A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thông tuyến khám chữa bệnh BHYT: Người bệnh được hưởng lợi

08:26 | 18/02/2016

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có quy định về việc thông tuyến khám chữa bệnh tuyến huyện và tuyến xã trên cùng địa bàn tỉnh đã giúp người bệnh có bảo hiểm y tế (BHYT) thêm cơ hội được lựa chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu.

Thực hiện theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Thông tư số 40/2015/TT-BYT của Bộ Y tế về quy định đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT, kể từ ngày 1-1-2016 người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám chữa bệnh BHYT tại bất kỳ trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh. Theo đó, khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tương đương theo tuyến người bệnh không cần phải có giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh như trước đây nhưng vẫn được bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh đúng tuyến và được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh theo mức quyền lợi hưởng BHYT.

Trước đây, bệnh nhân đến khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện tuyến huyện đều phải xin giấy chuyển viện với thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh. Do đó, việc thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế thuận lợi hơn. Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh, hiện việc thông tuyến chỉ mới áp dụng đối với ba đơn vị là trạm y tế xã, phòng khám đa khoa và bệnh viện huyện trong phạm vi một tỉnh. Người dân có nhu cầu tự đi khám chữa bệnh BHYT tại những nơi này không cần giấy chuyển tuyến. Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở nơi bệnh nhân đến khám chữa bệnh, cơ sở khám chữa bệnh vẫn thực hiện chuyển tuyến như bình thường. Đối với trường hợp người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh hoặc tuyến Trung ương nhưng tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã, Bảo hiểm xã hội tạm thời chưa thanh toán chi phí khám chữa bệnhh theo chế độ BHYT (trừ các đối tượng có thẻ BHYT được ghi mã K1, K2, K3; các trường hợp cấp cứu; có giấy tạm trú, đi công tác, học tập).

Việc thông tuyến khám chữa bệnh BHYT nhằm tăng thêm quyền lợi, tăng sự lựa chọn cho người bệnh, nhưng cũng sẽ là thách thức đối với các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện. Bởi trên thực tế, lâu nay không phải cơ sở y tế tuyến huyện nào cũng được đầu tư đúng mức về nhân lực, cơ sở hạ tầng nên khi áp dụng thông tuyến, những bệnh viện vốn tồn tại nhờ lượng bệnh nhân khám BHYT đúng tuyến sẽ phải chủ động thay đổi, nỗ lực nâng cao chất lượng để “giữ chân” bệnh nhân. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Những năm trước, người bệnh có BHYT ở huyện này muốn sang bệnh viện huyện khác khám chữa bệnh sẽ không được BHYT thanh toán, nhưng bây giờ họ hoàn toàn có quyền lựa chọn bệnh viện huyện khác trong tỉnh nếu không hài lòng về chất lượng của bệnh viện huyện nhà. Điều này sẽ tạo ra cuộc đua về chất lượng giữa các bệnh viện cùng hạng, từ đó sẽ xảy ra tình trạng có nơi thì quá tải, nơi thì không có người bệnh. Nhưng mấu chốt vẫn là bệnh nhân được hưởng lợi khi chất lượng dịch vụ ở các bệnh viện tuyến huyện tăng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của họ”.

Rõ ràng, việc thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT không chỉ đem lại sự thuận lợi cho người bệnh, mà còn tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các cơ sở y tế. Chính vì vậy, để chuẩn bị cho việc thực hiện quy định mới này, từ năm 2015 các bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh đã “chạy đua” nâng cao chất lượng để thu hút bệnh nhân bằng việc nỗ lực áp dụng kỹ thuật mới, khó, triển khai các phương pháp điều trị hiện đại, cải cách thủ tục hành chính, thay đổi cách đón tiếp, phục vụ người bệnh… Đây là những biện pháp tích cực góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của ngành Y tế trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Kim Oanh

Thông tư 40 của Bộ Y tế, bên cạnh quy định thông tuyến, 5 trường hợp khám chữa bệnh khác cũng được coi là đúng tuyến

1. Người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã chuyển tuyến đến bệnh viện huyện, bao gồm cả các bệnh viện huyện đã được xếp hạng I, hạng II và bệnh viện y học cổ truyền tỉnh (trong trường hợp bệnh viện huyện không có khoa y học cổ truyền)

2. Người có thẻ BHYT được bệnh viện tuyến huyện, bao gồm cả các bệnh viện huyện đã được xếp hạng I, hạng II và bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh chuyển tuyến đến trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh hoặc bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh cùng hạng hoặc thấp hơn.

3. Trường hợp cấp cứu, người bệnh được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào. Sau giai đoạn điều trị cấp cứu, người bệnh được chuyển vào điều trị nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh nơi đã tiếp nhận cấp cứu hoặc được chuyển về nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu sau khi đã điều trị ổn định.

4. Trường hợp người bệnh được chuyển tuyến khám chữa bệnh có bệnh khác kèm theo, bệnh được phát hiện hoặc phát sinh ngoài bệnh ghi trên giấy chuyển tuyến, cơ sở khám chữa bệnh nơi tiếp nhận người bệnh thực hiện khám chữa bệnh đối với các bệnh đó trong phạm vi chuyên môn.

5. Trường hợp người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh trên địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT. Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người tham gia BHYT được lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh khác có tổ chức khám chữa bệnh BHYT ban đầu.

 

 

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ