A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sống chung với amiăng: Hiểm họa khôn lường

14:36 | 29/09/2015

Thời gian qua, hàng triệu người dân chấp nhận sống dưới những mái nhà lợp bằng các tấm lợp fibrôximăng do các cơ sở sản xuất trong nước cung cấp.

 Trên thực tế, đó là loại tấm lợp được người nghèo ưa chuộng nhất vì nó rất bền và rẻ, lại đẹp, phù hợp với túi tiền eo hẹp của họ. Ngay cả những gia đình khá giả, nhiều người cũng mua loại tấm lợp này về lợp tum, mái che chống nắng cho các nhà tầng. Theo các chuyên gia, những người dân này đang sống với hiểm họa khôn lường.
 

Bụi amiăng trong không khí hít vào sẽ gây ung thư phổi. Nguồn: vtv.vn.

Một khảo sát trong năm 2014 của Nhóm Hợp tác Thúc đẩy Phát triển Chính sách Y tế dựa vào Bằng chứng Khoa học (EBHPD) tại 4 cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng và tại cộng đồng sử dụng loại tấm lợp này cho thấy: Tại các cơ sở sản xuất không có biển cảnh báo quy định đảm bảo an toàn trong tiếp xúc với amiăng, dây chuyền thủ công chưa được tự động hóa, bộ phận xé bao amiăng bằng tay, phế thải được nghiền ra để sản xuất gạch. Ngay những túi đựng amiăng cũng được tận dụng để may thành túi chứa chấu kê tấm lợp. Tình trạng ô nhiễm môi trường do vậy rất khó kiểm soát. 

Tại cộng đồng, tấm lợp amiăng được sử dụng rất phổ biến tại 85% số hộ dưới nhiều hình thức. Và điều đáng lưu tâm, không chỉ có hộ nghèo mới sử dụng mà như trên đã nêu, có không ít hộ khá giả vẫn sử dụng loại tấm lợp này. Theo các chuyên gia, khi sử dụng các tấm lợp này dù dưới hình thức nào, hàng ngày những bụi amiăng nhỏ bé li ti vẫn len lỏi chui vào cơ thể ta, trú ngụ tại phổi và giết ta một cách thầm lặng.

Tại các dự án hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số cũng như các dự án xóa đói giảm nghèo, tiếc thay vẫn chưa có quy định nào của bất kỳ cấp có thẩm quyền nào loại trừ tấm lợp amiăng ra khỏi danh mục vật liệu xây dựng cho đồng bào. Như thế, nên chăng chúng ta cần đặt lại vấn đề giúp dân thoát khỏi đói nghèo, bệnh tật ra sao cho hợp tình, hợp lý?

Một trong những sai lầm chết người của Hiệp hội Tấm lợp VN, theo TS Vũ Thế Long, là họ khuyến cáo người dân đem phế thải amiăng độc hại đổ ra đồng ruộng. Hiệp hội Tấm lợp VN kết hợp với Viện Thổ nhưỡng - Bộ NN&PTNT đã tổ chức nghiên cứu sử dụng chất thải rắn làm chất cải tạo đất ở Thái Bình. Ban đầu, theo họ, “đã có kết quả tốt” (!?).

Hiệp hội này cho biết: “Theo kết luận của Viện Thổ nhưỡng - Nông hóa - Bộ NN&PTNT thì chất thải rắn từ sản xuất tấm lợp AC cho lúa có tác dụng làm ổn định số bông hữu hiệu trên một khóm của cây lúa, làm tăng số hạt chắc trên bông. Đối với khoai lang thì làm giảm khối lượng dây khoai và làm tăng khối lượng củ. Đặc biệt sử dụng chất thải rắn của sản xuất tấm lợp không làm giảm chất lượng nông sản, không làm thoái hoá đồng ruộng trái lại còn có tác dụng khử chua rất tốt và trong chất thải có nhiều CaO. Ngoài ra, chất thải này cũng có khả năng giữ nước, ngăn sức nóng mặt trời làm cho gốc cây trồng luôn ẩm, dễ phát triển”.

Chất thải rắn mà Hiệp hội này đề cập đến chủ yếu là ba-via và từ bể lắng lọc chất thải ướt, mảnh vỡ và chất lắng đọng khi vệ sinh máy chất thải khô, chất thải rắn thường chiếm 1 - 2% nguyên liệu đầu và khoảng 6.000 tấn/năm. Bất cứ ai tham gia sản xuất tấm lợp fribrôximăng đều thừa biết rằng amiăng dù là trắng, nâu hay xanh đều là chất vô cùng độc hại. Nó là thành phần chính trong các tấm lợp có sợi ở Việt Nam. Hiệp hội nói trên cho rằng: Khi đúc chúng vào tấm lợp thì các sợi amiăng bị chôn trong xi măng sẽ “không bị khuyếch tán ra không khí sinh bụi”.

Nhưng thực tế nghiên cứu cho thấy, các tấm lợp trong quá trình sử dụng vẫn phát tán ra môi trường một lượng bụi amiăng đáng kể. Bụi amiăng trong không khí hít vào sẽ gây ung thư phổi (ung thư biểu mô). Bởi vậy nên Nhà nước đã từng có lệnh cấm sản xuất tấm lợp này từ năm 2004, nhưng do sự vận động của Hiệp hội Tấm lợp và Bộ Xây dựng VN nên tấm lợp có chứa amiăng trắng vẫn được tiếp tục kéo dài sản xuất. 

May thay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kịp thời chỉ đạo lộ trình dừng sản xuất loại vật liệu độc hại này vào năm 2020. Trước đây, tuy Nhà nước cho kéo dài sản xuất nhưng không cho phép mở rộng sản xuất, với những điều kiện nghiêm ngặt trong sản xuất để đảm bảo sức khỏe cho công nhân.

Việc sử dụng trong cộng đồng cũng được khuyến cáo phải hết sức cẩn thận. Công nhân sản xuất phải có trang bị khẩu trang, kính, găng tay. Khi cưa cắt, khoan phải tuân thủ sử dụng những trang bị bảo hộ đặc biệt. Không được nghiền vỡ các tấm fibrôximăng đã qua sử dụng hoặc rải bừa bãi ra môi trường vì các phé liệu ấy sẽ giải phóng amiăng thành dạng bụi vô cùng nguy hiểm tung vào không trung và bất cứ ai hít phải cũng gặp nguy cơ ung thư...   

 Ngọc Kha

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ