chen lấn xô đẩy. Với lễ hội Đúc Bụt, BTC đã đổi mới hình thức “Cướp chiếu” của lễ hội theo hướng văn minh, đảm bảo an ninh, trật tự. Ban chỉ đạo, BTC đã họp với nhân dân để quán triệt, tuyên truyền về quy định việc tổ chức lễ hội. Theo đó, sau nghi lễ Đúc Bụt sẽ là phần “tản chiếu” phát lộc cho người dân, nhằm tránh tình trạng tranh cướp, xô đẩy quá đà gây phản cảm… 

Trước những phương án của các địa phương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho rằng: “Theo Nghị định 110 mới ban hành cũng đã phân định rõ trách nhiệm của các ngành. Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội tại địa phương. Do đó, các địa phương khi tổ chức lễ hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đáp ứng, giới thiệu về nguồn gốc, nhận diện đúng giá trị lễ hội. Bởi thực tế việc phân cấp quản lý và tổ chức lễ hội sẽ góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền các địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cũng sẽ chủ động trong việc kiểm kê, phân loại lễ hội, tạo điều kiện thuận lợi để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa tốt đẹp của từng địa phương, vùng, miền qua việc tổ chức lễ hội”.

Minh Quân

    Nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ